Tranh cãi học sinh lớp 3 phải làm... 105 bài tập khi nghỉ Tết

(Dân trí) - Mặc dù quy định giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học nhưng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một phụ huynh ở Vĩnh Phúc phản ánh, con trai chị hiện đang là học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Phạm Công Bình (xã Đồng Văn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) bị giáo viên giao 105 bài tập vào dịp Tết.

Học sinh lớp 3 phải làm 105 bài Toán khi nghỉ tết

Trao đổi với PV Dân trí ngày 3/2 (tức mùng 7 Tết), mẹ của học sinh trên cho hay, ngay sau kì nghỉ tết, con chị mang bài tập ra hỏi mẹ mới khiến chị giật mình. Tập đề bài môn Toán mà giáo viên giao cho con chị về nhà làm trong mấy ngày tết là 105 bài, đặc biệt trong đó có nhiều bài rất khó.

“Con mình hiện đang là học sinh lớp chọn. Bình thường cô cũng giao nhiều bài tập về nhà nhưng không đến mức nhiều như vậy. Bản thân mình cũng là giáo viên, mình hiểu những ngày nghỉ ngắn ngủi, các con cần được nghỉ ngơi và giúp đỡ gia đình, cũng như học tập thêm kĩ năng sống. Do đó, mình không giao bài tập về nhà cho học sinh ngày Tết”, chị cho biết.

Giáo viên giao 105 bài tập về nhà cho học sinh ở Vĩnh Phúc
Giáo viên giao 105 bài tập về nhà cho học sinh ở Vĩnh Phúc

Cũng theo phụ huynh trên, số bài tập trên do cô giáo sưu tập và viết tay, sau đó photo giao cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Mặc dù cô giáo chỉ yêu cầu các cháu viết đáp số, không cần trình bày lời giải nhưng theo chị, nếu không giải, sao ra được đáp án?

“Bình thường, tôi vẫn thường hướng dẫn cho con học bài. Tuy nhiên, với số lượng bài tập nhiều thế này, tôi chỉ có thể hướng dẫn con làm mỗi dạng một bài, không thể làm nổi cả 105 bài tập.

Trong sáng nay, ngày 3/2, chúng tôi đã có cuộc họp phụ huynh. Cô giáo “tác giả” của 105 bài tập Toán trên đây có giải thích, vì lớp các con là lớp chọn nên cô ra nhiều bài tập hơn. Tuy nhiên, cô không yêu cầu các con làm toàn bộ mà giải được bài nào tốt bài đó”, phụ huynh trên nói.

Về phía giáo viên trên cho rằng, hiện học sinh chủ yếu tính nhẩm, không phải trình bày lời giải. Trong khi phụ huynh nhìn thấy số lượn bài tập nhiều là sợ, cứ nghĩ là con phải làm nhiều nhưng thực tế không đến mức như thế.

Có tâm nhưng... chưa khéo?

Theo một giáo viên Toán tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, Tết là dịp để học sinh học hỏi nhiều kĩ năng sống nên ngay từ đầu, quan điểm của thầy là không giao bài tập về nhà cho con vào dịp Tết Nguyên đán.

“Nhiều giáo viên cũng đồng tình ủng hộ quan điểm của tôi và đã không ra bài tập cho các con vào tết này”, giáo viên này cho biết.

Tuy nhiên trao đổi với PV Dân trí, thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia luyện thi ở Hà Nội cho rằng, thứ nhất cô giáo trên là người rất có tâm với học trò - nếu không có tâm, cô đã không bỏ công sức ra sưu tầm, biên soạn rồi chép tay tới 105 bài toán cho học trò làm. Điều này vất vả hơn việc copy - paste trên máy tính nhiều.

Thứ hai, để đánh giá được đúng tính chất việc giao bài tập về nhà của cô là rất khó, bởi con số 105 bài chưa nói lên nhiều điều - nó chỉ gây ra ấn tượng mạnh là "nhiều" thôi.

Ở đây, theo như lời giải thích của cô giáo, cô cũng chỉ yêu cầu các em tính toán chứ không phải trình bày nên việc tính thời gian làm bài không thể theo lối thông thường (10phút/câu) như một số người phân tích.

Hơn nữa, theo lời cô giáo, trong số các bài tập này có rất nhiều bài các em đã được học, được làm ở trên lớp, hoặc tương tự những bài đã làm. Đối với những bài tập như vậy thì sẽ không mất nhiều thời gian của học sinh.

"Nếu cô giáo đã có chủ ý trong việc sắp xếp bài tập, thì trong 105 bài đó hoàn toàn có thể có cả bài dễ và bài khó. Đó là điều hoàn toàn hợp lý, bởi trong một lớp học, nhu cầu và năng lực của mỗi học sinh là không giống nhau, cần phải có cả bài dễ để học sinh trung bình vẫn có thể làm và nắm được kiến thức cơ bản, vừa phải có cả bài khó để thử thách, kích thích khả năng sáng tạo, vận dụng tổng hợp của học sinh khá giỏi", thầy Ngọc khẳng định.

Cũng theo thầy Ngọc, nếu đối chiếu theo quy định về việc không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, đương nhiên cô giáo sai. Thứ hai, cô chưa khéo về cách thể hiện. Lẽ ra, cô nên giao lượng bài tập ít hơn mà vẫn đảm bảo được mục tiêu của mình. Hơn nữa, nên nói rõ với các con việc làm bài tập Tết là "khuyến khích" chứ không-bắt-buộc.

Ví dụ, cô có thể yêu cầu các con bắt buộc phải làm 20-30 bài trong số đó, chỗ còn lại coi như "tài liệu tham khảo" để các con tự làm thêm theo nhu cầu, bạn nào thích học Toán và học giỏi Toán thì có thể làm tiếp những bài tập khó hơn, như vậy thì sẽ trọn vẹn hơn.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm