"Tôi không thể đồng ý với quan điểm của Nguyễn Thành Vinh Olympia"
(Dân trí) - Anh Trịnh Nam Thái - Cựu du học sinh tại Đức cho rằng nhiều du học sinh khi về nước làm việc thường nghĩ mình khác biệt và văn minh hơn phần còn lại, ít có tinh thần xây dựng trong sự tôn trọng, bao dung và tinh tế vì thế dễ lâm vào cảnh thất vọng, chán nản, bi quan trong công việc…
Anh Trịnh Nam Thái (SN 1983) là một trong số 20 sinh viên xuất sắc của ĐH Bách Khoa được cử đi du học ở Đức vào năm 2004. Thái từng là thủ lĩnh của sinh viên Đại học Bách Khoa, sau đó là Hội trưởng Hội sinh viên Việt Nam tại Đức.
Tốt nghiệp ĐH Hannover loại ưu, với mong muốn góp phần xây dựng đất nước và xây dựng mối quan hệ Việt Nam, CHLB Đức cũng như với liên minh Châu Âu, Thái quyết định về Việt Nam để khởi nghiệp. Anh là một trong số ít ỏi sinh viên trong đoàn trở về nước lập nghiệp thời điểm đó. Vì thế, quyết định này của anh gây bất ngờ cho nhiều người.
Hiện nay, Trịnh Nam Thái đang là Giám đốc điều hành một công ty có tiếng ở Việt Nam về xúc tiến thương mại. Anh cũng khá nổi tiếng trong cộng đồng starup Việt với những hoạt động hỗ trợ, kết nối các bạn trẻ khởi nghiệp.
Xung quanh câu chuyện về môi trường làm việc, cách hòa nhập của những du học sinh khi trở về nước lập nghiệp anh Thái đã có những chia sẻ khá thẳng thắn.
Nếu bạn không yêu quê hương...
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về phát ngôn của anh Nguyễn Thành Vinh – Á quân Đường lên đỉnh Olympia khi cho rằng về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người thực tài phát triển giá trị và năng lực bản thân. Nhiều luồng ý kiến đồng tình với nhận định này. Anh nghĩ sao?
Bản thân tôi không đồng ý với quan điểm trên. Tôi thấy rất nhiều người về Việt Nam vẫn thành công, họ cống hiến cho đất nước với những việc làm âm thầm, lặng lẽ và hạnh phúc với những gì mình đang có. Đừng nghĩ rằng về nước là không thể thành công.
Nếu môi trường không phù hợp thì nên tự tạo ra môi trường tốt hơn: như tạo ra công ty tốt hơn, tạo ra con đường cho riêng mình, dành tâm huyết đào tạo ra những người đi sau khác để cống hiến cho đất nước, phát triển cho bản thân. Có rất nhiều cách cống hiến và con đường đi khác nhau để thành công. Nếu ai cũng suy nghĩ như vậy thì chẳng có ai để giúp đất nước tốt lên cả.
Vậy theo anh, câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng - cựu quán quân Đường lên đỉnh Olympia, giảng viên trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ có phải là thực tế phổ biến mà nhiều du học sinh Việt gặp phải trong việc “hòa nhập” với môi trường làm việc trong nước hay không?
Tôi nghĩ vấn đề mà anh Đăng gặp phải ở đây là do anh ấy chưa xác định được mục tiêu mà anh ấy cần trong công việc và chưa có bản lĩnh để bảo vệ quan điểm của mình.
Câu chuyện này cũng không phải là trường hợp cá biệt mà nó khá phổ biến đối với nhiều người trẻ đặc biệt là những du học sinh về nước lập nghiệp. Nhiều người được cử đi học, tiếp xúc với những nền văn hóa khác với Việt Nam nên khi về nước bản thân họ tự tạo ra sự khác biệt cho mình. Họ cho rằng những giá trị họ đang có hơn hẳn những giá trị ở Việt Nam. Thứ hai, họ không có tinh thần xây dựng trong sự khéo léo, tinh tế để cùng nhau tốt lên.
