Hà Giang:

Trường học biến thành... “vườn” rau

(Dân trí) - Đó là một trong những điểm được cho là “bất cập” ở trường tiểu học và THCS Tả Sử Choóng hiện nay. Không chỉ vậy, giáo viên trong trường phải chạy hàng chục kilomet để photo tài liệu, đặc biệt còn một nỗi “éo le” nữa là trường không hề có nhà vệ sinh!

Thiếu đất nhưng trường lại “đắp chiếu” gần 8 năm

Trên chặng đường đi từ Bản Béo vào xã Tả Sử Choóng, trưởng Phòng giáodục Huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang tâm sự: “Tả Sử Choóng vẫn là một xã nghèo của Huyện, đường sá đi lại còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặt bằng xây dựng thiếu thốn do không có đất, học sinh đến từ nhiều thành phần dân tộc khác nhau… Chính vì thế việc phát triển giáo dục ở xã còn gặp rất nhiều khó khăn cho dù giáo viên đã nỗ lực hết mình”.

Câu chuyện thiếu đất xây dựng không quá lạ đối với những người từng đặt chân lên các huyện vùng cao. Để có đất xây dựng thì bắt buộc phải xẻ núi. Đối với các xã như Tả Sử Choóng thì chủ yếu dùng sức người là chính vì đường sá quá khó khăn, các phương tiện trợ giúp gần như không thể tiếp cận.

Việc tìm ra mặt bằng xây dựng khó khăn là vậy nhưng tại điểm chính trường tiểu học và THCS Tả Sử Choóng, một ngôi trường dang dở đã gần 8 năm nay vẫn chưa có biện pháp xử lý.
 
Trường học biến thành...  “vườn” rau - 1

Thiếu đất nhưng ngôi trường xây dựng dang dở này đã "đắp chiếu"
gần 8 năm nay

Trao đổi với Dân trí thầy giáo Lương Văn Dần, Hiệu trường nhà trường cho biết: “Ngay từ khi tôi về đây nhận công tác (cách đây hơn 6 năm) thì ngôi trường đã ở tình trạng “đắp chiếu” không thể thi công tiếp”.

Cũng theo thầy Dần thì trước đây ngôi trường do một công ty tên là Vạn An đứng ra thầu. Sau đó do có một số vướng mắc liên quan đến pháp luật nên vị giám đốc công ty này đi tù. Chính vì thế Huyện cũng rất khó khăn trong vấn đề quyết toán nên ngôi trường sau 8 năm vẫn chưa xây dựng xong.

Trong lúc chính quyền địa phương đang “bất lực” ở khâu triển khai để tiếp tục hoàn thiện ngôi trường thì các giáo viên nơi đây đã “tận dụng” tối đa mặt bằng đang thi công để trồng rau.
 
Trường học biến thành...  “vườn” rau - 2

Trong lúc chính quyền địa phương "bất lực" thì ngôi trường đã trở thành "vườn" trồng rau?!

Vườn trồng rau được mọc lên ở trong lòng ngôi trường. Những bức tường “rêu phong” vô tình trở thành hàng rào che chắn bất đắc dĩ.

“Nếu thời gian tới ngôi trường này được tiếp tục xây dựng thì giáo viên lại… “mất thêm” một khoản để mua rau. Tuy nhiên, chúng tôi rất hi vọng ngôi trường sẽ được sớm hoàn thành để vì ở điểm trường chính này đang còn rất thiếu phòng học”, bông đùa nhưng cũng đầy tính nghiêm túc - một giáo viên trong trường bộc bạch.

Khi chúng tôi chia sẻ những khúc mắc này với ông Lù Tờ Lìn, Phó chủ tịch thường trực huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Việc các ngôi trường do công ty Vạn An xây dựng dang dở sau đó đắp chiếu nhiều năm không phải chỉ riêng ở Tả Sử Choóng mới có. Song đối với các xã khác thì đến thời điểm này hầu hết đã được giải quyết xong. Riêng đối với xã Tả Sử Choóng thì còn vướng mắc một số vấn đề nên chưa triển khai được. Tuy nhiên, trong năm 2010 Huyện sẽ giải quyết nốt đối với điểm trường thuộc xã Tả Sử Choóng”.

Giáo viên “khổ” vì những điều “không tưởng”

Nhà vệ sinh trường học từng là nỗi bức xúc của toàn xã hội vào thời điểm năm 2008. Trước thực trạng đó Bộ GD-ĐT yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nghiêm túc thực hiện các quy định đã ban hành của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về y tế học đường.

Sau hơn 1 năm, khi đặt chân lên vùng đất Tả Sử Choóng thì mọi chuyện vẫn chưa có gì đổi thay. Không chỉ có những ngôi trường hay nhà công vụ “tường đất, vách gỗ” ngày trước mà ngay cả những công trình mới được xây dựng thì nhà vệ sinh dường như bị lãng quên.
 
Trường học biến thành...  “vườn” rau - 3
Là một điểm trường mới xây dựng nhưng nhà vệ sinh lại bị "bỏ rơi" 

Theo tâm sự của các giáo viên ở đây không chỉ riêng các điểm trường phụ mà ngày cả điểm trường chính thì các nhà vệ sinh đều được chính tay các thầy cô “thiết kế” và chủ yếu đều dùng tre nứa quây tạm ở một mảnh đất trống nhỏ.

Đã khổ về nhà vệ sinh thì giờ đây giáo viên Tả Sử Choóng lại tiếp nhận thêm một sự “gian nan” mới đó là phải chạy hàng chục kilomet ra Huyện để photo tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy.

Chỉ có ai đặt chân lên vùng đất Tả Sử Choóng mới biết quãng đường giáo viên ra Huyện vất vả đến mức độ nào. Để ra đến huyện thầy cô phải vượt gần 20km đường dốc và vực thẳm sau đó đi khoảng 15km đường lộ heo hút…
 
Trường học biến thành...  “vườn” rau - 4

Giáo viên phải đi hàng chục kilomet khổ sở như thế này chỉ để photo tài liệu

“Theo quy định và sự hỗ trợ của Chính phủ thì mỗi xã sẽ được trang bị một máy photo. Chính vì thế các giáo viên ở mỗi xã muốn có nhu cầu photo thì cần liên hệ với chính quyền xã”, Chánh văn phòng huyện Hoàng Su Phì không giấu giếm và chia sẻ cùng chúng tôi.

Dù khó khăn là vậy, nhưng rất chân thành một giáo viên bày tỏ: “Xã thì được huyện trang bị một máy photo nhưng bị hỏng cách đây mấy tháng. Trong khi đó công tác phục vụ giảng dạy thì cần phải photo tài liệu giáo trình thường xuyên nên đành phải chịu vất vả. Tất cả vì học sinh vùng cao mà”.

Vậy tại sao nhà trường không trang bị một máy photo riêng để phục vụ công tác giảng day?

“Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó. Huyện còn nghèo, ngân sách giáo dục rót về cho trường thì có hạn chính vì thế để mỗi trường có một máy photo riêng thì chỉ là điều…ước thôi”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm