Trường đại học nào của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất?

(Dân trí) - Theo thống kê từ Web of Science, giai đoạn năm 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường đại học có 5738 bài, chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước. Vậy trường đại học nào của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất?

Thông qua công bố khoa học, với số lượng các bài báo và các bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của các trường đại học và tiềm lực KHCN của quốc gia.

Theo thống kê từ Web of Science, giai đoạn năm 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường đại học có 5738 bài, chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước. Vậy trường đại học nào của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất?

Bên cạnh các sản phẩm công bố quốc tế, còn có các sản phẩm là sách tham khảo, chuyên khảo, bài báo khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế khác. Các sản phẩm này là những đóng góp quan trọng của hoạt động NCKH cho ngành Giáo dục.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu khảo sát của ĐH QGHN, số các trường đại học Việt Nam công bố quốc tế như sau:

Trường đại học nào của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất? - 1

Các công bố của các trường đại học có quy mô lớn (Nguồn: Tổng hợp, phân tích của nhóm nghiên cứu từ Web of Science trong giai đoạn 2011- 2015 đối với dữ liệu scopus)

Khối các trường đại học kỹ thuật công nghệ, bên cạnh các sản phẩm thương mại cao và các bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ lớn, khối các trường này luôn có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất.

Riêng một số trường kỹ thuật công nghệ với một năm gần nhất (trên cơ sở số liệu của nhóm 16 trường: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa- Đại học Quốc gia.TpHCM, Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng) cho thấy công bố quốc tế giai đoạn 2011-2016 của 16 trường đại học khối kỹ thuật công nghệ là có 1733/5.738 bài của cả nước (chiếm khoảng hơn 30% công bố ngành giáo dục trên cả nước).

Khối trường đại học nông, lâm ngư y (N-L-N-Y) đã góp phần biên soạn 184 sách và giáo trình, trong đó có 6 sách và giáo trình thuộc lĩnh vực y dược, 178 sách và giáo trình thuộc lĩnh vực nông lâm ngư; đào tạo 155 NCS, trong đó có 42 NCS thuộc lĩnh vực y dược; đăng tải 7023 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế.

Khối các trường đại học sư phạm (ĐHSP) có các công bố trên các tạp chí có chỉ số ISI thuộc về khoa học tự nhiên, số công bố của khối các trường khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), khoa học giáo dục (KHGD) còn rất hiếm. Nhìn chung, tổng số lượng bài báo quốc tế có chỉ số ISI được xuất bản trong cả giai đoạn 2011-2015 từ các trường sư phạm còn khá khiêm tốn so với số lượng nguồn nhân lực hiện có (804 bài quốc tế có chỉ số).

Đối với khối các trường đại học KHXH&NV: số lượng các bài báo quốc tế còn khiêm tốn, các trường có số bài báo quốc tế công bố nhiều nhất là Trường ĐH KHXH&NV của ĐH Quốc gia TPHCM, tiếp đến là Trường ĐH Kinh tế thành phố HCM, Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH KHXH&NV của ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH KTQD, Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Huế.

Tính trung bình 01 năm 01 nhà khoa học của Trường ĐH Kinh tế của ĐH Quốc gia HN công bố 1,45 bài và các nhà khoa học trường ĐH KHXH&NV công bố được gần 1 bài. Các trường khác, 1 năm đạt khoảng 0,5 bài. Bên cạnh đó, một số trường thuộc khối xã hội và nhân văn còn có chiến lược phát triển và nâng cấp các tạp chí khoa học của trường để có thể được vào trong danh mục của hệ thống ISI hoặc Scopus.

Năm 2015, Tạp chí khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH Kinh tế Thành phố HCM đã được vào danh mục tạp chí khoa học Châu Á. Đây cũng là những nỗ lực rất lớn của các trường trong việc hỗ trợ các nhà khoa học công bố bài có chất lượng và nâng uy tín của các trường định hướng nghiên cứu.

Các công bố quốc tế (bài báo, sách và các phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích…) góp phần quan trọng trong nâng cao vị thế của các trường đại học. Trong hầu hết xếp hạng về tiềm lực KHCN của các tổ chức khác nhau từ QS Ranking, QS Start, URAP (University Ranking by Academic Performance) cho đến Webometrics, các chỉ số liên quan trực tiếp và gián tiếp đến KH&CN cụ thể như số công bố có trích dẫn cao nhất, số sản phẩm công nghệ có patent, số các spin-off trên thị trường chuyển nhượng, số các start-up được hình thành…. đều có trọng số rất cao trong đánh giá xếp hạng của đại học/hay tổ chức nghiên cứu nói chung.

Xếp hạng đại học Việt Nam của một số tổ chức như URAP, Schimago, QS ranking….trong một số năm gần nhất cho thấy: Năm 2016, Việt Nam có 4 trường được URAP xếp hạng gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐHBK Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn đứng hàng đầu trong các trường đại học ở Việt Nam.

Trường đại học nào của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất? - 2

Xếp hạng của tổ chức SCImago, Việt Nam chỉ có 03 cơ sở đào tạo đại học được xếp hạng: Trường ĐHBKHN, ĐHQGHN, ĐHQGHCM. Năm 2015 và 2016 chỉ có 2 trường lọt vào top 500 của Châu Á là Trường ĐHBKHN (2015: 491/617, 2016: 289/577) và ĐHQGHCM (2015: 497/617, 2016: 418/608).

STT

Tên Trường

Xếp hạng của QS

1

Đại học Quốc gia Hà Nội

139

2

Đại học Quốc gia TPHCM

147

3

Trường Đại học Cần Thơ

251

4

Đại học Huế

301

5

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

301

QS University Rankings: Asia 2016

- Năm 2017 theo Xếp hạng Webometrics, với vị trí 1578 và 1762 trên thế giới, ĐHQGHN và ĐHBKHN luôn ở vị trí đứng đầu, tăng 154 bậc so với vị trí 1926 trong xếp hạng tháng vào tháng 1, 2016.

- Theo xếp hạng QS-Start trong năm 2016-2017 một số trường Đại học ngoài công lập được đánh giá tương đối cao với cấp độ 3 Sao như khối các Trường Đại học FPT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Tôn Đức Thắng….

Xếp hạng trường đại học của Webometrics

Trường đại học nào của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất? - 3

Nguồn: http://www.webometrics.info

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, các công bố quốc tế ngày càng có chất lượng: đã có công bố trên Tạp chí Nature trong lĩnh vực Địa hóa môi trường (Trường ĐH Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội), Y-dược (Trường Đại học Y Hà Nội). Trường Đại học Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội đã có công bố trên Tạp chí Nature. Chất lượng nghiên cứu này khẳng định chất lượng và sự khác biệt về nghiên cứu khoa học của các trường đại học so với khối khoa học xã hội nhân văn thuộc các viện nghiên cứu của các bộ/ngành khác trong cả nước.

Ngày mai 29/7, Hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” sẽ diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 300 đại biểu tới từ các trường đại học trên cả nước, đại diện Bộ Khoa học-Công nghệ cùng với chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới về giáo dục đại học.

Hội nghị tập trung thảo luận về các vấn đề trọng tâm như tìm ra điểm nghẽn trong hoạt động KHCN nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn đó; làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển KH&CN; tổ chức hoạt động KH&CN và tiềm lực KH&CN, kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về KH&CN;

Đồng thời, đề xuất các hướng nghiên cứu chiến lược và trọng tâm phục vụ phát triển ngành GD-ĐT và đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2025...

Nhật Hồng (ghi)