TPHCM tổng kết 15 năm thực hiện công tác khuyến học
(Dân trí) - Đến năm 2020, có 319/319 phường, xã, thị trấn tại TPHCM được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.
Ngày 27/10, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị số 11-CT/TW của bộ chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (2007-2022).
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cho hay, qua 15 năm triển khai, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên những thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao,…
"Các hoạt động chăm lo cho giáo dục và phổ cập giáo dục các cấp hàng năm đều được chú trọng thực hiện. Thành tích của giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước, khẳng định sự quan tâm và tạo mọi điều kiện cho công tác phát triển sự nghiệp giáo dục. Việc phát triển mạnh mẽ về số lượng một triệu hội viên đã trở thành dấu ấn quan trọng trong quá trình phấn đấu, phát triển", ông Hải chia sẻ.
Ông Hải nhận xét, việc học tập suốt đời đã thực sự trở thành phong trào phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư; tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên; góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm,… Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc, duy trì tốt các kết quả tích cực.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, việc triển khai chỉ thị số 11-CT/TW trong lĩnh vực khuyến học vẫn còn vướng phải một vài hạn chế. Cụ thể, nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chưa đúng mức. Hoạt động này chưa phát triển đồng đều giữa các quận, huyện trong thành phố và giữa các phường, xã trong một quận, huyện.
"Chất lượng các mô hình học tập có lúc chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút đông đảo người dân tham gia học tập. Đồng thời, chế độ, chính sách cho các đối tượng kiêm nhiệm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ…, vẫn chưa được quan tâm thực hiện tốt", ông Hải nhấn mạnh.
Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy thành phố đề xuất, các cấp ủy cần tăng cường vai trò lãnh đạo trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hội Khuyến học xây dựng và phát triển các mô hình học tập, ngành nghề đào tạo, các nghề đặc thù cần học tập đáp ứng nhu cầu xã hội trong điều kiện chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần thường xuyên rà soát, tránh tình trạng quá tải trường học, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng dạy học.
Theo ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn luôn được củng cố, phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, dân sinh, tạo nguồn lực phát triển xã hội.
"Sở sẽ tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục; phát huy nguồn lực của các trung tâm ngoại ngữ đóng trên địa bàn, đẩy mạnh phong trào nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo", ông Dũng nói.
Hằng năm, thành phố chỉ đạo các quận, huyện duy trì và thực hiện tốt công tác vận động tất cả trẻ trong độ tuổi ra lớp, đồng thời có biện pháp hữu hiệu để duy trì 100% trẻ đi học. Đến năm 2020, có 319/319 phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.
Qua công tác xây dựng mô hình học tập suốt đời, thành phố đã có gần 1,3 triệu gia đình, 840 dòng họ, hơn 2.000 đơn vị và gần 1.900 cộng đồng học tập. Hội Khuyến học cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị cùng đóng góp xây dựng quỹ với tổng số tiền trên 785 tỷ đồng nhằm giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường. Ngoài ra, còn có gần 33.000 học sinh, sinh viên được trao tặng học bổng với tổng số tiền hơn 101 tỷ đồng.
Sau Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2019-2020), có 85% lao động có việc làm, còn lại tự tạo hoặc tự tìm việc làm. Ngoài ra, thông qua các hoạt động hỗ trợ miễn/giảm học phí, hỗ trợ thực tập, tạo điều kiện cho lao động nữ đi học, đến nay đã có 2.000 công nhân được đi học và hoàn thiện việc học.
Tại buổi lễ, Thành ủy TPHCM cũng đã trao bằng khen đến 47 tập thể và 27 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2007-2022.