Trúng tuyển đại học vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự
(Dân trí)-Quy định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình vừa được sửa đổi ban hành khiến một số học sinh THPT hoang mang lo lắng. <i>Dân trí</i> đã trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ, Nguyễn Thiện Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ GD-ĐT để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Đại tá, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng - Bộ GD-ĐT.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh: Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT của Bộ Quốc phòng, Bộ GD-ĐT bổ sung, sửa đổi một số điều về tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ của Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính qui ,từng bước hiện đại đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để thực hiện được nhiệm vụ trọng đại trên, nguồn nhân lực phục vụ quân đội hiện nay đòi hỏi chất lượng ngày càng cao về thể lực và tri thức. Đất nước đã có hơn 30 năm hòa bình, quân đội ta trong thời bình luôn nêu cao cảnh giác, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thực hành chiến đấu, hợp đồng tác chiến quân binh chủng trong chiến tranh công nghệ cao hiện nay, phải tuyển chọn những công dân ưu tú, có sức khỏe, có trình độ văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nếu trong kháng chiến chống Mỹ, ai có trình độ văn hóa lớp 10, sinh viên đại học ưu tiên cho binh chủng pháo binh, không quân, bộ binh trình độ văn hóa thấp hơn, thì ngày nay chiến sĩ bộ binh có trình độ văn hóa lớp 12 còn vất vả trong học tập, huấn luyện chiến đấu, chưa nói đến các binh chủng, quân chủng được ưu tiên trang bị vũ khí hiện đại như phòng không - không quân, hải quân, tác chiến điện tử… Đó chính là lý do Thông tư liên bộ 13 ra đời để đáp ứng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quân đội trong giai đoạn mới.
Trong Thông tư 13 có quy định, trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy gọi nhập học cùng một thời điểm, thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ, không thuộc đối tượng xét tạm hoãn gọi nhập ngũ. Ông có thể giải thích kỹ hơn về quy định này? Cụ thể thời điểm như thế nào?
Thông tư liên tịch số 13 qui định nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường cùng một thời điểm thì thực hiện lệnh nhập ngũ, báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành giấy báo nhập học) được bảo lưu kết quả nhập học theo khoản 4 điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS), sau khi hoàn thành NVQS sẽ tiếp tục học tập.
Trường hợp cùng nhận được Giấy báo nhập học thời hạn phải có mặt nhập học trước, Lệnh gọi nhập ngũ có thời gian qui định có mặt sau thời gian nhập học, công dân vẫn thực hiện Lệnh gọi nhập ngũ; công dân sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được Lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương.
Nhiều thí sinh lo lắng sau 2 năm thực hiện NVQS, sẽ quên kiến thức để thi đại học và họ cho rằng không nên áp dụng cho hệ đại học, cao đẳng chính quy, ông nghĩ sao ?
Mọi công dân Việt Nam đều có nhiệm vụ thiêng liêng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Nếu được phục vụ quân đội 2 năm hoàn thành nghĩa vụ của mình, có mai một ít kiến thức nhưng góp phần xây dựng quân đội bảo vệ vững chắc Tổ quốc; sau khi hoàn thành nghĩa vụ, họ còn cả một cuộc đời để học hành thực hiện ước mơ, hoài bão của mình để xây dựng Tổ quốc.
Công dân sau khi hoàn thành NVQS khi thi đại học có được hưởng ưu tiên không? Những người trốn tránh thực hiện NVQS thì xử lý như thế nào ?
Tuy thực hiện NVQS là chấp hành Luật nhưng Đảng, Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên công dân hoàn thành NVQS như: quân nhân công tác tại biên giới hải đảo, người dân tộc thiểu số, người lập công suất sắc trong khi phục vụ tại ngũ… được cử tuyển đào tạo cao đẳng, đại học, quân nhân xuất ngũ được cấp thẻ học nghề trị giá bằng 12 tháng lương tối thiểu (hiện nay là 12.600.000 đồng), sau khi học tập được ưu tiên giới thiệu việc làm…
Những công dân trốn tránh thực hiện NVQS, những ai tạo điều kiện cho công dân trốn tránh NVQS sẽ bị xừ lý theo pháp luật của Nhà nước.
Tôi cho rằng học sinh không nên hoang mang. Cần tin tưởng họ sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Bạn Đinh Công Tiến, học sinh lớp 12 ở huyện Hoa Lư - Ninh Bình: "Em sắp thi đại học rồi nên em lo lắm. Nếu em đỗ đại học hoặc cao đẳng nhưng liệu 2 năm sau khi thực hiện nghĩa vụ về em còn kiến thức để học tiếp không. Nếu em không đỗ và có mong muốn thi lại nhưng đi nghĩa vụ quân sự về kiến thức sẽ quên nhiều và không thi đỗ nữa thì sao ạ. Em lo quá!"
Phụ huynh Phan Đăng Hùng, Quận Đống Đa - Hà Nội: "Tôi thấy, quy định mới này có tính chất thời sự giáo dục giác ngộ thanh niên phải có nghĩa vụ trách nhiệm với đất nước. Tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, tôi băn khoăn một chút về việc ngắt quãng thời gian học của các em sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến kiến thức. Tôi nghĩ là cho các em học xong đại học rồi đi nghĩa vụ quân sự như vậy sẽ thuận lợi cho các em vừa học được tri thức vừa thực hiện nghĩa vụ với đất nước". PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội: "Tôi nhất trí với quy định mới này. Đi học và đi nghĩa vụ quân sự, hai nhiệm vụ đều như nhau nhưng sẽ gây tâm lý căng thẳng học sinh. Ví dụ: Hai học sinh là bạn thân cùng đỗ đại học nhưng người này nhận được giấy báo trúng tuyển của mình sớm hơn thời gian gọi nhập ngũ thì được đi học còn người kia nhận giấy báo trúng tuyển chậm hơn 1 ngày so với giấy gọi nhập ngũ đành phải gác lại việc học tập để đi nghĩa vụ quân sự. Để thuận lợi và không gây tâm lý căng thẳng cho học sinh, tôi đề nghị là nên có quy định thoáng hơn là Bộ GD-ĐT xem xét quy định thời gian cụ thể các trường gọi thí sinh trúng tuyển đại học cách thời gian gọi nhập ngũ khoảng 10 – 20 ngày". |