"Các bạn thực sự là tấm gương, kinh nghiệm tốt cho thế hệ trẻ Việt Nam"
(Dân trí) - Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2: "Các bạn thực sự là tấm gương, kinh nghiệm tốt cho thế hệ trẻ Việt Nam. Điểm chung giữa các bạn đó là hoài bão, tâm huyết, mong muốn được cống hiến khả năng, trí tuệ cho phát triển đất nước".
Sáng 27/11/2019, Lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2, năm 2019 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” đã diễn ra tại Hà Nội.
Dự Lễ khai mạc có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương…
Tại Diễn đàn, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nói: "Tôi rất mong có dịp gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi với các trí thức trẻ về những vấn đề quan tâm đối với sự phát triển đất nước".
Trưởng Ban Dân vận Trung ương biểu dương: "Trong số hơn 200 trí thức trẻ trong và ngoài nước tham gia Diễn đàn, nhiều bạn là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, giảng viên giỏi... đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có những lĩnh vực yêu cầu đào tạo, làm việc rất khắt khe và còn mới mẻ đối với Việt Nam.
Một số bạn đã thành danh, là niềm tự hào của gia đình, nhà trường và xã hội. Một số bạn đang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp có tiếng trên thế giới, trong nước.
Một số bạn còn rất trẻ nhưng đã khẳng định mình thông qua các công trình nghiên cứu khoa học, hoạt động giảng dạy, các sáng kiến hữu ích... Một số bạn khởi nghiệp thành công.
Các bạn thực sự là tấm gương, kinh nghiệm tốt cho thế hệ trẻ Việt Nam. Điểm chung giữa các bạn đó là hoài bão, tâm huyết, mong muốn được cống hiến khả năng, trí tuệ cho phát triển đất nước".
Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM Lê Quốc Phong nói rằng mục đích của Diễn đàn là nhằm tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.
Đồng thời đây là dịp đề xuất các cơ chế phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước.
Tham dự Diễn đàn có 233 đại biểu, có độ tuổi không quá 35, có quốc tịch Việt Nam (hoặc gốc Việt Nam) đến từ 23 quốc gia, vùng lãnh thổ có các nghiên cứu, các giải pháp, sáng kiến hoặc kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của Diễn đàn.
Trong đó, có 106 đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở ngoài nước; 127 đại biểu còn lại là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong nước; đại biểu là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, là 42 đại biểu chiếm tỉ lệ (21%), Thạc sỹ (47%), còn lại là các cử nhân đang theo học các chương trình sau đại học trong nước và quốc tế.
Trong số các đại biểu tham dự Diễn đàn lần thứ 2, có thể kể đến nhóm nghiên cứu của TS. Lưu Vĩnh Toàn (Thụy Sỹ) và TS. Phạm Xuân Lâm, Trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tham dự từ Diễn đàn lần thứ nhất, đã phát triển ứng dụng VietSearch nhằm khai thác tri thức và chia sẻ thông tin cho màng lưới chuyên gia người Việt quốc tế và sáng kiến này đã xuất sắc đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019; Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (Singapore) đem đến các kinh nghiệm và phương pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong điều kiện của Việt Nam; Tiến sĩ Hà Hoàng Thi (Đại học Harvard, Hoa Kỳ) với sáng kiến kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu xây dựng Quỹ Học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi đến trường.
Sau Lễ khai mạc Diễn đàn, vào buổi chiều cùng ngày các đại biểu sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp tập trung vào 04 nội dung chính gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội.
Một trong những nội dung mới của Diễn đàn năm nay đó là bên cạnh các chủ đề về Khoa học – Công nghệ - Giáo dục, Diễn đàn cũng xây dựng các phiên thảo luận về Phát triển và Công bằng xã hội, nhằm thu hút mối quan tâm và định hướng các giá trị trong trí thức trẻ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Diễn đàn sẽ kết thúc vào ngày 28/11/2019. Các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 2, 2019; Báo cáo chuyên môn về các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển bền vững; Báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và Kỷ yếu diễn đàn, danh sách các nhóm nghiên cứu chuyên sâu.
Trước đó vào buổi chiều 26/11/2019, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tham gia Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 tại Hà Nội.
Mai Châm