Chúng ta có một đội ngũ đông đảo trí thức vừa yêu nước, vừa nhiệt tình, đấy là chưa kể đến trên 300 trí thức Việt kiều tài giỏi - không ít người đang làm việc tại các trung tâm khoa học, các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Vậy mà như Nghị quyết Trung ương 7 đã đánh giá: "Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế. Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống...". Vì sao lại có tình trạng như vậy?
Trí thức mong muốn được phản biện
Anh chị em trí thức đặt câu hỏi: Những tồn tại trên phần nào thuộc về bản thân các trí thức? Chúng ta có hàng chục vạn trí thức đang hoạt động nhiệt tình và tự nguyện trong các Hội khoa học chuyên ngành, nhưng ai cho phép các Hội chuyên ngành này tham gia phản biện các vấn đề hệ trọng liên quan đến khoa học - công nghệ, đến kinh tê - xã hội?
Lấy ví dụ trong khi chương trình giáo dục phổ thông của ta vừa nặng lại vừa thấp, nhiều môn học chả giống nước nào trên thế giới. Chương trình lại được làm sau khi đã soạn sách giáo khoa và sách giáo khoa sửa mãi vẫn đầy thiếu sót. Vậy tại sao Bộ GD-ĐT không giao cho các Hội chuyên ngành tham gia xây dựng Chương trình rồi sẽ hỏi ý kiến của đông đảo các thầy cô giáo? Sao không kiến nghị sửa Luật Giáo dục để chuyện viết và in sách không còn là chuyện độc quyền của một nhà xuất bản? Chuyện bỏ kỳ thi vào đại học, việc định rút chương trình đại học xuống 3 năm, việc xây thêm vài trường đại học chất lượng cao nữa khi đã có sẵn hai Đại học Quốc gia... anh chị em trí thức và các Hội chuyên ngành đâu có được tham gia phản biện?
Thậm chí những việc rất lớn như mở rộng Hà Nội thì nghe nói ngay Hội Kiến trúc sư và Hội Xây dựng cũng đâu có được tham gia ý kiến? Gần đây trí thức trong và ngoài nước phản ứng mạnh mẽ khi Nhà nước dự kiến bỏ ra 80 triệu USD để xây dựng nhà máy cồn nhiên liệu từ bột sắn và rỉ đường ở Phú Thọ. Thật là khó hiểu, các nước người ta sản xuất cồn sinh học từ bã mía, rơm rạ và sinh khối thực vật biển, chứ bột sắn và rỉ đường thì là nguyên liệu cho các nhà máy công nghệ sinh học (CNSH) mà các nước phát triển đang làm ra các dược liệu có giá trị cao hơn gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với cồn nhiên liệu.
Cần một chiến lược đúng mức cho khoa học trọng điểm
Lại nói thêm về phân bón vi sinh vật. Chúng ta đã có tiêu chuẩn Nhà nước về loại phân bón này - nghĩa là trong mỗi gam phân bón phải có 10 triệu tế bào vi sinh vật có khả năng cố định đạm, phân giải lân vô cơ hay một năng lực đặc biệt nào khác. Vậy mà thị trường đầy rẫy các loại phân bón hữu cơ vi sinh thuộc loại mua tấn, bán cân (mua rất rẻ than bùn và mùn mía, rồi nghiền ra trộn vào để đánh lừa nông dân), nếu thêm urê vào cho có mùi khai (!) thì chả còn vi sinh vật nào sống sót (!). Đấy là chưa kể trong khi chúng ta có thừa thãi các nguyên liệu giàu tinh bột, gỉ đường nhưng chỉ để cung cấp cho các nhà máy bột ngọt do nước ngoài đầu tư ở Việt Nam hoặc bán rẻ cho nước ngoài. Mỗi lít dịch lên men với một ít tinh bột và phân khoáng có thể làm ra 150g bột ngọt (mì chính) hay 100g lizin. Nếu đó là các nhà máy của ta, do các nhà CNSH Việt Nam quản lý thì hàng năm, chúng ta có thể xuất khẩu biết bao nhiêu bột ngọt và lizin. Đâu có phải chỉ thu được ít tiền từ thuế như hiện nay?
CNSH đang là một trong vài ngành khoa học mũi nhọn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Nhưng tôi có cảm tưởng chúng ta chưa có một chiến lược đúng mức về lĩnh vực khoa học quan trọng này. CNSH đâu có phải chủ yếu là nuôi cấy mô (!). Hiện nay riêng về kháng sinh người ta đã tìm thấy được từ Xạ khuẩn 8700 loại (100-120 loại đã được sử dụng), từ các Vi khuẩn khác 2900 loại (10-12 loại đã được dùng) và từ Nấm 4900 loại (30-35 loại đã được sử dụng). Ngoài ra, còn phát hiện được rất nhiều loại sản phẩm trao đổi chất khác có hoạt tính sinh học và có thể phục vụ cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau (y học, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp dầu mỏ, bảo vệ môi trường...). Trong số này có 900 sản phẩm từ Xạ khuẩn, 1400 sản phẩm từ các Vi khuẩn khác và 3700 sản phẩm từ nấm. Hiện nay người ta đã làm ra được trên 400 loại thuốc và chất kháng sinh dùng để điều trị 400 loại bệnh tật khác nhau. Chỉ riêng các Công ty CNSH của Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2008 đã thu được 360 tỷ USD (!)
Biến nông sản thành sản phẩm có giá trị cao
Đấy là tôi chỉ nói riêng về CNSH, một lĩnh vực khoa học mà tôi am hiểu. Các lĩnh vực khoa học mũi nhọn khác chắc cũng ở trong tình trạng trương tự như vậy. Có thể nói, chúng ta chưa làm được cả các sản phẩm lên men đơn giản nhất như acid citric, acid acetic,aceton, butanol, glycerine... những sản phẩm của thế kỷ 19 (!). Chúng ta đứng thứ 13 trên thế giới về dân số nhưng cho đến nay hoàn toàn nhập khẩu các loại vitamin và thuốc kháng sinh (!). Chúng ta tuy là một nước nghèo nhưng lại vô cùng giàu có về tính đa dạng vi sinh vật. Chúng ta lại có phong phú các nông sản phẩm dùng trong CNSH. Chúng ta nên đầu tư tập trung và đúng hướng hơn để có thể làm bật dậy một nền công nghiệp đi từ các thành tựu của CNSH. Muốn vậy trí thức phải được tin cậy, nhất là những trí thức đã có nửa thé kỷ gắn bó với ngành khoa học này.
Trong khoa học, chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông. Tôi chỉ có một nguyện vọng nhỏ là mong sao những vĩ lãnh đạo có trách nhiệm quản lý về CNSH hãy bớt chút thời gian ghé thăm Viện Vi sinh vật học Bắc Kinh để thấy rõ từ nguồn gen vi sinh vật, Trung Quốc đã làm ra biết bao nhiêu sản phẩm phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Họ cũng từ một nước nông nghiệp đi lên nhưng nông nghiệp đang chuyển mình rõ rệt, trong đó có một khâu rất quan trọng là biến một phần nông sản phẩm thành những sản phẩm CNSH có giá trị rất cao, đóng góp quan trọng vào cơ cấu GDP của đất nước.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
(Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam)