Dạy trẻ hiểu đúng ý nghĩa lì xì ngày Tết
(Dân trí) - Con trẻ đang hiểu sai lệch về ý nghĩa của tục lì xì. Ý nghĩa tinh thần của những phong bao lì xì biến đâu mất, chỉ còn đọng lại trong con trẻ giá trị vật chất của đồng tiền.
Tình cờ lắng nghe hai đứa trẻ trò chuyện, tôi bỗng giật mình. “Tết này chị sẽ dành tiền lì xì mua Ipad.” Cậu em trai bé hơn 1 tuổi hỏi: “Chị có đủ tiền mua không?”. Cô chị 10 tuổi nhẩm tính: “Thì ba mẹ cho năm trăm này, ông bà nội năm trăm, ngoại năm trăm. Rồi theo bố mẹ đi chúc Tết nữa, thế nào cũng đủ! Mà chị ghét nhất là mấy nhà hàng xóm, lúc nào cũng chỉ tờ hai chục nghìn. Uống công mình chúc sức khỏe, thành công ghê!”.
Tôi giật mình thật nhiều. Con trẻ đang hiểu lệch, hiểu sai về ý nghĩa của tục lì xì. Ý nghĩa tinh thần của những phong bao lì xì biến đâu mất, chỉ còn đọng lại trong con trẻ giá trị vật chất của đồng tiền. Và người lớn chúng ta mải quay cuồng theo bộ máy công việc, dường như quên mất việc uốn nắn, giáo dục con về một nét đẹp thuộc về văn hóa, truyền thống của người Việt. Đó là còn chưa kể, đôi lúc chính bố mẹ đã tiêm nhiễm cho con cái một tính xấu: Cân đo đong đếm tiền mừng tuổi!
Tục lì xì, còn gọi là mừng tuổi đã có từ rất xa xưa ở Việt Nam và một số nước láng giềng. Mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người lại chuẩn bị những phong bao đỏ thắm đựng một ít tiền lẻ. Thông thường trong gia đình người Việt ta, con cháu sẽ mừng tuổi ông bà, cha mẹ để chúc ông bà sống lâu, người lớn lại mừng tuổi trẻ nhỏ để chúc các cháu thêm một tuổi mới. Niềm vui, tình yêu thương, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc được gói ghém tinh tế trong chiếc phong bao bé xíu ấy.
Vậy mà từ lúc nào chẳng biết, phong tục tốt đẹp ấy đã bị biến tướng mất rồi. Dịp sắp Tết, mọi người xôn xao thảo luận nên lì xì bao nhiêu là vừa. Có người đề nghị vài chục ngàn, vài trăm rồi tiền triệu. Có người cố công sưu tầm những tờ ngoại tệ độc, lạ. Chúng ta tự tạo áp lực cho chúng ta và vô tình mừng tuổi trở thành gánh nặng cho chính mình. Người lớn thích thể hiện mình và vô tình con trẻ bị nhiễm tư tưởng coi trọng mệnh giá của lì xì.
Niềm vui nhận phong bao lì xì có lúc được nhân lên khi mở phong bao và đập vào mắt là một tờ pô-li-me giá trị. Hoặc sẽ là một khuôn mặt sa sầm nếu bắt gặp đồng tiền không ưng ý. Do đó, các con quên mất một điều quan trọng: Khi một bao lì xì được tặng chính là người ta đang trao đi yêu thương. Các con cũng chẳng để tâm đến lời chúc tốt đẹp dành cho mình. Các con chỉ đang háo hức mở phong bao ấy và xem được bao nhiêu tiền thôi.
Các con quen được lì xì như vậy rồi nên mặc nhiên công nhận: Lì xì phải nhiều, nhiều mới vui. Đó là còn chưa kể cách các con nhận và mở bao lì xì khiến chúng ta rơi vào tình huống khó xử. Chẳng hạn vừa mới cầm đã vội bóc xem ngay trước mặt khách hay bĩu môi, tỏ vẻ chẳng ưng ý gì bên trong các phong bao ấy.
Và đừng vội trách cứ con trẻ, các con chỉ là nạn nhân của lối sống coi trọng giá trị đồng tiền. Bởi các con đã luôn soi vào tấm gương mờ của bố mẹ và người xung quanh. Có bố mẹ suốt ngày thở ngắn than dài tiền ra như nước vì lì xì hay sau một cuộc dạo quanh chúc tết vội gom tiền lại, xem được bao nhiêu, có "hòa vốn" mình đã bỏ ra hay lời lãi gì không. Có bố mẹ lại cân đo chi li xem người ta mừng con mình bao nhiều thì mình cho lại bấy nhiêu, nhiều hơn thì tiếc mà ít hơn lại áy náy. Có người lại còn lấy việc lì xì cho con trẻ làm phương tiện chạy việc, chạy chức, trả nợ, nhờ vả…
Trả lại ý nghĩa tục lì xì ngày tết cho con trẻ ư? Khó lắm. Nhưng khó không có nghĩa là chúng ta không làm để rồi phong tục tốt đẹp ấy trượt dài biến tướng. Cần dạy cho các con hiểu ý nghĩa sâu xa của tục lệ mừng tuổi. Cần hướng dẫn trẻ một thái độ đúng đắn mỗi khi nhận bao lì xì. Và định hướng cho các con cách sử dụng món quà ấy thật ý nghĩa. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải tự thay đổi chính mình, từ nếp nghĩ, cách ứng xử và quan trọng là dành thật nhiều sự quan tâm cho con trẻ quanh ta.
Thùy Mai