Nhập học khi có giấy báo nhập ngũ - Liệu có kẽ hở?

(Dân trí) - Sau khi đăng bài "Trúng tuyển ĐH vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự", <i>Dân trí</i> đã nhận được hàng nghìn ý kiến của độc giả đồng tình. Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ sự lo lắng tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành.

Thanh niên Thủ đô phấn khởi thực hiện nghĩa vụ quân sự. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thanh niên Thủ đô phấn khởi thực hiện nghĩa vụ quân sự. (Ảnh: Chinhphu.vn)
 
Lợi dụng kẽ hở để không chấp hành?

Nhiều độc giả, trong đó có cả những người trẻ cho rằng họ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc nếu quy định này được áp dụng công bằng triệt để với tất cả mọi người, bất kể người đỗ hay không đỗ đại học, bất kể là con nông dân hay con quan chức. Bạn đọc cho rằng, nếu thực hiện thì cần làm một cách rõ ràng minh bạch, để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành. Nghĩa là không có việc "đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn", mà tất cả nam công dân đủ sức khoẻ sẽ phải lên đường nhập ngũ. Đại học chỉ tuyển các SV đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS).

Trao đổi với Dân trí, Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng - Bộ GD-ĐT cho biết: "Thông tư 13 thể hiện rõ sự công bằng nghĩa vụ và quyền lợi của công dân là như nhau, không kể giàu nghèo, việc quản lý công dân thông qua chính quyền xã, huyện, cơ sở đào tạo, các cơ quan quân đội... Trong thông tư 13 không nói con nhà giàu được miễn, nếu không tự giác chấp hành con nhà nghèo cũng tìm cách trốn tránh NVQS như con nhà giàu, do đó có cơ chế tốt thì ở mọi khâu chọn người thực hiện thông tư cũng phải là những người trung, liêm thực thi nhiệm vụ công khai, minh bạch... thì sự công bằng sẽ tốt hơn".

Công dân trúng tuyển NVQS như Thông tư 13 qui định là hợp lý, có người thực hiện NVQS xong mới học, có người học xong mới nhập ngũ, như thế họ đều thực hiện NVQS chỉ có trước hay sau thôi, và những năm sau, chất lượng tuyển quân sẽ cao hơn năm trước.

Độc giả cũng nêu ra một tình trạng có thể nảy sinh nếu thực hiện quy định mới này một cách nghiêm túc như sẽ xuất hiện tình huống các trường ĐH, CĐ trong 2 năm 2013 - 2014 chỉ tuyển được toàn nữ SV và các nam SV không đủ sức khoẻ nhập ngũ. Sau 4 - 6 năm sau (2017-2019) sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho sản xuất có trình độ cử nhân, kỹ sư hay sau năm thứ 6 sẽ không có bác sĩ nam ra trường.

Về vấn đề này, Đại tá Minh cho rằng: "Nếu không đủ sức khỏe thì việc học tập cũng không thể tốt, thực tế tỷ lệ tốt nghiệp đại học của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực, do đó không có chuyện ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia mà sẽ phát triển cân đối, bền vững hơn".

Không thể rút ngắn thời gian thực hiện NVQS

Nhiều độc giả cho rằng, hiện nay nên rút ngắn thời gian quân ngũ là những trường hợp đã làm thủ tục nhập học nhưng chưa học thì thời gian trong quân ngũ là 1 năm, các trường hợp khác là 18 tháng như bình thường. Độc giả đề xuất Bộ GD-ĐT nên rút ngắn chương trình học, bỏ qua các môn quốc phòng đối với các trường hợp đã qua quân ngũ. Quan trọng hơn nữa là nên bố trí thời gian nhập ngũ, giải ngũ để mọi công dân có thể trở lại học và ôn thi đại học kịp thời sau khi hoàn thành nghĩa vụ.

Đại tá Minh khẳng định: Không thể rút ngắn hay kéo dài thời hạn phục vụ vì đây chúng ta đang bàn thực hiện Luật. Công dân đã thực hiện NVQS sau đó đi học được miễn không phải học các môn học GDQP an ninh chung vì đã được học kỹ trong quân đội rồi.

Về trường hợp, mà nhiều độc giả quan tâm là thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển vào ngày 10/8 mà giấy báo nhập ngũ vào 12/8 thì thực hiện nhiệm vụ nào trước? Đại tá Minh cho biết, giấy báo nhập học 10/8, lệnh nhập ngũ 12/8 theo Thông tư 13 công dân được miễn, nhưng nếu công dân chọn việc nhập ngũ trước cũng tốt, họ có quyền lựa chọn, thậm chí lệnh gọi sau đó nhiều ngày vì họ được bảo lưu kết quả học tập. Trong chiến tranh nhiều SV viết đơn bằng máu xin nhập ngũ, không đủ cân thì thủ gạch trong túi..., chưa đủ tuổi thì khai tăng tuổi... Do đó nhiều người nhận lệnh nhập ngũ sau vẫn tự nguyện thực hiện NVQS.

Hồng Hạnh