Trẻ bị tổn thương, tiêu cực khi cha mẹ so sánh với "con nhà người ta"
(Dân trí) - Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, việc cha mẹ so sánh con mình với "con nhà người ta" đều xuất phát từ lòng yêu thương, mong con trở nên tốt đẹp nhưng phương pháp này vô tình khiến con trẻ rơi vào tổn thương.
Từ rất lâu, "con nhà người ta" đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đứa trẻ. Đây là hình tượng mà nhiều bậc phụ huynh thường dùng để nói về một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, thậm chí là hoàn hảo về mọi mặt… nhằm mục đích răn đe, đốc thúc con mình cố gắng.
Dẫu biết, tâm lý chung, phụ huynh nào cũng đều mong muốn con em mình trở nên ngoan ngoãn, tài giỏi. Tuy nhiên, việc la mắng, chỉ trích, thậm chí so sánh con trẻ với một "tấm gương trong truyền thuyết" nào đó để thúc đẩy ý chí của các em, liệu có phải là phương pháp giáo dục hiệu quả hay không?
"Con nhà người ta" luôn hoàn hảo?
Là một bà mẹ, chị Hảo (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, chị đã từng so sánh con mình với "con nhà người ta".
Con gái út nhà chị Hảo - bé Tuệ Minh, chuẩn bị vào lớp 2. Tuy là con gái, song Tuệ Minh lại rất hiếu động và có phần ngang bướng. Vị phụ huynh này kể lại, ngày nào đón con đi học, chị cũng phải nghe cô giáo chủ nhiệm của bé phàn nàn về việc con ở trong lớp hay "mơ mộng", không tập trung nghe giảng.
Trong khi đó, trái ngược với Tuệ Minh, cô bạn hàng xóm tên Châu Anh lại học rất giỏi và ngoan ngoãn. Tâm lý so sánh con mình với "con nhà người ta" bắt đầu nảy sinh. "Trong những lần tức giận, tôi thường mắng con, đại ý rằng: sao con khó bảo thế, không bằng bạn Châu Anh…" - chị Hảo chia sẻ.
Chị Hảo không phải bà mẹ đầu tiên và duy nhất thường đem con mình ra so sánh với con nhà người khác. Đây có lẽ là "thói quen" mà nhiều ông bố, bà mẹ Việt mắc phải.
Có cậu con trai học lớp 5, anh Đoàn Như Tuân (Gia Lai) trải lòng, không ít lần, anh có thường so sánh con mình với con nhà người khác.
"Đến nhà bạn bè hay người quen chơi, tôi hay bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé bằng tuổi con mình đang rửa chén, quét nhà hay tự giác ngồi bàn học mà không cần bố mẹ đốc thúc. Những lúc như vậy, khi về nhà, tôi kể lại với con trai và phàn nàn: "Con xem các bạn giỏi chưa, từng ấy tuổi đã biết tự lập nhiều thứ. Chẳng bù cho con, việc gì cũng phải đợi bố mẹ nhắc, lớn thế mà vẫn còn tị nạnh với các em".
Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A cho rằng, tâm lý so sánh con mình với "con nhà người ta" phần lớn là do phụ huynh cảm thấy con chưa nỗ lực hết mình.
"Đứa trẻ thì luôn có khả năng đặc biệt ở nhiều hoạt động, bao gồm học tập, thể thao, vui chơi… Tuy nhiên, thông thường, phụ huynh chỉ tập trung nhiều vào nhiệm vụ học tập của con. Khi nhìn thấy những đứa trẻ đồng trang lứa có được những điểm cao hay giải thưởng, trong khi con mình lại không làm được điều đó, điều này khiến phụ huynh sốt ruột và không nhận ra rằng con mình cũng đã có những nỗ lực nhất định".
Cũng theo Tiến sĩ Tô Nhi A, trong mắt các bậc phụ huynh, "con nhà người ta" luôn luôn hoàn hảo. Lý giải về điều này, Tiến sĩ cho biết: "Một thực tế, rằng đứa trẻ nào cũng có những hạn chế hay tật xấu.
