Gắn kết đại học và doanh nghiệp để thúc đẩy nhiều công trình nghiên cứu khoa học ra đời
(Dân trí) - Chủ trương lớn của lĩnh vực khoa học công nghệ và các cơ sở giáo dục đại học là đẩy mạnh gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp, tạo sự dịch chuyển từ nghiên cứu trong đại học đi vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống.
Ngày 11/4/2016, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ. Quy định bao gồm các nội dung: xác định, tuyển chọn, thẩm định, tổ chức triển khai và kiểm tra tình hình thực hiện, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp bộ.
Yêu cầu đối với đề tài khoa học cấp bộ phải có tầm quan trọng đối với sự phát triển của ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ phát triển giáo dục, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao trình độ cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và kết hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ.
Đề tài cấp bộ được giao trực tiếp cho các tổ chức chủ trì đề tài là các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học và các tổ chức khoa học và công nghệ. Vụ Khoa học, Công nghệ và Mội trường, Bộ GD&ĐT phối hợp với các tổ chức chủ trì quản lý toàn diện đề tài cấp bộ được giao.
Trên thực tế, trước sự bùng nổ tri thức, công nghệ sản xuất mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi các nội dung trong giáo dục đào tạo, đòi hỏi mọi quốc gia phải đổi mới để không bị tụt hậu. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, khoa học, công nghệ có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Tạo động lực lớn cho người làm khoa học
Cụ thể hóa chủ trương này, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo đã phát động nhiều cuộc thi, phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Chủ trương lớn của lĩnh vực khoa học công nghệ và các cơ sở giáo dục đại học là đẩy mạnh gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp, tạo sự dịch chuyển từ nghiên cứu trong đại học đi vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống. Việc gắn kết đại học và doanh nghiệp như Tập đoàn Bảo Sơn đã thúc đẩy nhiều công trình khoa học ra đời.
Đáng kể nhất, việc Tập đoàn thành lập Giải thưởng Bảo Sơn với mức thưởng rất lớn nhằm tôn vinh, khích lệ các nhà khoa học, các cá nhân có công trình nghiên cứu có giá trị, có sản phẩm khoa học kỹ thuật và các hoạt động xã hội, giáo dục và văn học, nghệ thuật được áp dụng trong thực tiễn, đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng và con người Việt Nam. Điều này đã và đang tạo động lực rất lớn với những người làm khoa học.
Giải thưởng Bảo Sơn là một trong các giải thưởng lớn như một sự ghi nhận và tôn vinh của xã hội đối với các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, đổi mới, cải cách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các tác phẩm văn học có giá trị. Từ giải thưởng này, nhiều công trình khoa học đã được biết đến và tôn vinh, nhiều công trình có tính ứng dụng và thực tế rất cao.
Đáng chú ý, năm 2007 đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế nào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người do GS. TS Đỗ Doãn Lợi làm trưởng nhóm đã được khởi động và hoàn thành vào năm 2010, ngay sau đó, công trình này được trao giải thưởng Bảo Sơn do Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Tập đoàn Bảo Sơn tổ chức.
Công trình đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành tại các bệnh viện và Trung tâm nghiên cứu y học lớn trong cả nước. Kể từ đó, việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc vào Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, với hy vọng tìm ra được phương pháp mới giúp các bệnh nhân chữa khỏi các bệnh phức tạp mà không phải ra nước ngoài điều trị.
Cho đến nay, nhiều bệnh lí khác nhau đã được điều trị bằng phương pháp tế bào gốc. Theo GS. TS Đỗ Doãn Lợi (Viện tim Quốc gia), thì việc ứng dụng tế bào gốc cần tiến hành thận trọng, không nên quá lạm dụng.
“Hiện nay ở các nước trên thế giới các ứng dụng bắt đầu “chững lại” mà đã đi vào chiều sâu hơn, thay vào đó họ nghiên cứu các tính chất lý học, hóa học, sự phát triển của tế bào đó, từng khía cạnh cụ thể của bệnh nhân tiếp nhận các tế bào đó” GS. Lợi cho hay.
Ngoài đề tài của GS. Đỗ Doãn Lợi, nhiều công trình khoa học có tính ứng dụng cao đã được Giải thưởng Bảo Sơn tôn vinh, đáng kể như: “Chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012” của nhóm tác giả do TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm trưởng nhóm; hay như công trình “Điều tra, đánh giá, thống kê, quy hoạch các khu bảo tồn vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế, quốc gia” của GS. TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội…
Năm 2017, Giải thưởng Bảo Sơn sẽ dành cho công dân Việt Nam có các công trình nghiên cứu, ứng dụng có kết quả, có đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực trong 5 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; Xóa đói, giảm nghèo; Phát triển kinh tế bền vững; Y – dược học, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Văn học. Bộ GD&ĐT là cơ quan bảo trợ và tổ chức xét tặng Giải thưởng. Mỗi lĩnh vực được trao tặng sẽ có một giải Nhất trị giá tương đương 50.000 đô la Mỹ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ hơn nữa cần quan tâm đổi mới chính sách đào tạo cán bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là đào tạo các chuyên gia đầu ngành về khoa học, công nghệ. Các ngành, các cấp cần quan tâm đầu tư, tạo những điều kiện thuận lợi nhằm phát huy cao nhất tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ nữa, cần đổi mới cơ chế quản lý nhân lực khoa học, công nghệ nhằm giải phóng tiềm năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ. Xây dựng các chính sách tạo động lực vật chất và tinh thần mạnh mẽ cho các cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, trọng dụng và tôn vinh nhân tài khoa học, công nghệ.
Việt An