Bạn đọc viết:
Trẻ ngoan hay hư khi nhận lì xì đều do người lớn!
(Dân trí) - Hãy nói cho con biết về ý nghĩa của lời chúc tốt lành gửi gắm trong phong bao lì xì. Hãy dạy con thái độ lễ phép khi nhận phong bao và cách ứng xử tế nhị với món quà của mọi người. Đừng quên dạy con cách tiêu tiền mừng tuổi thật ý nghĩa nữa.
Lì xì vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt ta. Tặng cụ già, ta gửi người lời chúc bình an, trường thọ. Tặng trẻ nhỏ, ta mừng cháu thêm một tuổi mới. Chiếc phong bao mang sắc đỏ may mắn và ôm trong mình bao lời chúc mừng, nguyện cầu, ước vọng tốt lành nhất từ bao giờ bỗng trở thành nỗi háo hức vô tận của trẻ nhỏ và nỗi lo âu không nhỏ của người lớn. Và bao tình huống dở khóc, dở cười đã xảy ra quanh câu chuyện lì xì đầu năm ấy.
Mới sáng mùng một, tôi đang trao chiếc phong bao lì xì đàn cháu nhỏ thì một cháu nhanh nhảu xé toạc nó ra và kêu lên có vẻ thất vọng: “Chỉ có hai chục nghìn thôi…”. Đứa lớn hơn vội vàng thêm vào: “Nhanh sang nhà cậu N. lì xì nhiều hơn”. Hai cháu còn lại nhanh tay lôi tờ pô-li-me trong phong bao ra gộp vào xấp tiền mừng tuổi khá dày của mình. Những chiếc phong bao bị xé toạc vung vãi khắp sân trước nhà.
Các con còn quá bé để hiểu được ý nghĩa của tục mừng tuổi đầu năm và mỗi hành động vô thức ấy làm chúng ta không khỏi trăn trở. Chạy theo giá trị vật chất trong phong bao thay vì cảm ơn tấm lòng của người tặng là tình cảnh chung của khá nhiều trẻ và cả người lớn chúng ta.
Nhiều phụ huynh đang vô tình gieo vào đầu con trẻ sức nặng của đồng tiền. Khi mà chính bố mẹ vừa bỏ tiền vào phong bao vừa than thở thở than về gánh nặng lì xì. Bỏ ít thì lo bị chê, bỏ nhiều thì không có khả năng và tiếc hùi hụi. Phải chăng chúng ta tự đánh mất niềm vui ngày Tết của chính mình và con cái bởi cõi lòng lăn tăn lì xì bao nhiêu là đủ?
Tôi còn bắt gặp tình cảnh oái oăm của không ít người khi cân đo đong đếm thiệt hơn về số tiền mừng tuổi. Con mình nhận của người ta bao nhiêu thì mình lì xì lại bằng chừng ấy. Giả sử đồng tiền trong chiếc phong bao nhận lại được ít hơn cái mình đã cho đi lại ấm ức kể lể với con. Còn con mình nhận lại được nhiều hơn cũng băn khoăn, cả nghĩ, không biết người ta có trách gì không.
Buồn cười hơn nữa là tình huống một người mẹ gộp ba chiếc phong bao lì xì để tặng cho một cô bé. Bởi số tiền trong ba chiếc phong bao ấy cộng lại mới bằng mệnh giá tờ tiền mới coóng mà con bà vừa nhận được. Ý nghĩa mừng tuổi, chúc may mắn, chúc tốt lành đã bay biến đi đâu mất, giờ đây mấy cái phong bao trao đi gửi lại chẳng khác gì “trả nợ” thật sòng phẳng với nhau.
Các con thấy hết khuôn mặt méo xệch của bố mẹ về gánh nặng mừng tuổi, các con nghe hết lời than thở, xỉa xói, chê bai của người lớn về sự ít - nhiều, hơn - thua trong những chiếc phong bao. Và như một mầm cây non yếu ớt, các con rất dễ nhiễm “sâu bệnh”. Mầm bệnh nguy hại nhất chính là lối sống xem trọng giá trị vật chất, lãng quên những giá trị tinh thần tốt đẹp được gửi gắm qua phong tục mừng tuổi đầu năm.
Muốn uốn cây thẳng và đẹp, chúng ta cần bỏ công sức và tâm huyết. Muốn con trưởng thành mạnh mẽ và hồn nhiên, người lớn phải thay đổi chính mình. Mỗi người cần phải hiểu và thẩm thấu ý nghĩa sâu xa của tục mừng tuổi nằm ở giá trị tinh thần. Đừng quá lăn tăn, lo nghĩ về việc lì xì bao nhiêu, nhiều và ít, hơn và thua. Hãy bỏ vào đó những đồng tiền có mệnh giá phù hợp với khả năng của chúng ta. Cho đi sự quan tâm, tình yêu thương và lòng quý mến, đó mới là điều trân quý.
Mừng tuổi như một sợi dây buộc chặt chúng ta vào gánh nặng của đồng tiền. Hãy cởi trói nó ra, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhõm biết bao. Lúc đó, mọi người xung quanh mới an nhiên cho đi và hồn nhiên nhận lại. Cuộc sống này sẽ lại tươi đẹp khi chúng ta thay đổi suy nghĩ của mình.
Và quan trọng hơn hết là những bài học quý giá về tục mừng tuổi ngày Tết mà mỗi bố mẹ, ông bà cần rèn giũa cho con cháu của mình. Hãy nói cho con biết về ý nghĩa của lời chúc tốt lành gửi gắm trong phong bao lì xì. Hãy dạy con thái độ lễ phép khi nhận phong bao và cách ứng xử tế nhị với món quà của mọi người. Đừng quên dạy con cách xài tiền mừng tuổi thật ý nghĩa nữa. Để những ngày Tết trôi đi bao giờ cũng là sự tiếc nuối và còn mãi nỗi mong chờ háo hức đón xuân sang.
Thùy Mai