Tri thức trẻ Việt "hiến kế" mô hình giáo dục kích thích tiềm năng học sinh
(Dân trí) - Nghiên cứu sinh trường Johns Hopkins School of Medicine (Mỹ) Nguyễn Thị Sao Ly chia sẻ về mô hình giáo dục SARE nhằm kích thích sự ham học của học sinh yếu kém thông qua việc tham gia và thực hành nghiên cứu khoa học tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 thu hút rất nhiều nhân lực chất lượng cao là người Việt trên toàn thế giới. Các bạn là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… đang nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.
Tại Hà Nội ngày 27/11, những trí thức trẻ này đã cùng ngồi lại để thảo luận, chia sẻ về chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".
Đây là một vấn đề được dư luận quan tâm và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua trải nghiệm và nghiên cứu của chính các nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trên toàn thế giới, nhiều giải pháp sắc bén đã được đưa ra để chia sẻ, phân tích tại Diễn đàn.
Dự án quỹ học bổng cho học sinh trong nước từ sự góp sức của du học sinh
Tại đây, Tiến sĩ Hoàng Hà Thi (ĐH Harvard, Mỹ) và Nghiên cứu sinh Võ Thị Kim Thảo trình bày về Dự án Học bổng “Việt Nam Quê hương tôi”.
Đây là một sáng kiến được triển khai thành dự án nhân ái kết nối các du học sinh Việt Nam trên toàn cầu đóng góp tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi tại quê hương được tiếp tục đến trường.
Xuất phát từ thực trạng bỏ học của học sinh Việt Nam, theo như các thành viên của dự án, ở Quảng Trị 2017 – 2018 có 643 học sinh bỏ học; Tây Ninh có 543 học sinh; Đắk Lắk có trên 500 học sinh; cả nước (63 tỉnh thành) có hàng trăm ngàn học sinh bỏ học mỗi năm.
Một trong những nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học là điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình lo từng bữa ăn chưa đủ nên đành cho con bỏ học, nhiều em còn đam mê học tập và có năng lực tốt cũng phải nghỉ giữa chừng.
Những người thực hiện chương trình mong rằng nguồn nhân lực tốt này nên được giúp đỡ, bồi dưỡng và tạo điều kiện phát huy tiềm năng.
Nhóm làm dự án ước tính du học sinh Việt Nam ở nước ngoài chi phí khoảng 130,000$/năm (năm 2016). Do sự chênh lệch tỷ giá nên ước tính mỗi du học sinh trích chỉ 1EUR/ngày – 30EUR/tháng – 360EUR/năm – tương đương 9,000,000 VNĐ có thể đủ học phí cho 1 học sinh tại Việt Nam.
Nhóm thực hiện dự án học bổng này ước tính chỉ 1% du học sinh tham gia dự án sẽ giúp được 1,300 học sinh tại Việt Nam tiếp tục đến trường.
Dự án đang được triển khai với các định hướng là: Hình thành mạng lưới liên kết người Việt khắp 5 châu; Tinh thần hướng về quê hương nguồn cội; Mô hình crowdfunding: Đóng góp nhỏ mỗi người – tạo sức mạnh lớn, ai cũng đều có thể chung tay; Trao cơ hội và động lực vươn lên cho các em học sinh yếu thế trong xã hội; Truyền cảm hứng về một xã hội sẻ chia và lan tỏa yêu thương.
Mô hình giáo dục kích thích tiềm năng của học sinh yếu kém
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly (trường Johns Hopkins School of Medicine, Mỹ) chia sẻ về chương trình giáo dục mang tên SARE với mong muốn thông qua giáo dục để cải thiện và kích thích tiềm năng của đối tượng học học sinh yếu kém.
Ý tưởng của chương trình là thông qua việc tăng cường thực hành, thực nghiệm nghiên cứu khoa học để khuyến khích sự ham học hỏi và nâng cao vai trò của học sinh, sinh viên trong môi trường trường học.
Chương trình này đã được thực hiện ở Baltimore, Mỹ trong 10 năm và giúp nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp đại học và cấp 3 của học sinh địa phương.
Sau khi làm một cố vấn của chương trình này, chị Sao Ly nhận thấy tính khả thi và hiệu quả của chương trình nên chị mong muốn áp dụng nó tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ những đối tượng học sinh yếu kém.
Chị Sao Ly tin rằng “Nhân lực chất lượng không chỉ nằm ở những người ưu tú”.
Một nghiên cứu khác cũng liên quan tới vấn đề khuyến học của ThS. Nghiên cứu sinh Nguyễn Viễn Thông chia sẻ về chủ đề “Sử dụng game mô phỏng (simulation) trong đào tạo và huấn luyện về Phát triển Bền vững”.
Với những giải pháp cụ thể và những trò chơi thông minh kích thích động lực cho người cho người học, Anh Viễn Thông đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học về chủ đề này. Dự án khi được hoàn thiện có thể áp dụng ngay vào các nhà trường nhằm thúc đẩy học sinh yêu thích và chăm học hơn.
Cũng có chung chủ đề giáo dục, “Giải pháp Thiết kế, chế tạo máy phát hiện thiết bị công nghệ cao sử dụng gian lận trong thi cử” của giảng viên Tôn Thất Trường Nam (ĐH Tây Nguyên) là một nghiên cứu nhằm giảm thiểu và tiến tới xử lý hiện tượng gian lận trong thi xử đang là vấn nạn tại Việt Nam hiện nay.
Thực tế cho thấy ở mỗi mùa thi, các loại thiết bị gian lận thi cử đều được phát hiện trong và ngoài phòng thi. Nhờ sử dụng thiết bị công nghệ cao này, các thiết bị gian lận sẽ bị phát hiện dễ hàng. Phương thức hoạt động của thiết bị là phát hiện và định vị thông qua tần số hoạt động. Sản phẩm có giá thành sản xuất dưới 5 triệu đồng.
Anh Nam chia sẻ: “Việc sáng chế nên thiết bị này chủ yếu là hướng đến việc răn đe sinh viên hạn chế gian lận trong thi cử để chú tâm học tập cho tốt hơn. Do chưa xác định được đầy đủ hiệu quả của dự án nên chưa tìm đầu ra rộng hơn cho sản phẩm này”.
Tranh luận về sản phẩm của anh Trường Nam, một số đại biểu cho rằng giáo dục nên có những giải pháp tận gốc để ngăn chặn vấn đề gian lận trong thi cử bằng các phương pháp giáo dục, cách thức ra đề thi, tăng cường sự ham học…
Một tham luận khác cũng gây được sự chú ý tại Diễn đàn là “Phát triển mô hình học tập trải nghiệm sáng tạo có định hướng nghiên cứu KH&CN trong giai đoạn giáo dục ở Việt Nam" của Thạc sĩ Hoàng Thị Kim Khuyên.
Đây là nghiên cứu nhằm thúc đẩy sự quan tâm và trải nghiệm liên quan tới khoa học dành cho các bạn học sinh nhỏ tuổi, từ đó tạo ra thói quen và sự yêu thích đối với nghiên cứu khoa học từ khi còn nhỏ.
Nhờ áp dụng chương trình này, các bạn học sinh sẽ hiểu được quy trình nghiên cứu khoa học, bắt đầu tham gia nghiên cứu từ khi còn nhỏ tuổi.
Các nghiên cứu và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu này sẽ được Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổng hợp và gửi tới Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để có thể áp dụng vào thực tế.
Mai Châm