Trẻ ôn thi học kỳ căng như chuyển cấp: "Bố mẹ lòng tham không đáy?"
(Dân trí) - "Việc kiểm tra học kỳ như khảo sát bình thường mà áp lực quá mức thì chủ yếu xuất phát từ lòng tham của bố mẹ... không có đáy!", chị Trâm ở TPHCM nhận định.
Con được quyền không làm được bài
Hai đứa con của chị Trương Thị Trâm, một lớp 7, một lớp 3 ở Gò Vấp, TPHCM đang trải qua kỳ kiểm tra học kỳ một. Cô con gái lớp 7 vừa kết thúc đợt kiểm tra, còn cậu em trai lớp 3 sau tết dương lịch sẽ kiểm tra tiếp.
Chị Trâm cho hay, chị nghe nhiều bố mẹ than vãn trẻ ôn thi học kỳ căng thẳng như ôn thi lớp 10, cả gia đình mất ăn ngủ vì con ôn thi kiểm tra học kỳ mà chị vô cùng ngạc nhiên.
Hai con của chị, đi học nhiều năm qua, việc kiểm tra học kỳ hay cuối năm đều rất nhẹ nhàng. Trước ngày kiểm tra, các cháu tổng hợp lại kiến thức, xem một số dạng đề là xong, gần như không phải học gì nhiều.
Người mẹ bày tỏ, hai con của chị năng lực trung bình, không xuất sắc, cũng không quá kém. Hai cháu nhiều năm qua đều không đi học thêm, kể cả tiếng Anh.
Chị và con cũng xác định, kiểm tra mình cố gắng làm hết sức nhưng kết quả có thể từ trung bình 6-7 điểm là phù hợp với năng lực của các con. Nhưng thực tế, các năm đi học, điểm các cháu đều cao hơn mức này, cũng đạt 7-9 điểm.
Chị Trương Thị Trâm cho biết, có những câu con gặp khó, con sẽ tìm cách giải quyết bằng cách hỏi thêm bạn bè, thầy cô, nhờ bố mẹ...
Nếu vẫn quá sức, chị cũng nói rõ, con được quyền không làm, chấp nhận bỏ qua. Còn hầu hết, đề bài kiểm tra học kỳ đều là những kiến thức cơ bản, học sinh có năng lực học bình thường đều có thể xử lý ở mức đạt.
Chị Trâm cho biết, mới đây, trong phần luyện tập, cô giáo của con gái lớp 3 có đề viết về ước mơ của em. Con trai chị nói, con không viết được vì con không có ước mơ gì hết. Thế là cháu viết về chủ đề "em không có ước mơ".
Hay có bài phép chia tư duy khó, con đã tìm cách nhưng không giải được, con chấp nhận chưa giải quyết bài toán đó ở thời điểm này.
Con không đạt xếp loại học sinh giỏi, với chị Trâm là chuyện bình thường, chẳng vấn đề gì.
Áp lực do bố mẹ "lòng tham không đáy"?
Theo chị Trương Thị Trâm, kiểm tra học kỳ không nặng, nhất là ở bậc tiểu học. Khi bố mẹ chấp nhận năng lực của con, khả năng của con ở mức đó, để con chịu trách nhiệm về việc học, về bài làm của con thì việc học hay kiểm tra đều sẽ không quá căng thẳng.
Áp lực ôn học kỳ của học sinh, người mẹ này cho rằng đến từ việc bố mẹ đặt áp lực con phải đạt điểm tuyệt đối, phải đạt điểm cao nhất, không được thua kém bạn.
"Nhiều trường hợp trẻ được 8, 9 điểm, bố mẹ vẫn trách phạt thì chẳng có cách nào không áp lực cả. Thi cử, đặc biệt là kiểm tra học kỳ như khảo sát bình thường mà căng thẳng quá mức thì chủ yếu do bố mẹ cuồng điểm số, lòng tham của bố mẹ là... không có đáy!", chị Trâm nói.
Ngay trong đợt thi học kỳ, cậu con trai học lớp 5 của Lê Minh Sang, ở TP Thủ Đức vẫn 'cày" miệt mài ở sân bóng đá và sân chơi cầu lông.
Anh Sang chia sẻ, đợt thi học kỳ, con anh còn học ít hơn ngày thường vì tạm gác bài vở môn học khác, chỉ tập trung cho các môn kiểm tra. Việc ôn thi chỉ xem lại kiến thức cũ, xem dạng đề, viết bài văn ngắn...
Vợ chồng anh quan điểm rõ ràng, việc học là vấn đề của con, con phải tự xử lý chuyện bài vở, thi cử. Con kiểm tra đạt bao nhiêu điểm là vấn đề của con, bố mẹ cần tôn trọng kết quả này. Bố mẹ chỉ hỗ trợ khi con bị hổng kiến thức hay gặp những khó khăn vượt quá khả năng của con.
Theo anh Sang, kiểm tra học kỳ, đặc biệt ở tiểu học mà gặp áp lực có chăng thường rơi vào hai trường hợp. Một là bé nào quá kém, không nắm được kiến thức cơ bản nên bây giờ phải "nhồi nhét". Và hai là, xuất phát từ bố mẹ bắt trẻ phải đạt điểm 9-10.
Ông bố cũng chỉ ra một nghịch lý, đến mùa ôn thi học kỳ là phụ huynh than khó, than bài tập, chương trình quá nặng vượt khả năng của trẻ. Nhưng thực tế việc kiểm tra không khó như bố mẹ kêu ca, kết quả kiểm tra của học sinh giờ đây phần lớn toàn 8-10.
Đối với công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ cấp tiểu học năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường không gây áp lực với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá thông thường hằng ngày dành cho các em.
Lãnh đạo Sở cũng chỉ đạo, việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày, không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập.
Anh Lê Minh Sang cho rằng, với đứa trẻ, những áp lực bên ngoài, áp lực từ thầy cô, chương trình không bằng... áp lực đến từ chính bố mẹ. Với việc học, bố mẹ cần gỡ áp lực cho con thay vì chất thêm gánh nặng lên vai đứa trẻ.
Điều này, cần bắt đầu từ việc bố mẹ biết "kiềm chế" lòng tham trước điểm 10, cần hiểu năng lực con mình đến đâu để phát huy, khích lệ; cho phép con được sai tránh làm sứt mẻ mối quan hệ cha mẹ và con cái.