Thứ 3 là họ không có kiến thức thực tế về Việt Nam. Thường thì khi đi du học ở nước ngoài họ bị ngắt hiểu biết đất nước một quãng 3 năm – 5 năm nên không kịp cập nhập kiến thức, văn hóa, môi trường sống, làm việc nên khi trở về nước rất dễ bị chông chênh, khó hòa nhập. Họ chưa có sự chuẩn bị mục tiêu cũng như kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp và môi trường mà họ định gắn bó.
Thực tế, nếu bạn không yêu quê hương, không tôn trọng môi trường mà mình làm việc và thực tâm mong muốn cho nó tốt lên thì chắc chắn sẽ rất dễ dẫn đến bi quan và dẫn đến những bi kịch cho chính bản thân mình.
Vậy theo anh đâu là lý do mà nhiều sinh viên lại quyết định ở lại nước ngoài làm việc thay vì trở về quê hương? Phải chăng chúng ta chưa có một môi trường, cơ chế phù hợp cho những người thực tài để họ cống hiến?
Thực tế, môi trường đào tạo ở nước ngoài khác biệt so với ở Việt Nam. Sinh viên được định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng. Đặc biệt, họ có nhiều cơ hội việc làm đúng với chuyên môn và được trả công xứng đáng với năng lực, giá trị mà họ bỏ ra.Ví dụ, mức lương khởi điểm dành cho kỹ sư điện như chúng tôi thời điểm đó có thể lên tới 40.000 – 50.000 euro/ năm trong khi về Việt Nam có thể chỉ được trả vài triệu một tháng.
Khi kinh tế không ổn định thì cũng khó có thời gian để đầu tư và chuyên tâm cho công việc.
Thứ hai nữa, các du học sinh thường chịu sự kỳ vọng rất lớn của gia đình. Nghĩa là nhiều người quan niệm: “cứ đi du học là phải thành công, phải kiếm nhiều tiền”. Vì thế, những sinh viên này chịu áp lực rất lớn và lựa chọn ở lại để “hoàn vốn” là điều dễ hiểu.
Còn về việc “hòa nhập” môi trường làm việc thì ở đâu cũng vậy. Ở môi trường nước ngoài cũng có rất nhiều khó khăn, khốc liệt mà bản thân mỗi người phải tự vượt qua.
Theo cá nhân tôi, các bạn du học sinh nên suy nghĩ rằng nếu như môi trường của mình không phù hợp thì tại sao lại không tự tạo ra một môi trường tốt hơn chứ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đừng nghĩ rằng về nước là không thể thành công.
Rất nhiều người về nước và thành công!
Bản thân anh có đắn đo khi quyết định về nước lập nghiệp hay không?
Tôi khác biệt với nhiều người. Ngay trước khi đi du học bản thân tôi đã tự đặt ra định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình nên không khó khăn trước quyết định đi hay ở. Thực tế, trong đoàn học sinh cùng tôi du học năm đó có đến 50% là ở lại.
Việc tìm một công việc ở Đức thời điểm đó không khó vì thường sinh viên sẽ được định hướng và giới thiệu việc làm ngay khi trong trường. Bạn có thể làm các công việc ở trong trường sau đó sẽ tìm những chỗ thực tập phù hợp với công việc. Có những công ty mời về thực tập nhưng tôi từ chối bởi nếu đồng ý thì sau này mình sẽ bị cuốn vào công việc và rất khó dứt ra để trở về nước .
Nhưng có vẻ mọi thứ với anh đã được trải sẵn, vì nhiều du học sinh cho biết họ rất muốn về nước cống hiến cho đất nước nhưng không thể tìm được một công việc phù hợp với năng lực được đào tạo?
Thực tế, khi trở về nước tôi gặp vô vàn khó khăn. Ban đầu là việc “tái hòa nhập”. Khi đi du học thì đang ở độ tuổi 20 – 21 tức là giai đoạn hình thành tính cách. Ở Đức, chúng tôi được giáo dục cách nói thẳng, nói thật, thích hay không thích chứ không phải vòng vo như ở Việt Nam. Về nước, tôi bị chông chênh khi phải thay đổi toàn bộ, cách nhìn, cách nghĩ, phải linh hoạt, khéo léo hơn đôi khi cảm thấy không còn là mình.
