Trông giữ HS ngoài giờ: Làm sao để không biến tướng?
(Dân trí) -Nhiều bậc phụ huynh vẫn lo lắng về văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với học sinh tiểu học của Sở GD-ĐT Hà Nội. Vậy làm sao để các hoạt động này không bị biến tướng?
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, hoạt động trông giữ học sinh (HS) ngoài giờ học chính khóa là hoạt động đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ HS (vì không có điều kiện trông giữ hoặc đón về nhà đúng giờ). Đồng thời, muốn con được tăng cường thêm về kiến thức, kĩ năng các bộ môn năng khiếu..
Học sinh tham gia học lớp mỹ thuật tại trường tiểu học Thành công B (quận Ba Đình, Hà Nội).
Tuy nhiên đó là văn bản quy định còn việc triển khai ở các trường như thế nào rất khó để kiểm tra. Các bậc phụ huynh phản ánh: “Nói là trông giữ trẻ nhưng không ít trường vẫn tổ chức dạy Toán, Tiếng Việt có thu tiền. Nhiều trường đóng cổng trường “kín mít” nên bản thân phụ huynh cũng không giám sát được các hoạt động này”.
Rất nhiều hoạt động sau giờ học chính khóa được Trường tiểu học Thành Công B đưa ra như tập võ, bóng đá, tạo hình, thể dục nhịp điệu… Ngoài ra nhà trường cũng mở phòng thư viện để HS có nhu cầu vào đọc sách.
Theo quan sát của chúng tôi, không hẳn chỉ có những phụ huynh không kịp giờ về đón con mới tham gia dịch vụ trông giữ HS ngoài giờ mà thậm chí có những gia đình sẵn sàng đến trường ngồi chờ đợi con học môn năng khiếu để đón về. Giải thích về việc này, một phụ huynh cho biết: “ Việc tổ chức các câu lạc bộ trông giữ trẻ ngoài giờ là điều rất cần thiết. HS có thể lựa chọn những bộ môn năng khiếu phù hợp để phát triển khả năng của mình”.
Đánh giá về văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, cô Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B chia sẻ: “Văn bản của Sở GD-ĐT rất phù hợp với thời điểm hiện nay. Nhu cầu gửi con tại trường sau khi hết giờ học chính khóa là có thật và quan trọng hơn là nhiều bậc phụ huynh mong muốn các con được phát triển tài năng của mình. Thông qua các câu lạc bộ như thế này, bản thân giáo viên, phụ huynh sẽ phát hiện ra được những năng khiếu của các em để bồi dưỡng”.
Cũng theo cô Yến, việc mở cổng trường để phụ huynh có thể vào xem con em mình tham gia các bộ môn năng khiếu như thế nào cũng là điều nên làm bởi nó cũng góp phần giám sát nhà trường trong công tác trông giữ trẻ. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra khó khăn trong việc quản lý, giám sát an ninh trật tự của nhà trường.