Tuy nhiên, khi phụ huynh gặp những đứa trẻ "con nhà người ta" thì nó đã nằm trong bối cảnh giao tiếp xã hội. Và "tốt khoe, xấu che", khi bước vào hoàn cảnh giao tiếp, những đứa trẻ ấy chỉ phô bày những chuẩn mực, hành xử tốt đẹp. Điều này khiến các bậc cha mẹ cho rằng, "con nhà người ta" lúc nào cũng hay ho hơn con nhà mình".
"Con đâu đòi hỏi bố mẹ phải như bố mẹ người khác…"
Có một sự thật mà chúng ta cần thừa nhận: Nhiều ông bố, bà mẹ thường không nhìn nhận được điểm đặc biệt của con cái. Do đó, họ thường cho rằng "con nhà người ta" là một hình mẫu hoàn toàn lý tưởng, và mặc định con em của mình phải chạy theo những khuôn mẫu ấy.
Đáng tiếc thay, đây lại là một cuộc đua không điểm dừng. Bởi nó chỉ đơn thuần là thỏa mãn lòng tham, sự ích kỷ của người lớn mà ít đem lại những điều tích cực cho trẻ em.
Chị Hảo chia sẻ, ban đầu, khi nghe thấy mẹ nhắc đến bạn mỗi khi bị mắng, con gái chỉ lầm lì cúi đầu. Tuy nhiên, khi tần suất mà cô bạn hàng xóm xuất hiện trong câu chuyện hay lời mắng của mẹ trở nên dày đặc hơn, bé đã xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, trở nên cứng đầu, ương bướng và khó bảo hơn trước.
Không thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi tiêu cực, tuy nhiên, phụ huynh Đoàn Như Tuân chia sẻ, sau lần bị đem ra so sánh, nhắc nhở, cậu con trai bỗng trở nên buồn bã, ít nói hơn.
"Có một lần, con nói với tôi: "Bố mẹ đừng so sánh con nữa được không? Con buồn lắm… Con đâu đòi hỏi bố mẹ phải như bố mẹ các bạn khác". Câu nói của con khiến tôi giật mình và chỉ biết đối diện bằng sự im lặng".
Hiện tại đã là sinh viên năm 3 của một trường đại học, song Vũ D.L. chia sẻ, cô vẫn nhớ như in những tổn thương tâm lý khi bị cha mẹ đem ra so sánh.
"Ngày mình còn nhỏ, bị bố mẹ đem ra so sánh với người khác là việc thường xuyên xảy ra. Tuy không nói thẳng ra là "con không bằng người này người nọ" nhưng, nhưng thông qua những câu chuyện hay nhân vật mà bố mẹ nhắc tới, bản thân mình đã tự hiểu được việc là bố mẹ mong muốn mình tài giỏi như "con nhà người ta" đến mức nào". Những lúc như vậy, mình lại nảy sinh cảm giác tự ti, luôn không ngừng tự hỏi "tại sao mình lại kém cỏi như vậy".
Khẳng định việc các ông bố, bà mẹ so sánh con mình với "con nhà người ta" đều xuất phát từ mục đích tích cực: muốn con mình tốt đẹp, cố gắng hơn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Tô Nhi A cũng cho rằng, "so sánh trẻ" là một phương pháp giáo dục sai lầm, khiến trẻ bị tổn thương.
Chuyên gia tâm lý này nhận định, việc cha mẹ đem trẻ ra so sánh sẽ khiến các hoạt động kết nối xã hội, cụ thể là kết nối với bạn bè của trẻ, sẽ trở nên tiêu cực. Thay vì nhận ra vấn đề của mình, trẻ sẽ "ghét ngược" bạn mà ba mẹ đem ra so sánh. Đã có nhiều bạn được coi là "con nhà người ta" vấp phải sự kỳ thị, thậm chí là cô lập của bạn bè.
