Tôn vinh 50 công dân học tập đầu tiên của Thành phố Hà Nội

Văn Hiền - CTV

(Dân trí) - Ngày 14/12, Hội Khuyến học Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Xây dựng công dân học tập trong điều kiện bình thường mới".

Tôn vinh 50 công dân học tập đầu tiên của Thành phố Hà Nội - 1

Tham dự buổi tọa đàm "Xây dựng công dân học tập trong điều kiện bình thường mới" diễn ra vào ngày 14/12 có bà Phạm Thị Hòe, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (trái) và bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội (phải).

Khuyến học, khuyến tài phát triển có chiều sâu 

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, trong thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố Hà Nội đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú.

Bà Minh chia sẻ: "Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế. Nhưng trong điều kiện bình thường mới, chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung nguồn lực để đổi mới căn bản và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhất là nguồn lực chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thích ứng với cuộc cách mạng 4.0". 

Theo bà Minh, "công dân học tập" thời kỳ dịch bệnh là những công dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước gia đình, bản thân, cộng đồng và đất nước. Chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các quy định của chính quyền và Bộ Y tế.

Tôn vinh 50 công dân học tập đầu tiên của Thành phố Hà Nội - 2

"Công dân học tập sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước," bà Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Bên cạnh đó, mỗi người cần phải xác định tinh thần học tập đúng đắn vì cuộc sống của chính mình, gia đình, vì sự phát triển của cộng đồng và đất nước trong bối cảnh mới.  

Hội Khuyến học Hà Nội cũng biểu dương 50 công dân học tập tiêu biểu đầu tiên của thành phố Hà Nội. Đây là những tấm gương tiêu biểu vừa tích cực tham gia chống dịch Covid-19, vừa cố gắng học tập, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.  

Tôn vinh 50 công dân học tập đầu tiên của Thành phố Hà Nội - 3

50 công dân học tập tiêu biểu đầu tiên của Thành phố Hà Nội. 

Cần làm gì để trở thành "Công dân học tập"?

Là một trong 50 công dân học tập tiêu biểu, cô Nguyễn Thị Thu Thắm (giáo viên trường THCS Tiên Dược, huyện Sóc Sơn) cho biết, yếu tố then chốt để trở thành công dân học tập là ý chí quyết tâm, sự kiên trì rèn luyện, nỗ lực học tập.

"Để xây dựng mô hình công dân học tập , yếu tố then chốt là ý chí quyết tâm, sự kiên trì rèn luyện, nỗ lực học tập không ngừng của từng công dân, để vừa hoàn thiện nhân cách, trách nhiệm cộng đồng;

Vừa nâng cao năng lực của cá nhân. Đồng thời các cấp , các ngành , các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác xây dựng xã hội học tập (gia đình học tập, dòng họ học tập, cơ quan, đơn vị học tập), phải tuyên truyền rộng thì việc xây dựng mô hình công dân học tập trong thời kỳ mới sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực", cô Thắm chia sẻ.

Tôn vinh 50 công dân học tập đầu tiên của Thành phố Hà Nội - 4

Cô Nguyễn Thị Thu Thắm - giáo viên trường THCS Tiên Dược, huyện Sóc Sơn.

Cũng theo cô Thắm, công dân phải thường xuyên học tập, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, như: học ở trường lớp, học qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, các trang mạng xã hội (chính thống ); thông qua các hoạt động tập thể, cộng đồng, các buổi hội thảo, học tập chuyên đề, các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ quần chúng.

3 năng lực và 10 kỹ năng quan trọng trong xây dựng "Công dân học tập"

Cô Phạm Vũ Phương (Giáo viên trường Tiểu học Kim Thư, huyện Thanh Oai) bày tỏ: "Với bộ tiêu chí 3 năng lực, 10 kỹ năng trong xây dựng "Công dân học tập" do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành rất quan trọng.

Bộ tiêu chí đó sẽ phát triển bản thân, tự giác phấn đấu để phát triển đủ 10 kỹ năng và phát triển 3 năng lực thì công dân xứng đáng trở thành công dân toàn cầu".

"Xây dựng công dân học tập, tiêu chí đánh giá có ý nghĩa thúc đẩy, đo lường của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Từ đó, phong trào cộng đồng học tập, xã hội học tập được phát triển rộng khắp; không phân biệt nông thôn hay thành thị, không phân biệt điều kiện sống giàu hay nghèo. Chỉ cần chúng ta có tinh thần học tập, tìm tòi cái mới, thực hiện cái mới và ủng hộ cái mới thì việc gì chúng ta cũng làm được", cô Vũ Phương nói.

Tổng kết buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết sẽ cố gắng thực hiện tốt việc triển khai xây dựng công dân học tập trong điều kiện bình thường mới.

"Mặc dù đã có buổi tổng kết, nhưng buổi tọa đàm hôm nay để chính những công dân tiêu biểu bày tỏ suy nghĩ của chính mình. Điều đó sẽ giúp cho các cấp hội thuộc Hội Khuyến học Hà Nội không gặp khó khăn khi triển khai các văn bản sắp tới", bà Minh nói.

3 năng lực cơ bản là: Năng lực tự học, học tập suốt đời; Năng lực sử dụng các công cụ tương tác, và Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. 

10 kỹ năng cơ bản là:

- Kỹ năng đọc, cập nhật những thông tin và trí thức trên sách báo, tivi, máy tính, điện thoại di động thông minh;

- Kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập theo các chương trình phục vụ yêu cầu công việc, hoặc do Nhà nước, cơ quan hay đoàn thể quy định;

- Kỹ năng sắp xếp hợp lý các công việc để có thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng, tại nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, các hội thảo, hội nghị; 

- Kỹ năng vận động và tạo điều kiện cho người thân trong gia đình và đồng nghiệp học tập thường xuyên;

-Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí;

- Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ theo yêu cầu công việc và vị trí đảm nhiệm;

- Kỹ năng tính toán để công việc đang làm luôn được cải tiến, sáng tạo, đạt chất lượng và hiệu quả cao, đóng góp nhiều cho xã hội;

- Kỹ năng tư duy biện chứng và tư duy phản biện trong công việc, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… hoạt động xã hội;

- Kỹ năng tạo dựng các mối quan hệ thân thiết với mọi người, điều hòa để tránh xung đột, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, tuân thủ pháp luật tốt;

- Kỹ năng hợp tác, chia sẻ trong lao động và hoạt động xã hội. Tôn trọng bình đẳng giới và sự đa dạng văn hóa, có ý thức bảo vệ môi trường.