TPHCM: Mỗi năm phụ huynh tự nguyện đóng góp 450 tỷ đồng

(Dân trí) - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, ngoài học phí, phụ huynh đã tự nguyện đóng góp tài trợ cho hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất, bình quân hàng năm khoảng 450 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 9 của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra ngày 10/7, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Lê Hồng Sơn báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới 2018-2019.

Theo ông Sơn, khối trường công lập có sự huy động nguồn lực đóng góp từ phụ huynh và các lực lượng khác bằng vật chất và cả tinh thần, cho nhiều mục đích khác nhau. Theo đó, ngoài học phí, phụ huynh đã tự nguyện đóng góp tài trợ hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất, bình quân hàng năm khoảng 450 tỷ đồng.

Số tiền này dùng để chi hoạt động thường xuyên phục vụ việc học của học sinh; khen thưởng cho học sinh cuối kỳ, cuối năm học; hỗ trợ thăm hỏi, ốm đau, các hoạt động đột xuất trong lớp, trường; đóng góp cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm nhỏ phục vụ trường, lớp học…

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM Lê Hồng Sơn
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM Lê Hồng Sơn

Ông Sơn đánh giá, việc tiếp tục mở rộng chương trình “Dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”, mô hình trường tiên tiến là những minh chứng cho sự thành công của hoạt động xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự tham gia đóng góp của phụ huynh cho các hoạt động giáo dục tại nhà trường.

Cũng theo ông Sơn, năm học 2017-2018 có 85 dự án đầu tư trường lớp được hoàn thành, với tổng mức đầu tư 4.783 tỷ đồng. Đến tháng 6/2018, TPHCM đạt 268 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Toàn thành phố có gần 1.840.000 người trong độ tuổi từ 15-35 tuổi biết chữ, tỷ lệ 99,92%; hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ, đạt 99,8%.

Theo ông Sơn, nhìn chung số lượng học sinh tăng nhiều ở cấp bậc mầm non, tiểu học, tập trung ở quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Những địa phương tăng dân số cơ học cao là nơi có quá trình đô thị hóa nhanh.

Năm học 2017-2018, số học sinh không có hộ khẩu TPHCM là gần 250.000 học sinh, bình quân mỗi năm tăng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại TP…

“Điều kiện phát triển kinh tế xã hội và áp lực tăng dân số cơ học cao ảnh hưởng đến công tác dự báo, đầu tư đảm bảo cơ sở hạ tầng ở một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Điều này ảnh hưởng đến sĩ số lớp học theo chuẩn, sân chơi, bãi tập, thư viện bị co hẹp. Tăng giáo viên, cán bộ công nhân viên, tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của thành phố”, ông Sơn nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm 2018-2019, dự kiến tăng 67.234 học sinh. Trong đó, bậc mầm non tăng 20.225 học sinh, tiểu học tăng 26.812 học sinh, cấp trung học cơ sở tăng 10.406 học sinh, cấp trung học phổ thông tăng 9.791 học sinh.

Về công tác đầu tư xây dựng trường lớp, ông Sơn cho biết, 882 phòng học mới đưa vào sử dụng cho năm học mới 2018-2019, với tổng mức đầu tư là 2.236 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 722 dự án quy mô 12.785 phòng học, với tổng kinh phí hơn 55.000 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, học sinh tăng cao nên giáo viên, nhân viên cũng tăng thêm 5.126 người trong năm học mới. Trong đó, bậc mầm non tăng 1.522 giáo viên, tiểu học tăng 1.752 giáo viên.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm