Bắc Ninh:

Trẻ mầm non được uống sữa miễn phí

(Dân trí)-Sáng 26/9, Bắc Ninh đã khởi động chương trình Sữa học đường tại các trường mầm non trong 5 năm với tổng kinh phí 178 tỷ đồng. Theo đó, trẻ được uống sữa miễn phí trong suốt thời gian đến trường với mục tiêu làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và cải thiện thể trạng .

Đây là tỉnh thứ hai trên cả nước triển khai chương trình Sữa học đường, trước đó là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường của Bắc Ninh, trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, trẻ đang học trong các trường mầm non sẽ được uống sữa UHT 180ml ADM của Vinamilk 3 lần/tuần trong suốt năm học. Nguồn kinh phí bảo đảm cho chương trình gồm 50% từ ngân sách tỉnh và phần còn lại sẽ do phụ huynh đóng góp và các nguồn xã hội hóa.
 
Quang cảnh buổi lễ phát động

Quang cảnh buổi lễ phát động
 

Chương trình Sữa học đường được triển khai thí điểm trong năm học 2013-2014 tại 24 trường mầm non (mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn 3 trường), với tổng số trên 10.000 trẻ được uống sữa. Từ năm học 2014-2015 đến năm học 2016-2017 sẽ triển khai đại trà đến tất cả các trường mầm non trên địa bàn tỉnh cho hơn 234.000 em được thụ hưởng.

Mục tiêu của chương trình là giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) cân nặng từ 4.3% xuống 4% và SDD chiều cao từ 5.6% xuống 5.2% ngay trong năm đầu tiên thực hiện tại 24 trường. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ SDD cân nặng và SDD chiều cao tại tất cả các trường mầm non của tỉnh sẽ giảm xuống còn 3.5% và 4% tương ứng.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, để chương trình được triển khai hiệu quả, ngành GD-ĐT, các địa phương và từng cơ sở giáo dục mầm non phải tăng cường kiểm tra, giám sát và có đánh giá cụ thể việc thực hiện chương trình trong từng giai đoạn, làm cơ sở tham mưu với tỉnh triển khai đại trà đến tất cả các trường Mầm non trên địa bàn tỉnh từ năm học 2014-2015. Các trường cũng phải quan tâm thống kê những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng góp kinh phí mua sữa để tỉnh bố trí ngân sách, hoặc kêu gọi các nguồn xã hội hóa hỗ trợ, bảo đảm cho tất cả các em đều được thụ hưởng lợi ích từ chương trình này.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 150 trường mầm non, trong đó có 144 trường công lập, số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 110 trường; tỷ lệ huy động trẻ đến lớp mẫu giáo đạt 99,25%; trẻ khuyết tật hòa nhập đạt tỷ lệ 91,2%. Những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng chung ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao, trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng chiếm 12,8%, suy dinh dưỡng chiều cao chiếm 26,8%.
 
Trẻ mầm non trường Hoa Hồng - TP Bắc Ninh hào hứng với lễ phát

Trẻ mầm non trường Hoa Hồng - TP Bắc Ninh hào hứng với lễ phát động Sữa học đường.

Được biết, mô hình Sữa học đường được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) kêu gọi và ủng hộ, với lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và hơn 50 năm tại các nước đang phát triển. Có thể nói, chương trình Sữa học đường hiện nay đang được lan rộng trên toàn cầu, và được đánh giá là có khả năng làm giảm gánh nặng chi phí cho y tế, giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ, nâng cao kết quả học tập. Đây cũng là mô hình giúp ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa phát triển mạnh mẽ.

Trong năm 2012 vừa qua, chương trình Sữa học đường đã đến với hơn 67 triệu trẻ em ở trên 60 quốc gia, tăng 30% so với năm 2011. Cũng trong năm 2012 đánh dấu sự quan tâm mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đối với chương trình Sữa học đường với 14 triệu học sinh của 60,000 trường học được uống sữa mỗi ngày trên phạm vi 26 tỉnh và 660 thành phố của Trung Quốc. Cũng trong năm 2012, Myama là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo công bố thực hiện chương trình Sữa học đường quốc gia trong thời gian 3 năm, bắt đầu từ tháng 6/2013, hướng đến 45.000 học sinh tiểu học tại 205 ngôi trường.

Tại Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên triển khai chương trình Sữa học đường từ năm 2007. Ở giai đoạn 1 của chương trình qua 5 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai đại trà tại 82/82 xã/phường của tỉnh. Kết quả là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh giảm từ 19,1% xuống dưới 12% chỉ trong vòng 5 năm. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lượng trẻ tăng cân chiếm tỷ lệ khá cao: 66,2 %; tỷ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Hiện tốc độ giảm suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh khá nhanh, trung bình mỗi năm giảm 1,64%, rất khả quan so với tình trạng chung của cả nước. Chính kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn I đã thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đầu tư cho dự án Sữa học đường giai đoạn 2 với tổng kinh phí là 113 tỷ đồng nhằm cung cấp sữa miễn phí cho hơn 270.000 trẻ em trên toàn tỉnh trong suốt 5 năm từ 2012-2016 với mục tiêu cải thiện hơn nữa tình trạng dinh dưỡng của trẻ em địa phương.

Nguyễn Hùng