Trẻ hóa “điên” sau mùa thi
Cả lớp đang chăm chú nghe giảng, bỗng Hiếu hét toáng lên, khiến cô giáo và tất cả các bạn giật mình quay lại. Khi được gọi lên bảng làm bài, em lại đứng đó “diễn trò” nhảy nhót lung tung.
Hiếu đang học lớp 9 song ngữ tại một trường THCS ở TPHCM. Cô Kim Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp, cho biết: "Hiếu là một học sinh giỏi, gần đây em mới có những biểu hiện như vậy". Còn Hiếu thì tâm sự, "học nhiều quá, chán và mệt nên em làm vậy cho vui". Cả ngày ở trường, chiều về ăn cơm xong là em lại chạy đi học thêm tiếng Pháp và Toán. "Sắp tới còn chuẩn bị học thêm Văn vì thời gian qua điểm môn này của em thấp lắm!", Hiếu nói.
Cô bé Thanh Thủy, 13 tuổi, ở Vĩnh Long, cứ đến kỳ thi lại than mệt mỏi, chán nản, đau đầu. Mẹ cháu kể: "Nó hay than con tức ngực và khó thở quá. Một lúc lại hít vào thật sâu lấy hơi và thở ra nặng nề". Thủy đã được mẹ đưa lên khám tại Khoa khám tâm thần thần kinh trẻ em, Bệnh viện tâm thần TPHCM. Bác sĩ Anh Thi điều trị cho Thủy, kết luận, cháu bị rối loạn tâm lý do quá căng thẳng trong học tập.
Còn cậu học trò Thành Minh đang học lớp 7 ở một trường chuyên của thành phố, sau khi thi giữa học kỳ tháng 3 vừa qua, nhất định không chịu đi học. Ba mẹ đưa đến trường thì khóc lóc bỏ về nhà. Gia đình cho biết: "Cháu là học sinh giỏi từ lớp một tới giờ, tự nhiên đòi bỏ học, chỉ ở nhà thôi. Thấy cháu cứ thế lo quá".
Theo các bác sĩ chuyên ngành, các triệu chứng nói trên là biểu hiện của rối loạn tâm lý ở trẻ. Bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, Trưởng Khoa khám tâm thần thần kinh trẻ em, Bệnh viện tâm thần TPHCM, cho hay, thường sau mùa thi số học sinh đến khám bởi những biểu hiện trên khá đông, nhất là vào tháng 6, 7. Các em đến khám hoặc là thay đổi tâm lý từ một đứa bé hoạt bát bỗng trở nên trầm lặng, thường xuyên than phiền, cũng có thể đổi tính hẳn, nóng nảy, cáu gắt.
Những rối loạn này không chỉ ảnh hưởng đến thể chất như gây chán ăn, nôn ói, đau bụng, mà nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng cho trẻ trong những quan hệ, đời sống tâm lý xã hội sau này.
Bà Diệp nhấn mạnh, những rối loạn tâm lý thực chất trẻ đã có từ trước mùa thi. Nguyên nhân là do các em phải chịu áp lực học tập quá nhiều từ cha mẹ, thày cô và kể cả vì muốn chứng tỏ bản thân. Những áp lực tích tụ lâu ngày và bộc lộ rõ ràng trong giai đoạn thi cử vì đó là thời gian căng thẳng nhất. Phụ huynh lại thường bỏ qua một số biểu hiện "bất thường" nhỏ của trẻ. Hoặc biết nhưng lại "cho qua" và cố "kéo" con em mình "thi xong rồi hãy tính". Vì thế, đôi khi có những trường hợp trẻ bị nặng, đòi tự tử, có đứa cứ ngồi cười, khóc vô cớ hay đọc thầm bài học suốt ngày.
Theo các số liệu của Khoa Tâm thần thần kinh trẻ em, Bệnh viện tâm thần TPHCM, hiện nay số trẻ em đến khám vì rối loạn tâm lý là 300-400 ca/tuần. Phần đông là học sinh cấp hai, ba, đặc biệt là lớp đầu và cuối cấp. Từ năm 2003 đến nay, lượng bệnh nhi đến khám ở bệnh viện tăng trung bình 20-30% mỗi năm.
Theo các bác sĩ, cần cân bằng giữa việc học hành và vui chơi giải trí cho trẻ. Quan trọng nhất là cha mẹ nên lắng nghe con cái, chỉ nên động viên khuyến khích chứ đừng nên ép, đặt nhiều áp lực quá cho con trong việc học hành.
Theo Thanh Viên
Vnexpress