Tinh giản biên chế giáo viên: “Không cắt máy móc 10%, giáo viên phải đủ”
(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị sáng 2/8 trước lo ngại của đại diện nhiều Sở GD&ĐT về việc phải tinh giản biên chế 10% khiến nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, hoặc có nơi thiếu giáo viên dạy nhưng không có biên chế, nhất là ở bậc mầm non.
Tinh giản biên chế giáo viên là vấn đề “nóng” nêu ra bàn bạc trong Hội nghị tổng kết năm học năm 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh.
Địa phương khó khăn, lúng túng
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế ở nhiều địa phương đây là vấn đề khó khăn, mâu thuẫn.
“Rõ ràng, nhu cầu học tập của con em chúng ta ngày càng cao, tỉ lệ trẻ em đến lớp cao. Đây là nhu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cần được đáp ứng. Cũng như nhiều tỉnh, Phú Thọ đã tiến hành rà soát quy hoạch bằng sáp nhập các trường, giải thể trường nhỏ… Riêng với phần biên chế, tỉnh thực hiện giảm 10% từ nay đến 2021. Phú Thọ có 24.000 giáo viên biên chế, nếu như thế thì giảm đến 2.400 giáo viên. Tuy nhiên, tỉnh lại đang thiếu giáo viên mầm non gay gắt. Ở một số tỉnh như Cà Mau, ĐắcLắk như báo chí đưa tin cũng gặp tình trạng tương tự khiến việc tinh giản giáo viên gây bức xúc trong dư luận”, ông San nêu vấn đề.
Ông Hà Kế San phát biểu kiến nghị từ đầu cầu Phú Thọ.
Đại diện này đặt câu hỏi giảm biên chế giáo viên thế nào để đảm bảo điều kiện học tập của con em?
“Một giải pháp có thể nói đến là chuyển các trường công lập sang tư thục, tuy nhiên chúng ta chưa có chính sách, hướng dẫn nào cụ thể như vậy. Trong ngành Y tế, xã hội hóa có đủ văn bản pháp lý của Chính phủ nên khi làm rất dễ trong khi Giáo dục thì chưa”, ông nói.
Ông San cho biết, tỉnh Phú Thọ loay hoay vấn đề này: “Không làm không được, làm thì vi phạm… Nhu cầu học sinh lớn thì tỉ lệ giáo viên trên lớp phải đông hơn, nhiều hơn. Lãnh đạo các tỉnh chúng tôi hết sức lúng túng, khó khăn”.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Chuyển mô hình công lập sang ngoài công lập?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị, Chính phủ có quy định chuyển đổi các trường công lập sang ngoài công lập kèm cơ chế chính sách, tài chính và định mức biên chế. Với bậc Tiểu học, THCS, THPT nếu vẫn phổ cập thì phải tính toán, đơn vị nào phổ cập thì vẫn thực hiện, còn các trường có nguồn lực chuyển thành trường tư thục chất lượng cao.
Đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội phát biểu.
Đồng tình quan điểm, ông Ngô Văn Quý (Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) chia sẻ: “Chuyển đổi mô hình giáo dục từ công lập sang ngoài công lập: mô hình, cách thức triển khai thế nào địa phương đang… bí”.
Bà Vũ Thị Liên Oanh (Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh) cho biết, là một trong những địa phương đầu tiên sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục. Quảng Ninh tập trung sắp xếp dồn ghép các điểm trường nhỏ lẻ, dùng chung nhân viên kế toán cho các cụm trường gần nhau, đào tạo lại cán bộ giáo viên dôi dư sắp xếp công việc mới, sắp xếp giáo viên dạy nhiều điểm trường khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong tỉnh… Sau gần 3 năm tinh gọn bộ máy giáo dục, tỉnh đã giảm 9 trường.
Bài học kinh nghiệm của tỉnh là rà soát kỹ trước thực hiện, không dồn ghép cắt giảm một cách cơ học dẫn nhiều hệ lụy, không áp đặt cứng nhắc tinh giản, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục chủ động.
Bà Vũ Thị Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh kiến nghị không nên cắt giảm biên chế một cách cơ học.
Bà Oanh đề xuất tăng cường công tác kiểm tra, giám sát số học sinh/ lớp, số lớp/ trường. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ quy định khung số người, khối lượng công việc của cán bộ ngành giáo dục, Bộ thống nhất Bộ Nội Vụ tham mưu cho Chính phủ tăng biên chế nếu tăng lớp, tăng trường, xem xét lại định mức biên chế ngành Giáo dục mầm non bởi đây là cấp học có nhu cầu lớn về giáo viên.
Đại diện Sở GD&ĐT Kiên Giang cũng đặt câu hỏi: “Không hợp đồng lao động thì lấy giáo viên ở đâu để dạy học sinh?” và kiến nghị, nên chăng giao quyền chủ động giao biên chế cho địa phương.
Phó Thủ tướng: “Giảm biên chế gián tiếp nhưng giáo viên phải đủ”
Phát biểu chỉ đạo tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề biên chế được các đại biểu phán ánh rất đúng thực tế và đã từng được đưa vào một phiên thảo luận chính thức của Chính phủ. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo kỹ về vấn đề này. Việc nào thuộc quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết, thậm chí có những việc nếu cần thiết, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT không nắm sát tình hình biên chế của giáo viên ở địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ trước, Bộ Giáo dục đã đề cập nhưng thực hiện chậm. Vào đầu nhiệm kỳ này, đây là một trong những việc tôi chỉ đạo đồng chí Bộ trưởng phải làm ngay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sẽ giảm mạnh biên chế gián tiếp nhưng tinh thần phải đủ giáo viên.
Đến bây giờ, lần đầu tiên từ nhiều chục năm qua, Bô GD&ĐT nắm được tình hình giáo viên ở từng trường không chỉ ở số lượng mà về trình độ, chuyên ngành đào tạo và phân công công việc. Đây là tiến bộ ban đầu làm cơ sở để giải quyết câu chuyện biên chế. Đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.
Ông nhấn mạnh, giáo viên không chỉ tính biên chế tổng của tỉnh, bởi lẽ tổng là vậy nhưng có trường, có huyện, có địa phương trong tỉnh lại thiếu. Giáo viên THPT hay tiểu học thì không điều từ thành phố thuộc tỉnh về huyện dạy được vì nó còn liên quan đến gia đình, chỗ ở của họ. Ngay trên một địa bàn, có thể thừa giáo viên bên này, giáo viên bên kia.
Từ cập nhật tổng thể về việc này, tới đây về dài hạn chúng ta căn cứ vào đó định mức đặt hàng đào tạo sư phạm. Còn trước mắt, giải quyết câu chuyện biên chế ở một số nơi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bàn về giảm biên chế và tự chủ đại học
Trước những lo lắng, băn khoăn của đại diện nhiều tỉnh về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: “Nghị quyết TƯ số 19 về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt máy móc 10% biên chế giáo viên.
Nghị quyết nêu rõ sẽ thực hiện từng thời kỳ 1, từ nay đến 2021 cắt trung bình 10% biên chế, nhưng biên chế ở đây là biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nghĩa là, nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là phải đủ giáo viên để dạy.
Việc sắp xếp lại mạng lưới các trường trên cơ sở tùy tình hình địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, gia đình. Đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày, sĩ số hợp lý, giáo viên môn nào dạy môn đó, cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản”.
Lệ Thu