TPHCM triển khai đề án sữa học đường hơn 1.100 tỷ đồng
(Dân trí) - Cùng sự chung tay góp sức của doanh nghiệp và phụ huynh, chính quyền TPHCM triển khai chương trình sữa học đường từ nay đến năm 2020 với kinh phí 1.135 tỷ đồng.
Kỳ họp lần thứ 10 (kỳ họp bất thường) của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra ngày 8/10 đã quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố.
Tại đây, đại biểu HĐND TP được nghe tờ trình về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố.
Theo đề án, chương trình sữa học đường được triển khai ngay trong năm học 2018-2019, đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh.
Trong năm học 2019-2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.
Theo tính toán, tổng kinh phí thực hiện chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng, còn lại phụ huynh học sinh sẽ đóng góp khoảng 548 tỷ đồng (50% kinh phí).
Học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Đại biểu HĐND TPHCM tán thành chủ trương của chương trình vì sự phát triển của trẻ em thành phố, song không ít ý kiến bày tỏ lo ngại trong cách triển khai chương trình để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết dư luận rất quan tâm đến tính minh bạch trong khâu đấu thầu cung ứng sữa vào nhà trường, nếu làm không tốt sẽ gây tai tiếng. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ của các đoàn thể liên quan, phụ huynh và cả báo chí.
Bên cạnh tăng cường uống sữa, theo bà Trâm, việc chú trọng các môn thể thao, cân đối chương trình học trong nhà trường để giảm áp lực cho học sinh mới đảm bảo phát triển sức khỏe toàn diện.
“Sữa là quan trọng nhưng không phải là giải pháp toàn năng mà cần đi kèm với chương trình thể dục thể thao, đảm bảo sức khỏe cho trẻ từ giảm tải chương trình”, bà Trâm nhấn mạnh.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho rằng nếu phụ huynh không đồng ý tham gia đề án thì địa phương và nhà trường cần tư vấn để học sinh có sữa uống phù hợp.
Cũng quan tâm đến vai trò của phụ huynh, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng chương trình sữa thiết thực nhưng cần đảm bảo sự tự nguyện, phụ huynh không tham gia thì làm sao để đảm bảo gia đình tự đưa sữa vào trường cho học sinh.
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đề nghị cần làm rõ tỷ lệ chiết khấu cung cấp sữa để thấy được doanh nghiệp hỗ trợ tới đâu. Ngoài ra, phải rõ ràng trong việc tham gia đề án của phụ huynh.
“Chúng ta cần làm rõ tính tự nguyện hay bắt buộc của học sinh, phụ huynh tham gia chương trình. Nếu tự nguyện rồi thì có liên quan đến đánh giá đạo đức, tham gia phong trào của các cháu không?”, đại biểu Quân đặt vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Tăng Hữu Phong cho biết, riêng phần kinh phí làm kệ chứa sữa hết 5,5 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng trong 2 năm thì có bất hợp lý không? Các phòng Giáo dục lo kho chứa sữa thì có thể đảm đương trong thời gian ngắn hay không? Theo ông, cơ quan liên quan cần tính toán kỹ càng để đảm bảo thành công cho đề án.
Trước lo ngại của các đại biểu, Trưởng Ban An toàn thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan cho biết, chương trình sữa học đường áp dụng nhiều quốc gia, quan trọng là áp dụng thế nào cho phù hợp ở thành phố.
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết chương trình sữa học đường mang tính tự nguyện và không ảnh hưởng đến đánh giá đạo đức học sinh.
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trước khi thực hiện đề án đã lấy ý kiến các sở ngành liên quan, 24 quận, huyện và nhà trường. Tất cả các nội dung liên quan đến kinh phí, chế độ được trên 84% phụ huynh đồng ý.
“Học sinh tham gia chương trình để tạo thói quen uống sữa, chế độ dinh dưỡng phát triển trẻ em chứ không liên quan gì đến đánh giá đạo đức”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, các loại sữa sử dụng trong đề án đảm bảo các điều kiện theo quy định và được đấu thầu công khai rộng rãi, đúng luật nên bất cứ công ty sữa nào đảm bảo điều kiện cũng có thể tham gia.
Tại kỳ họp, một số đại biểu bày tỏ sự lo lắng đối với trẻ béo phì, trẻ không thích ứng với loại sữa được cung cấp.
Giám đốc Sở Y tế TP Lê Tấn Bỉnh cho biết, thật ra việc dị ứng với một số loại sữa thì nó thuộc về bẩm sinh và bệnh lý, khi đi khám thì bác sĩ cho một chế độ dùng sữa riêng chứ không phổ biến.
Theo ông, sữa tươi tiệt trùng hiện nay có thể dùng đại trà, không có khác biệt. Với trẻ béo phì, qua chứng minh của Trung tâm dinh dưỡng thì việc dùng sữa đại trà trong đề án thì cũng không ảnh hưởng gì.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết chủ trương của thành phố là sau khi thực hiện chương trình thí điểm (sau 2020), thành phố vẫn tiếp tục thực hiện chương trình sữa học đường cho trẻ mẫu giáo và lớp 1.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhấn mạnh đến mục tiêu của việc thí điểm đó là đánh giá công tác tổ chức, có lộ trình rút kinh nghiệm thực hiện trước khi nhân rộng đại trà.
Bế mạc kỳ họp, bên cạnh tờ trình đề án sữa học đường, HĐND TPHCM cũng thông qua các tờ trình quan trọng khác của UBND TPHCM.
Cụ thể, chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP; quyết định phân cấp ủy quyền, quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP; quyết định chủ trương đầu tư 45 dự án công nhóm B (hơn 8.400 tỷ đồng); dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại quận 2 với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng.
Quốc Anh