Trường đại học "sốc" vì 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 8/8 đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Như vậy, con số 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển đã đi đâu?

Theo đó, thống kê cụ thể theo nhóm trường như sau: Có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.

Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay vẫn còn một số thí sinh khẳng định nhập học bằng cách gửi giấy báo kết quả thi qua đường bưu điện, một số trường chưa cập nhật hết số thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống nên con số thống kê sẽ còn tăng nhẹ trong vài ngày tới.

Theo kế hoạch đến hết ngày 12/8 quá trình cập nhật thí sinh khẳng định nhập học kết thúc. Bộ GD&ĐT dự báo đợt 1 các trường sẽ tuyển được khoảng 80% tổng chỉ tiêu.


Nhiều trường đại học ngỡ ngàng vì thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Nhiều trường đại học ngỡ ngàng vì thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Gọi điện tới từng thí sinh

Trường ĐH Giao thông vận tải hiện tại còn thiếu khoảng 300 chỉ tiêu. Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 nhưng không xác định nhập học.

Nhà trường gọi điện thoại cho 70 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng các em đều trả lời không đi học. Các em nói rằng, đăng ký xét tuyển đại học này là vì ở trường THPT khuyến khích đăng ký. Mặc dù những ngành các em này đăng ký đều là những ngành hót của trường. "Trường sẽ thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung" - ông Chương cho hay.

Tương tự trường ĐH Xây dựng, hiện nay đã có 89% thí sinh đến nhập học, trường còn thiếu khoảng 300 sinh viên mới đủ chỉ tiêu.

Ông Nguyễn ĐìnhThi, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, nhà trường đã gọi điện cho từng thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không đến nhập học, các em trả lời với nhiều lý do và chủ yếu nói không có nhu cầu học. Ông Thi cho rằng, có thể các em đi nước ngoài du học hoặc học nghề.

Còn tại trường ĐH Thủy Lợi, hiện tại tuyển được 81% trong đợt xét tuyển 1 và cũng còn thiếu khoảng hơn 200 thí sinh. Nhà trường cũng đã gọi điện thì một số em cũng nói không đi học và học trường khác.

Đặc biệt, Trường ĐH Lao động Thương binh và Xã hội có chỉ tiêu tuyển sinh là 3750. Trường đã gọi trúng tuyển lên tới 4.134 thí sinh (trong tổng số gần 13.000 nguyện vọng vào trường). Đến thời điểm hiện tại, trường mới nhận được 3034 thí sinh nộp phiếu điểm. Đạt gần 80% chỉ tiêu. Trường còn thiếu khoảng 800 chỉ tiêu.

Theo phân tích của nhà trường với số liệu 800 thí sinh trúng tuyển không nhập học thì có đến 65% các em nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và biên độ điểm của các em đều trên dưới 20 điểm. Nhà trường đã gọi điện đến từng em để hỏi nguyên nhân thì phần lớn trả lời các em đã đăng ký học cao đẳng, dược, công an, quân đội. Và, cũng lý do như các trường trên, các em đăng ký theo sự khuyến khích của trường THPT.

Điệp khúc, thí sinh đi đâu?

Hiện tại mới có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Như vậy, con số 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển đã đi đâu?

Thí sinh đi đâu? không phải năm nay mới có tình trạng này, mà các mùa tuyển sinh năm trước cũng vậy. Nhiều trường đại học tốp giữa, tốp dưới đã phân tích nhiều nguyên nhân, đưa ra nhiều lý do để trả lời câu hỏi này và Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp mạnh mẽ áp dụng cho mùa tuyển sinh năm nay nhưng điệp khúc vẫn lặp lại.

Cụ thể, để tránh tình trạng thí sinh "ảo", Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường thành lập nhóm xét tuyển chung. Theo đó, cả nước có 2 nhóm xét tuyển chung khu vực phía Bắc và phía Nam đã giúp cho hệ thống xét tuyển chung cả nước hoạt động rất hiệu quả, giúp các trường nhanh chóng xác định được điểm chuẩn phù hợp cho các ngành khác nhau sau một vài lần tải dữ liệu lên cổng tuyển sinh của Bộ.

Năm nay công nghệ “lọc ảo” lần đầu tiên được áp dụng. Nhờ chuẩn bị kỹ tốt phương tiện kỹ thuật công nghệ thông tin, cả phần cứng lẫn phần mềm, đặc biệt là việc tập huấn, chạy thử kỹ càng nên khi hệ thống chính thức đi vào hoạt động đã chạy suôn sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, hầu hết các trường đều hài lòng về kết quả xét tuyển của trường mình, quyền tự chủ tuyển sinh của trường được đảm bảo. Kết quả là ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên đã có 170/322 trường đạt được chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến 12h ngày 8/8, có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%. Nhiều trường thiếu quá nhiều chỉ tiêu và điều này nằm ngoài suy nghĩ của trường trong mùa tuyển sinh năm nay.

Trao đổi với PV Dân trí, cán bộ tuyển sinh của nhiều trường đại học cho biết, đến giờ này con số phần mềm lọc ảo và con số thực tế đến nhập học khác nhau quá lớn. Vậy, liệu có còn thí sinh đến đăng ký nhập học nữa hay không?

Một điều quan trọng, theo nhiều cán bộ tuyển sinh, họ rất ngạc nhiên khi gọi điện cho thí sinh đã trúng tuyển vào trường thì các em trả lời đã nhập học trường khác, tại sao lại nhập học trường khác?

"Chúng tôi rất ngạc nhiên và lo lắng tại sao lại có chuyện đó vì dù có tuyển bằng hình thức gì đi chăng nữa thì ngày cuối cùng các trường đều gửi số liệu lên cho Bộ GD&ĐT để lọc ảo. Trong khi đó, phần mềm lọc ảo toàn quốc có cả khối trường công an, quân đội thì chỉ ảo ở chỗ các thí sinh đã trúng tuyển nhưng không thích học. Thậm chí chúng tôi gọi điện thoại cho từng thí sinh thì một số em nói rằng, trúng tuyển ở trường khác rồi không đi trường thầy. Như vậy thì căng quá. Cần tìm ra nguyên nhân tại sao?" - một cán bộ tuyển sinh trường đại học trên địa bàn Hà Nội nói.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm