Tranh cãi việc chuyển trường nữ sinh phản ánh cô giáo không giảng bài

(Dân trí) - Việc chuyển trường của em Phạm Song Toàn (người phản ánh cô giáo không giảng bài tại buổi đối thoại của Sở GD-ĐT TPHCM) gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Người lên tiếng về tiêu cực ra đi tìm một nơi an toàn để lại nhiều băn khoăn, trăn trở.

Trong tuần này, việc chuyển khỏi Trường THPT Long Thới, Nhà Bè của em Phạm Song Toàn sẽ được hoàn tất, có thể hôm nay em đã chuyển sang ngôi trường mới. Em là người lên tiếng về cô giáo lên lớp nhiều tháng không giảng bài tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM.

Trong khi sự việc đang được xác minh, chờ kiểm điểm, kỷ luật các cá nhân liên quan, gia đình em Phạm Song Toàn đã đề nghị cho em được chuyển trường. Lãnh đạo UBND TPHCM đã "phê duyệt" và chỉ đạo ngành giáo dục chuyển trường ngay cho em Toàn. Có lẽ lần đầu tiên, một học sinh chuyển trường lại "đánh động" đến lãnh đạo cấp cao của thành phố.


Em Phạm Song Toàn - người phản ánh cô giáo không giảng bài tại buổi đối thoại của Sở GD-ĐT TPHCM.

Em Phạm Song Toàn - người phản ánh cô giáo không giảng bài tại buổi đối thoại của Sở GD-ĐT TPHCM.

Việc em Phạm Song Toàn - ở đây là đại diện cho người lên tiếng về tiêu cực - chuyển trường kéo theo nhiều tiếng thở dài. Có người cho rằng đó là sự thất bại của giáo dục; đó là sự thiệt thòi của lẽ phải; đó là sự thắng thế của tiêu cực... Nhiều người thốt lên câu hỏi "Sao em Toàn lại phải chuyển trường?" với sự thất vọng, bi quan và thậm chí phẫn nộ.

Trong sự việc này, chính các nhà quản lý cũng có những quan điểm trái chiều. Quan điểm của Sở GD-ĐT TPHCM là em Toàn không nên chuyển trường vào thời điểm này. Đây là thời điểm đang ôn tập, các em đang chuẩn bị bước vào kỳ thi. Nếu chuyển trường việc đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến việc ôn luyện và thi của Toàn, em sẽ gặp khó khăn trong kỳ thi khi mà kế hoạch, nội dung và thời gian thi của các trường, của các giáo viên khác nhau.

Chưa kể, tâm trạng của em Toàn ít nhiều bị xáo trộn sau sự việc. Chuyển trường trong một tâm lý không tốt sẽ ít nhiều khó khăn cho em để thích nghi với môi trường mới. Quan điểm của Sở, gia đình cần cân nhắc, ít nhất để kết thúc năm học, em xong xuôi việc thi cử, ổn định tâm lý hãy quyết định.

Thế nhưng trong buổi họp khẩn ngày 6/4 về sự việc này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo ngành giáo dục TPHCM giải quyết nhanh việc chuyển trường cho em Phạm Song Toàn. Bà Thu phân tích việc chuyển trường chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý của em nhưng xem xét nhiều góc độ, bà cho rằng đây là việc cần phải làm.

Sự bất an này được bà Thu chỉ ra trước hết phía nhà trường và ngành giáo dục chậm trễ trong xử lý sự việc. Sau sự việc em Toàn phản ánh, xác minh là đúng nhưng vẫn để cô giáo đứng lớp. Dường như nhà trường cho rằng hành vi của của cô giáo là chuyện bình thường, cô chủ nhiệm biết nhưng im lặng không lên tiếng, hiệu trưởng giải quyết không quyết liệt...

Đơn xin chuyển trường cho con của phụ huynh em Phạm Song Toàn
Đơn xin chuyển trường cho con của phụ huynh em Phạm Song Toàn

Qua tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Thu cũng đau lòng khi em Toàn lên tiếng về lẽ phải nhưng có người quay sang chỉ trích, phê phán em. Bà lo ngại, sau này nhà trường bị đánh giá thi đua, nỗ lực của nhiều thầy cô không được như mong muốn thì liệu có khả năng thầy cô xem đó là lỗi của học sinh.

"Tôi cảm thấy bất an nếu em Toàn tiếp tục học tại trường", chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND không né tránh, không tô vẽ hiện thực - nhất là ở ngành giáo dục còn nặng nề vì thành tích, hư danh.

Quan điểm em Phạm Song Toàn chuyển trường hay ở lại đều có lý lẽ, góc nhìn riêng. Chưa hẳn ở lại em sẽ bị kỳ thị, phân biệt như lo lắng của nhiều người, hay chuyển sang trường mới thì em sẽ hoàn toàn tránh được áp lực của người "dám lên tiếng". Nhưng quan trọng nhất đó là nguyện vọng và lựa chọn của em và gia đình em.

Sáng 7/4, Trường THPT Long Thới, Nhà Bè đã tổ chức buổi họp kiểm điểm những sai phạm của cô giáo Trần Thị Minh Châu trong vụ việc học sinh phản ánh cô giáo lên lớp không giảng bài suốt 3 tháng.

Được biết, cuối tuần này, trường sẽ họp hội đồng kỷ luật, đồng thời báo cáo với Sở GD-ĐT TPHCM về quy trình kỷ luật viên chức.

Hoài Nam