Thứ 2, khi về nước tôi cũng mang rất nhiều nhiệt huyết muốn cống hiến cho đất nước, muốn mang những kiến thức của mình học để phục vụ cho quê hương nhưng khi nộp đơn xin việc vào một cơ quan nhà nước, tôi bị từ chối thẳng thừng. Điều này làm cho tôi khủng hoảng và suy sụp đến gần 1 năm. Nghĩa là những gì mình nghĩ khi ở Đức không giống với thực tế diễn ra.
Nhiều khi tôi tự hỏi: Con đường nghề nghiệp của mình là gì? Mục tiêu sống của mình như thế nào. Sau đó, thì tự mình vực tinh thần dậy, mình không thể chán nản mãi như thế này được, mình có kiến thức, có năng lực nếu người khác không cho mình cơ hội thì tự bản thân mình phải tạo ra cơ hội cho bản thân. Nghĩ là làm, ngay sau đó tôi liên hệ với một số bạn học để thành lập một công ty về xúc tiến thương mại. Công ty tuy nhỏ, và thời điểm đó thì cũng chưa cho doanh thu, lợi nhuận nhưng mình xây dựng vì đam mê, để có thể thực hiện ước mơ, khát vọng của bản thân.
Nếu như anh nói thì vấn đề mà du học sinh gặp phải khi về nước làm việc là họ chưa có sự bứt phá, nỗ lực trong công việc cũng như thay đổi bản thân nên dễ lâm vào tình cảnh chán nản, bi quan từ đó tạo ra bi kịch cho chính mình?
Đúng thế! Tức là môi trường không phù hợp thì nên tự tạo ra môi trường tốt hơn: như tạo ra công ty tốt hơn, tạo ra con đường cho riêng mình, dành tâm huyết đào tạo ra những người đi sau để cống hiến cho đất nước, phát triển cho bản thân. Có rất nhiều cách cống hiến và con đường đi khác nhau để thành công.
Tôi cho rằng, nhiều du học sinh chưa thành công khi về nước lập nghiệp là do bản thân họ chưa thực sự cố gắng, nỗ lực. Phải hiểu thế này, tất cả mọi con đường dẫn đến thành công đều phải trả giá bằng nước mắt, mồ hôi. Ở Việt Nam hay nước ngoài đều có hai mặt hay, dở, tốt, xấu..., khi xác định ở đâu thì cũng phải cố gắng cống hiện, thực hiện được các mục tiêu mà mình đề ra, làm được những điều mà mình từng nghĩ, từng kỳ vọng. Điều quan trọng là phải tôn trọng môi trường xung quanh, tôn trọng đồng nghiệp. Bởi chính họ cũng có rất nhiều điều tốt đẹp mà mình cần phải học hỏi, phát huy.
Có bao giờ anh cảm thấy hối hận khi quyết định về nước lập nghiệp không? Bản thân anh cho rằng mình đã thành công hay chưa?
Thành công phụ thuộc vào quan điểm của từng người. Có người thành công là kiếm được nhiều tiền, có người thành công là được làm một công việc yêu thích hay có khi thành công chỉ là được làm việc trên quê hương của mình. Thành công không có tiêu chí cụ thể mà nó theo quan điểm của từng người. Riêng tôi, khách quan mà nói tôi khá hài lòng với công việc hiện tại.Tôi gặp được những người thầy giỏi, những người đồng nghiệp tuyệt vời hàng ngày cống hiến, làm việc một cách âm thầm, lặng lẽ. Họ đang ngày càng chứng minh quyết định trở về của mình là đúng đắn.
Tôi nghĩ, nhiều du học sinh hiện nay đang quên mất trách nhiệm với đất nước. Họ quên mất nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần là nghiên cứu khoa học, là trách nhiệm nuôi sống gia đình, mà họ nên có thêm trách nhiệm với xã hội. Nếu họ dành một chút thời gian nữa để suy nghĩ về sự cống hiến với đất nước, sự kết nối với đồng nghiệp, hoặc những người bạn ở Việt Nam thì đó mới là những công dân toàn cầu. Còn nếu chỉ suy nghĩ cho riêng mình, cho việc làm sao để thể hiện mình, làm sao để kiếm được nhiều tiền thì tôi không đánh giá cao. Và theo tôi đó không được gọi là thành công.
Xin cảm ơn anh!
Hà Trang