Quảng Trị:

Trèo đèo, lội suối vận động học sinh đến lớp

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo đủ số lượng học sinh trong năm học mới 2015 - 2016, nhiều thầy, cô giáo tại một số trường thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang tích cực bám bản, bám dân để vận động con em trong độ tuổi đến trường.

Dẫu còn nhiều khó khăn đang chờ đón thầy và trò ở phía trước, song bước vào đầu năm học mới, ngành giáo dục Hướng Hóa nêu cao quyết tâm, phấn đấu để ngoài việc đảm bảo số lượng, vấn đề trọng tâm là cải thiện chất lượng dạy và học ở địa phương.

Tận tình thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường

Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học mới đang đến rất gần, Ban giám hiệu Trường mầm non Hướng Lộc đã huy động hầu hết giáo viên tập trung để dọn dẹp trường, lớp và triển khai đi đến các thôn, bản vận động các cháu đến lớp.

nam-hoc-moi-1-e6c01
Giáo viên Trường mầm non Hướng Lộc chuẩn bị cơ sở vật chất, sửa sang lại trường lớp
nam-hoc-moi-4-292fc
và vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường

Gặp chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Minh Phụng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Lộc cho biết, năm nào cũng vậy, trước dịp khai giảng hơn nửa tháng là giáo viên trong trường phải phân công nhau đi đến từng bản, vào từng nhà dân để động viên và vận động các cháu trong độ tuổi đến lớp. Khi giáo viên đặt vấn đề, nhiều phụ huynh ban đầu tỏ ra e ngại, nhưng trước sự nhiệt tình của thầy, cô, cha mẹ các em cũng đồng ý và phấn khởi đưa con đến trường học chữ.

nam-hoc-moi-2-b7671
Ngoài điểm trường trung tâm, hầu hết các điểm trường còn tạm bợ, thiếu thốn cơ sở vật chất.

Năm học vừa qua, Trường mầm non Hướng Lộc có tất cả 244 cháu, trong đó, chia thành 9 điểm trường tại các bản và một điểm trường trung tâm, với số lượng khoảng gần 40 cháu. Nhiều điểm trường cách xa trung tâm hơn chục cây số như: Ra Ty, Cheng…, với điều kiện đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều đồi núi hiểm trở nên giáo viên phải vào “cắm bản” dạy chữ cho các em.

nam-hoc-moi-3-f3a98
Vận động đủ số lượng trẻ đến lớp là nhiệm vụ trọng tâm được triển khai vào đầu mỗi năm học

Điều khiến giáo viên lẫn phụ huynh hết sức lo ngại là cơ sở vật chất tại một số điểm trường còn thiếu thốn, trường học tạm bợ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư kiên cố hóa trường học vẫn chưa đến được với các điểm này.

Cô Phụng tâm tư: “Khó có thể kể hết những khó khăn tại các điểm trường này. Ngoài vấn đề đường sá đi lại toàn đèo cao thì hiện điểm trường tại thôn Ra Ty còn tạm bợ. Đầu năm học, giáo viên và phụ huynh phải giúp nhau sửa sang lại trường, lớp. Một số điểm khác cũng phải mượn nhà cộng đồng để dạy học; cơ sở vật chất dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

giao-thong-793a6
Đường giao thông dẫn đến nhiều điểm trường toàn dốc cao.

Để đến được với những thôn, bản như Ta Ry mới, Ta Ry, Cheng…, thầy, cô giáo của cụm trường mầm non Hướng Lộc; Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa chỉ có một cách duy nhất là đi trên các con đường độc đạo, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm.

Cùng chúng tôi vượt gần chục cây số đường đèo đến bản Ra Ty 2 để vận động học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Tâm Anh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Lộc nói: “Mấy ngày nay thời tiết khô ráo nên đường sá đi lại đỡ trơn trượt hơn chứ về mùa mưa, đường đất nhão nhoẹt nên phận gái như các cô không dám liều mình. Bởi việc đi lại như thế rất nguy hiểm, không may bị ngã xuống vực thì khổ lắm. Còn chuyện ngã xe trên đường, trầy xước thì xảy ra như cơm bữa. Chính vì vậy, giáo viên vào bản dạy phải ở lại cùng ăn, cùng ở với người dân, có khi đến gần tháng mới tranh thủ về thăm nhà”.

Nghe lời tâm sự của cô Tâm Anh, chúng tôi càng hiểu thêm những gian nan, vất vả đối với đội ngũ giáo viên cắm bản tại các trường vùng cao. Song, dù khó khăn vất vả là thế nhưng những ngày vừa qua, hơn chục thầy cô giáo của cụm trường này vẫn đều đặn đến tận từng nhà, gặp già làng, các gia đình dân bản, tuyên truyền, thuyết phục cho con em được đến trường học chữ.

