Tranh cãi việc phụ huynh để trẻ vài tháng tuổi luyện tập "kích thích não"
(Dân trí) - Mạng xã hội Trung Quốc gần đây xuất hiện những video gây tranh cãi xoay quanh việc "kích thích phát triển não bộ" của trẻ vài tháng tuổi bằng những bài tập thể lực nguy hiểm.
Mới đây, Duan (38 tuổi) ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, gây tranh cãi vì rèn luyện thể lực cho con trai 7 tháng tuổi ở mức độ nguy hiểm.
Gây tranh cãi nhất trong phương pháp của Duan là những bài tập áp dụng với cậu con trai 7 tháng tuổi của anh này. Duan có một con trai 7 tháng tuổi và 2 con gái 2 và 5 tuổi.
Trong một video, Duan để hai con gái nhỏ đưa em ra chơi cạnh một con sông nhỏ khi trời mưa. Duan không có bất cứ phương pháp bảo vệ nào cho con dưới trời mưa, để 3 đứa trẻ chơi với nhau cạnh mép nước. Với nội dung này, Duan cho rằng anh đang dạy con cách kết nối với thiên nhiên, cảm nhận các trạng thái của nước một cách trực quan thông qua xúc giác.
Trong một video khác, Duan để con trai 7 tháng tuổi tập leo trên một tấm lưới. Người đàn ông này cho rằng đây là bài tập phát huy lòng can đảm, sự bạo dạn. Việc luyện tập này sẽ giúp cậu bé tăng cảm nhận ở những ngón tay, gia tăng sức mạnh bàn tay.
Trong một số bài tập thể lực, Duan rung lắc con trai khá mạnh và nhanh, người cha này cho rằng các bài tập như vậy sẽ giúp cải thiện khả năng thăng bằng của con.
Có lúc Duan còn bế con... leo cây. Sau khi ngồi trên cây, Duan một tay bế con, một tay dùng điện thoại quay video. Anh cho rằng bài tập cùng cha leo cây sẽ giúp con có cảm nhận về sự an toàn, biết đặt lòng tin vào cha.
Trong một clip khác, Duan đặt con trên ván trượt và đẩy ván để "kích thích não bộ của con". Anh cho biết đã cho con nằm trên ván trượt như vậy từ khi con mới 30 ngày tuổi và chưa từng để con gặp phải thương tích nào.
Tại Trung Quốc, trong những năm trở lại đây, cha mẹ ngày càng quan tâm tới việc sớm rèn luyện thể chất cho con, để giúp con phát triển cân bằng thể lực và trí lực. Những giáo viên thể chất muốn cung cấp những khóa học phát triển kỹ năng cho trẻ từ 3 tới 16 tuổi đòi hỏi phải có chứng chỉ theo quy định.
Dù Duan tự xưng mình là chuyên gia tâm lý kiêm giáo viên thể chất nhưng người đàn ông này chưa từng đưa ra được những bằng chứng cho thấy anh là chuyên gia đã được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hợp pháp.
Rất nhiều người lo lắng cho các con của Duan, bởi các bé phải xuất hiện trong các video gây tranh cãi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nhiều người cho rằng các bài tập của Duan không có cơ sở khoa học và luôn khiến những đứa trẻ phải đối diện với nguy cơ mất an toàn. Nhiều người cũng cho rằng mục đích chính của Duan là thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Tuy vậy, tài khoản của Duan bị nhận quá nhiều lượt báo cáo nên không thể đăng thêm nội dung mới.
Không chỉ Duan, gần đây, mạng xã hội Trung Quốc cũng thường xuất hiện những phụ huynh chia sẻ các phương pháp nuôi dạy con vừa lạ lùng vừa nguy hiểm.
Trước Duan, cộng đồng mạng Trung Quốc từng tranh cãi gay gắt xung quanh video tung đứa trẻ 5 tháng tuổi lên không trung nhiều lần. Chủ nhân đoạn video - Dì Qian Yue - nói đó là cách "kích thích giác quan và gia tăng khả năng tập trung ở trẻ".
Bác sĩ nhi khoa Wang Qiongli làm việc tại bệnh viện Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Trung ở thành phố Thâm Quyến, đã lên tiếng phản đối các phương pháp rèn luyện mà "thầy Duan" hay "dì Qian Yue" đưa ra.
Bác sĩ Wang nhận định: "Đứa trẻ mới vài tháng tuổi có nền tảng sức khỏe và khả năng chịu đựng rất mong manh. Người lớn không được phép rung lắc mạnh. Hành động rung lắc nhanh và mạnh có thể gây ra những hệ lụy khôn lường như trật khớp, chấn thương cột sống, tắc ruột, chấn thương sọ não...
Trẻ nhỏ chưa có khả năng nhận thức để tự bảo vệ mình. Những nội dung tập luyện độc hại dành cho trẻ nhỏ đang xuất hiện trên mạng xã hội là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và rất nguy hiểm cho trẻ".