Trung tâm học tập cộng đồng: Nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ

(Dân trí) - Nhờ các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cắm sâu trên các địa phương cơ sở, người dân được trang bị kiến thức về mọi mặt, góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết vấn đề việc làm. Tuy nhiên để TTHTCĐ phát huy được đúng bản chất như mong muốn, có lẽ bài toán khó này sẽ còn trường kì.

TTHTCĐ là cơ sở giáo dục thường xuyên được thành lập theo nguyên tắc “vì dân, do dân và của dân” do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Với nhiệm vụ tạo điều kiện, cơ hội để người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, TTHTCĐ đã và đang là công cụ, là phương tiện để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập.

“Trăm nghe không bằng một thấy”.


Trung tâm tập học tập cộng đồng xã Phú Hộ, Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ).

Trung tâm tập học tập cộng đồng xã Phú Hộ, Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ).

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước có 11.019 TTHTCĐ, đạt tỷ lệ 98,71% số xã, phường, thị trấn trong cả nước có TTHTCĐ và tính đến hết năm học 2017-2018, số lượt người tham gia học tập tại các TTHTCĐ lên tới gần 19 triệu lượt người. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế ghi nhận tại một số TTHTTCĐ các địa phương, hoạt động của mô hình học tập này còn quá nhiều khó khăn, bất cập.

PV Dân trí có mặt tại TTHTCĐ xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đúng vào ngày trung tâm không có lịch học nào nên nơi đây vô cùng vắng vẻ. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chủ tịch (PCT) Hội khuyến học kiêm Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Kim Bình, một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm. Chả thế mà 13 năm kể từ ngày về hưu tới nay, ông Trực vẫn gắn bó với công tác khuyến học của xã.

Ông Trực phấn khởi kể cho chúng tôi những nỗ lực của Ban giám đốc (BGĐ) trung tâm về phát triển hoạt động của TTHTCĐ xã. Theo đó, hình thức tổ chức của trung tâm được duy trì theo quý hoặc theo từng chuyên đề cụ thể về trồng chọt, chăn nuôi, sửa chữa điện, xe máy…, các lớp học được người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia.


Lớp học sửa chữa cơ khí, điện máy cho thanh niên.

Lớp học sửa chữa cơ khí, điện máy cho thanh niên.

Dẫu lòng nhiệt tình là thế nhưng những khó khăn trước mắt để duy trì hoạt động của TTHTCĐ xã là điều mà ông Trực luôn trăn trở, gọi là TTHTCĐ nhưng trung tâm không có trụ sở làm việc riêng nên phải tận dụng các nhà văn hóa để làm nơi học tập.

Bên cạnh đó, theo quy định, mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động của TTHTCĐ quá ít ỏi, để tổ chức các hoạt động của trung tâm, BGĐ phải tìm nhiều cách để huy động các nguồn xã hội hóa từ tổ chức, doanh nghiệp…

Một ví dụ khác tại tỉnh Hà Giang, một tỉnh chủ yếu là người dân tộc thiểu số Mông, Tày, Dao nên còn gặp khó trong công tác vận động người dân tới TTHTCĐ học tập. Trao đổi với PV, ông Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 195/195 TTHTCĐ tại các xã, nhưng chỉ 14 trung tâm có trụ sở riêng.


Lớp học xóa mù chữ cho đối tượng từ 15 đến 60 tuổi tại điểm trường thôn Cốc Méo, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang).

Lớp học xóa mù chữ cho đối tượng từ 15 đến 60 tuổi tại điểm trường thôn Cốc Méo, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang).

Để góp phần giúp các TTHTCĐ lựa chọn nội dung học tập theo đúng phương châm “cần gì học nấy”, tỉnh đã soạn thảo 6 quyển tài liệu về các chương trình học, mỗi quyển 15 chuyên đề phù hợp với điều kiện các địa bàn để các TTHTCĐ vận dụng vào việc giảng dạy. Tuy nhiên, do đặc thù tỉnh miền núi sát biên giới nên nhận thức về việc học của người dân còn hạn chế. BGĐ các TTHTCĐ phải rất khéo léo mới vận động họ đến học chữ, học nghề, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”, ông De băn khoăn.

Hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các tỉnh đều chỉ đạo xây dựng phát triển TTHTCĐ theo cách: Cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành chỉ thị, nghị quyết; Hội Khuyến học cùng ngành GD&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo làm thí điểm, tổ chức tập huấn; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sau đó triển khai mở rộng thực hiện từ điểm ra diện rộng.

Đồng thời, cơ cấu bộ máy quản lý các TTHTCĐ tương đối gọn nhẹ, thường gồm 3 người: giám đốc là Phó Chủ tịch (PCT) UBND cấp xã, 2 Phó giám đốc là hiệu trưởng trường tiểu học hoặc THCS trên địa bàn và Chủ tịch hoặc PCT Hội khuyến học cấp xã.

Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đây là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phát triển hoạt động của các TTHTCĐ. Bởi bộ máy quản lý này chưa thực sự phát huy tác dụng vì cán bộ đều làm việc kiêm nhiệm, hay thay đổi vị trí công tác và chưa được trang bị kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để quản lý điều hành mô hình TTHTCĐ.

Thời gian qua, để tận dụng nguồn lực về cơ sở vật chất và huy động sự tham gia của các thiết chế văn hóa cấp xã, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương thí điểm mô hình phối kết hợp TTHTCĐ với các nhà văn hóa, trung tâm thể thao cấp xã thành mô hình trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (TTVHTT-HTCĐ), GD Dong cung cấp thêm thông tin.


Lớp học về kĩ thuật chăn nuôi cho bà con nhân dân tại Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ).

Lớp học về kĩ thuật chăn nuôi cho bà con nhân dân tại Thị xã Phú Thọ (Phú Thọ).

Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có khoảng 4.286 TTHTCĐ kết hợp theo mô hình này, chiếm tỷ lệ 38,67%. Nhìn chung, mô hình kết hợp này khá hiệu quả và có một số ưu điểm như tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà văn hóa xã, trung tâm thể thao xã để triển khai các hoạt động dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, ông Hinh nhìn nhận, hiện nay chưa có quy chế tổ chức và hoạt động cho mô hình TTVHTT-HTCĐ nên các địa phương còn lúng túng trong quản lý và điều hành. Cá biệt, có nơi không có nhân sự của ngành giáo dục và hội khuyến học nên không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của TTHTCĐ theo quy định như: Quảng Ninh, Bình Định…

Khác với trường học chính quy, TTHTCĐ là hình thức học tập mới được tổ chức tại Việt Nam nhưng chưa nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nên chưa có danh mục để đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là trở ngại rất lớn trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp tài liệu và trang thiết bị học tập. Nguồn lực để tổ chức và duy trì hoạt động của TTHTCĐ chủ yếu dựa vào tinh thần trách nhiệm của ngành GD&ĐT, của hội khuyến học và chính quyền địa phương cùng lòng nhiệt thành của người dạy và người học, ông Hinh cho biết thêm. (Còn tiếp…)

Hiện nay, theo Thông tư số 96/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các TTHTCĐ tối thiểu là 20 triệu đồng/năm/trung tâm đối với các TTHTCĐ thuộc các xã khu vực I và 25 triệu đồng/năm/trung tâm đối với các TTHTCĐ thuộc các xã khu vực II và III.

Hà Cường.