“Gieo chữ” bằng cả trái tim

Vượt qua chặng đường đầy khổ ải, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi cùng nỗi kinh sợ, chúng tôi cũng tiếp cận được bản Ra Ty 2. Đây là bản thuộc diện xa nhất của xã Hướng Lộc. Vừa đến nơi, các thầy cô giáo phân công nhau đến từng nhà để vận động học sinh. Sau cuộc trò chuyện thân mật, cởi mở, già Hồ Phây như thấu hiểu được những khó khăn và tâm huyết của các giáo viên.

Già Phây bày tỏ: “Các thầy, cô đã vượt đường xa đến đây để thăm hỏi, động viên học sinh, già ưng cái bụng lắm. Già sẽ động viên con để cho các cháu đi học lấy chữ Bác Hồ. Mong sau này các cháu có thể đọc viết chữ thành thạo, thay đổi được cuộc sống nghèo khó, chứ hàng ngày lên nương, lên rẫy lao động cực nhọc lắm mà không đủ cái ăn, cái mặc”.

nam-hoc-moi-8-54117
Thầy, cô vượt đường xa vào tận các bản để động viên phụ huynh và học sinh.

Già Phây có 2 cháu đang học lớp 2 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lộc và 2 cháu còn nhỏ là con của anh Hồ A Zóp. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Zóp cho biết, gia đình sẽ quyết tâm lao động để cho các cháu đến trường học chữ để theo kịp các bạn. Lúc trước, do điều kiện kinh tế khó khăn nên cha, mẹ không được học hành, mong sao con cái lớn lên sẽ không bị mù chữ nữa.

Trong năm học này, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa phấn đấu không để học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi phải nghỉ học. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên có thâm niên “cắm bản”, vấn đề lo ngại là khi vào vụ mùa thu hoạch, nhiều phụ huynh lại cho con em mình nghỉ học giữa chừng về nhà giúp việc. Khi đó, việc vận động học sinh trở lại lớp là hết sức gian nan.

nam-hoc-moi-5-82023
Trước dịp khai giảng, thầy, cô giáo trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lộc phổ biến cho học sinh những kế hoạch, nhiệm vụ sắp tới.

Thầy Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lộc cho biết, trước dịp khai giảng, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất thì vấn đề trọng tâm là phải vận động đủ số lượng học sinh đến trường. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, chưa quan tâm sâu sát đến con em nên rất khó khăn. Một số em sao nhãng việc học rồi nghỉ giữa chừng để theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy. Đó là một thiệt thòi rất lớn, ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Chính vì vậy, thầy cô trong trường luôn xác định rằng, cần phải bám bản, bám dân để nắm bắt tâm tư của phụ huynh, lắng nghe những chia sẻ của họ. Qua đó, chỉ cho phụ huynh thấy được ý nghĩa của việc học thì mới đạt hiệu quả.

nam-hoc-moi-9-cb376
Thầy, cô luôn gần gũi động viên phụ huynh cho con đi học.

Qua tiếp xúc với nhiều giáo viên tại các trường này, hầu hết đều nhận xét việc dạy học tại đây gặp không ít khó khăn. Thầy, cô phải theo dõi sát các em, tích cực vận động phụ huynh đưa con đến trường. Bên cạnh đó, để học sinh tin tưởng và thích đến lớp, thầy, cô giáo phải là những người đáng tin cậy, biết lắng nghe, chia sẻ, chịu khó động viên, định hướng cho học trò; thậm chí phải như người bạn cùng tâm sự, chuyện trò với các em… lúc đó việc dạy học mới có hiệu quả.

nam-hoc-moi-7-59a34
Kịp thời nắm bắt những suy nghĩ, tâm tư của bà con

Ông Nguyễn Đức Tuận, Trưởng Phòng GD-ĐT  huyện Hướng Hóa cho biết, những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư cho giáo dục, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng dành nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng trường, lớp nhưng do địa bàn miền núi còn khó khăn nên hiện nhiều điểm trường vẫn còn tạm bợ, chưa được hoàn thiện. Năm học mới đang đến gần, chúng tôi đang cố gắng kiểm tra, rà soát, đầu tư có hiệu quả về cơ sở vật chất trường, lớp. Các điểm trường còn thiếu phòng học đang được huyện quan tâm xây dựng để đảm bảo chất lượng cho năm học mới.

Đăng Đức

 

Trèo đèo, lội suối vận động học sinh đến lớp - 10

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm