Trẻ em đang bị “đầu độc” về mỹ thuật?

(Dân trí) - Không ít truyện tranh nước ngoài có chất lượng mỹ thuật thấp trên thị trường, cộng với việc nhiều NXB đã tung ra nhan nhản sách dạy vẽ cho thiếu nhi với nhiều cuốn có nội dung sai lệch… Rốt cuộc, trí tưởng tưởng của con trẻ trở nên thụ động, thiếu sự hồn nhiên sáng tạo.

Hoạ sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Cung thiếu nhi Hà Nội từng nhận xét: “Tranh của trẻ em Việt Nam hiện nay phần lớn có đặc điểm là vẽ hình khôn nhưng vụn và cứng, nghèo trí tưởng tượng và ít sáng tạo”.

 

Tại một cuộc thi tranh vẽ thiếu nhi vừa được tổ chức tại Hà Nội, có đơn vị thuộc huyện ngoại thành đã gửi tới hàng ngàn bức tranh vẽ của thiếu nhi thuộc các trường trong huyện mình, nhưng hàng ngàn bức tranh đó chất lượng đều quá kém và để cho đơn vị dự thi đó khỏi thấy tủi thân, ban giám khảo phải cố gắng vượt… khó để vất vả chọn ra một vài bức trưng bày cho gọi là!

 

Hiên nay, giáo dục mỹ thuật cho trẻ em tồn tại qua hai hệ thống: các trường phổ thông thuộc ngành giáo dục và hệ thống Cung thiếu nhi (với hơn 300 đơn vị các cấp). Tuy nhiên, mang tính quyết định cho môn học này tới toàn bộ trẻ em nước ta vẫn là chương trình giáo dục mỹ thuật trong các truờng phổ thông.

 

Khỏi phải nói chương trình “mang tính quyết định” này tồn tại từ trước đến nay như thế nào! Ngoài việc “nặng” như sự “nặng”của mọi môn học khác trong chương trình phổ thông, nội dung giảng dạy mỹ thuật còn tồn tại đầy rẫy sự phi lý. Các em phải học trang trí sớm và quá nhiều, nhiều nội dung trùng lặp và nhàm chán. Nhiều bài vẽ của lớp 2, 3 nhưng mang tính chất của bài hình hoạ thì chỉ phù hợp với các em từ 12 đến 15 tuổi, tức là chỉ phù hợp với học sinh từ lớp 6 đến lớp 10! Đã thế, nội dung dạy lại thiếu sự khơi gợi khuyến khích trí tưởng tượng, sự suy nghĩ tìm tòi, sự hứng thú cho trẻ.

 

Đội ngũ giáo viên dạy vẽ thì nhiều thầy cô dạy vẽ có chuyên môn quá yếu về nghề, sau khi tốt nghiệp lại chẳng mấy khi cầm… bút vẽ nên cảm xúc thẩm mỹ nghéo dần đi khiến khả năng truyền thụ, khuyến khích và dẫn dắt các em đương nhiên cũng không còn bao nhiêu, thậm chí có  người lại còn dẫn dắt sai lệch làm hỏng cách nhìn của các em! Đặc thù của mỹ thuật là môn học mang nhiều cảm tính, ít minh triết, phụ thuộc rất nhiều vào thầy cô giáo và thực tế đã có không ít trường hợp giáo viên đánh giá không đúng về khả năng mỹ thuật của học sinh.

 

Cùng đó, trong nhiều cuộc thi tranh vẽ thiếu nhi, do quá quan tâm đến thành tích, nhiều thầy cô giáo tham gia chi phối quá nhiều những bức tranh của các em để kiếm giải thưởng và điều này, vô hình chung họ đã làm mất đi sự tự tin, tính độc lập và khả năng sáng tạo cùng với cá tính của các em.

 

Với tất cả những yếu tố trên, một thực trạng đáng buồn đang diến ra và khó có thể dùng lại là trẻ em đang ngày càng “mòn” đi về mỹ thuật. Tình trạng bị “đầu độc” này đòi hỏi giáo dục Mỹ thuật cho trẻ em phải có một hướng đi mới. Cũng theo hoạ sỹ Nguyễn Tiến Dũng, để có hướng đi mới này, rất cần sự hợp tác tích cực hơn nữa giữa Bộ GD-ĐT với Bộ Văn hoá, Hội mỹ thuật và các cơ sở đào tạo của các ngành trong việc nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy.

 

Trong việc đào tạo giáo viên dạy vẽ, các trường sư phạm cần nghiên cứu nhiều hơn đến đối tượng thiếu nhi ở các lứa tuổi để các thầy cô giáo hiểu tâm lý và các quy luật của sự phát triển trí tuệ của trẻ em… Và cần hơn bao giờ hết là cần tạo điều kiện cho thiếu nhi được tiếp cận với nhiều tranh vẽ đẹp của các bạn cùng trang lứa, các danh hoạ cũng như các nền mỹ thuật trong nước và trên thế giới.

 

 

Châu Bi