Trường học than giáo viên nhiều hơn học sinh, khó xin quỹ đất mở rộng
(Dân trí) - Lần đầu tiên, TPHCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục với sự tham gia của 108 đơn vị.
Khó khăn tuyển học sinh
Trăn trở tại hội nghị, bà Đào Thị Tin - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Phúc -cho hay, sau đại dịch Covid-19, nhiều trường gặp khó khăn trong nguồn tuyển.
"Có nhiều khi số lượng giáo viên trong trường còn đông hơn trẻ đi học", bà Tin nói.
Theo chủ đầu tư này, hiện các trường vẫn phải cầm cự hoạt động, cố gắng đảm bảo thu nhập, chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Thế nhưng, bà Tin nói rằng việc co kéo đang trở nên hết sức khó khăn. Hiện nay, đơn vị đang phải nhận quyết định xử phạt do nợ tiền bảo hiểm xã hội.
Tương tự, ông Ngô Ngọc Luyến - Chủ đầu tư và cũng là điều hành của Trường Mầm non Nam Mỹ (huyện Bình Chánh) - nói, sau đại dịch, nhiều cán bộ và giáo viên không trụ nổi nên đã xin nghỉ việc.
Nhiều cơ sở, trường mầm non tư thục đã phải sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp để có thể duy trì được hoạt động. Một trong những khó khăn được các chủ trường nêu ra là chính sách đóng bảo hiểm xã hội, hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Nhà đầu tư mong rằng, thành phố sẽ có thêm nhiều chính sách ưu đãi về thuế, để có thể chia sẻ những khó khăn với các trường.
Doanh nghiệp đầu tư giáo dục khó tiếp cận quỹ đất
Một khó khăn khác của doanh nghiệp ngoài công lập là tiếp cận quỹ đất. Ông Nguyễn Bá Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt Mỹ - cho biết các doanh nghiệp đầu tư giáo dục gặp khó khăn về quỹ đất. Đa phần đất dành cho giáo dục đã được xây trường công lập, số còn lại ở xa, vùng ít dân cư, ngoại thành như huyện Bình Chánh.
Khi khảo sát đất để mở rộng trường, ông Linh cho biết giá đền bù giải phóng mặt bằng tương đối cao, doanh nghiệp phát sinh chi phí lớn sẽ dẫn đến học phí ở mức cao. Ông mong muốn TPHCM, huyện Bình Chánh có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giáo dục giải phóng mặt bằng xây dựng trường học hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mục đích giáo dục.
Ông Linh cũng đặt câu hỏi về thủ tục cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất quy hoạch dân cư xây dựng sang đất ở để có thể xây khu nhà nội trú cho giáo viên, học sinh.
Đây cũng là vấn đề được ông Bùi Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục sớm Sài Gòn - băn khoăn. Ông Sơn cho hay công ty đang đầu tư vào một số trường mầm non, có định hướng đầu tư giáo dục phổ thông liên cấp nhưng không nắm được thông tin ở khu vực nào có quỹ đất và nhu cầu xây thêm trường học để đầu tư.
Giải đáp các vấn đề liên quan đến quỹ đất giáo dục, các đơn vị chức năng của thành phố cho biết quỹ đất xây dựng trường học ở nội thành chắc chắn khó khăn, còn ngoại thành vướng quy hoạch đất nông nghiệp,… Việc tìm đất cho trường công cũng khó, chưa nói đến trường tư.
Thành phố cũng như các sở ngành đã thấy được khó khăn và tạo nhiều cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp mở trường phát triển giáo dục.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất đã có quy định cụ thể, việc này chỉ là đăng ký biến động chứ không cần xin cấp phép.
Song, để xây dựng trường học, nhà đầu tư phải đảm bảo các yếu tố khác về phù hợp quy hoạch kiến trúc, các quy định pháp luật về xây dựng, về an toàn giao thông… Khi đảm bảo các điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép nhà đầu tư đăng ký biến động sử dụng đất.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho hay đơn vị này được chỉ đạo xây dựng đề án xây dựng trường học, quy định cụ thể bao nhiêu trường xây dựng bằng vốn nhà nước, vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Dự kiến có khoảng 106 dự án kêu gọi đầu tư bên ngoài.
HĐND TPHCM đang xây dựng chính sách để kêu gọi đầu tư theo đối tác công tư theo nhiều hình thức. Mức đầu tư của một trường phải trên 100 tỷ mới kêu gọi đầu tư vào vì khi đầu tư nhà nước bỏ đất, phải xây dựng xứng đáng, xứng tầm. Đây là một trong những điều kiện để đầu tư.
Về vốn ưu đãi cho giáo dục, chính quyền TPHCM cũng đang đề cập đến việc cho tư nhân vay vốn kích cầu đầu tư. Thành phố trả toàn bộ lãi suất trong vòng 7 năm để đơn vị tư nhân được vay vốn đầu tư vào giáo dục, xây dựng trường lớp.
Không cứng nhắc trong xử lý các hồ sơ, thủ tục
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - đề nghị Phòng Quản lý cơ sở Giáo dục ngoài công lập trực thuộc Sở cần tổ chức việc họp giao ban định kỳ với các đơn vị ngoài công lập, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương mới từ các Bộ, ngành để hỗ trợ các đơn vị trong công tác quản lý, vận hành các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, ông đề nghị các nhà đầu tư phải thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đang hoạt động.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu Sở GD&ĐT mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin, thường xuyên có phản hồi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, công khai lên Cổng thông tin điện tử của Sở.
Lãnh đạo thành phố đề nghị các Sở, ban ngành có liên quan có mặt tại hội nghị đối thoại cần lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, trên tinh thần cầu thị, có sự chia sẻ và hướng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục ngoài công lập, đáp ứng với yêu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân thành phố.
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố sẽ kiến nghị các cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung một số quy định còn bất cập, quán triệt tinh thần làm việc với các Sở, ban ngành của thành phố là hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, không cứng nhắc trong việc xử lý hồ sơ, thủ tục cho họ.