"Đối với những đứa trẻ cá tính không quá mãnh liệt, khi các con chấp nhận lời đề nghị của ba mẹ để trở thành "con nhà người ta", điều này có thể tạo ra những căng thẳng và áp lực trong học tập của trẻ, vì mỗi đứa trẻ sẽ có nhóm năng lực khác nhau. Bên cạnh đó, trẻ sẽ cảm thấy không vui vẻ và tự nguyện khi làm. Do đó, giá trị của thành tựu đó không bền vững" - Tiến sĩ Tô Nhi A nhấn mạnh.
Do tập trung quá nhiều vào mục tiêu nào đó, các con sẽ không được tham gia những hoạt động thể chất, vui chơi khác. Điều này đã tạo ra sự phát triển không toàn diện. Nguy hiểm hơn, khi những vấn đề không được giải quyết và nhận diện, những khó khăn sẽ dần tích tụ lại. Đến một giai đoạn và độ tuổi kế tiếp nào đó, việc này có thể tạo ra những cuộc "nổi loạn" cũng như là sự xô lệch, căng thẳng giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ hãy đóng vai trò là người bạn đồng hành
Nhận thấy sự thay đổi tiêu cực trong tính cách và cách ứng xử của con, phụ huynh Đoàn Như Tuân đã quyết định thay "đổi mới" phương pháp dạy trẻ.
Theo đó, thay vì đem điểm mạnh, điểm yếu hay kết quả của các con ra so sánh, anh Tuân đã nêu gương cho con mình bằng cách kể ra hoàn cảnh, trường hợp cụ thể của "con nhà người ta" và cách "con nhà người ta" giải quyết tình huống. Vị phụ huynh này chia sẻ, áp dụng phương pháp "nêu gương", con trai của anh đã biết lắng nghe, đồng cảm và học hỏi.
Phản đối việc cha mẹ so sánh con cái, phụ huynh N.B.L. (Hải Phòng) khẳng định: "So sánh con mình với con nhà người khác là một điều đại kỵ, bởi bố mẹ cũng đâu phải người hoàn hảo. Với trẻ nhỏ, thi đua, cạnh tranh lành mạnh là tốt, nhưng chỉ nên dừng lại ở một chuẩn mực nào đó. Thay vì bắt con phải giỏi toàn diện, cha mẹ hãy cùng con khám phá điểm mạnh của bản thân; từ đó tập trung, đầu tư vào cái mà con mình thực sự giỏi".
Đứng ở góc độ tâm lý, Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng, giải pháp tốt nhất giúp trẻ có thêm động lực để phấn đấu đó là để trẻ nhìn nhận được sự thành công của "con nhà người ta".
"Trước tiên, các bậc phụ huynh hãy nhìn vào "con nhà người ta". Tất nhiên, việc nhìn vào sự thành công của "con nhà người ta" không hề giống với việc cha mẹ sử dụng thành công đó để đem ra áp đặt, tạo áp lực cho con cái. Chúng ta nhìn thấy "con nhà người ta" để hiểu rằng, trong độ tuổi này, trẻ sẽ có những khả năng thế nào; hay trẻ có những niềm vui, hứng thú ra sao.
Đặc biệt, khi nhìn thấy thành công của "con nhà người ta", phụ huynh hãy quay ngược lại để giao tiếp với con mình xem con cảm thấy như thế nào về thành tựu đó, hay con có những cái đam mê gì. Những thành tựu của các bạn đồng trang lứa cũng sẽ tạo ra hứng thú, giúp các con nhận diện được bản thân mình" .
Chia sẻ thêm, chuyên gia tâm lý cho rằng, thay vì dùng mẫu câu "Con hãy nhìn bạn đi, con phải giống như bạn", các bậc cha mẹ hãy nhẹ nhàng hỏi "Con cảm thấy điều đó như thế nào/ Điều này có gì hấp dẫn con không/ Làm thế nào để con thực hiện được điều đó?". Sau đó, hãy chuyển biến nó thành hành trình của riêng con.
"Trên hành trình đó, cha mẹ hãy đóng vai trò là người bạn đồng hành; cùng con thiết lập những mục tiêu, và "đo ni đóng giày" cách thức để con vượt qua khó khăn, hoàn thành hành trình đó" - Tiến sĩ Tô Nhi A nhắn nhủ.