Viện Vật lý kỹ thuật - Trường ĐHBK Hà Nội:

Tìm giải pháp tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp

Nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, khuyến khích sinh viên học tập thông qua các quỹ học bổng, xây dựng mạng lưới cựu sinh viên… là những giải pháp được Viện Vật lý kỹ thuật (VLKT), Trường ĐHBK Hà Nội triển khai trong thời gian qua nhằm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường.

Nhờ đó, 100% sinh viên ngành VLKT có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng với mức lương khởi điểm trung bình 8-10 triệu đồng/tháng.

Tìm giải pháp tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp - 1

Viện VLKT - Trường ĐHBK Hà Nội là một trong những địa chỉ uy tín về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành vật lý nước nhà. Với mô hình đào tạo linh hoạt theo nhu cầu của người học: 4 năm đối với hệ cử nhân VLKT và 5 năm đối với hệ kỹ sư.

Đặc biệt, những sinh viên có nguyện vọng học liên tục sẽ chỉ cần đầu tư 5,5 năm để học liên thông từ đại học đến thạc sĩ.

Chương trình đào tạo đại học ngành VLKT được thiết kế theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu với mục đích trang bị cho sinh viên khả năng thiết kế, đề xuất và triển khai các giải pháp kỹ thuật, cũng như kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề thực tiễn thông qua các khối kiến thức cơ bản về toán học và vật lý, kiến thức cơ sở và cốt lõi của ngành học hoặc tự chọn học theo các định hướng nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo được xây dựng với những định hướng chuyên môn sâu như: vật liệu và linh kiện điện tử, công nghệ nano, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các nguồn năng lượng thay thế khác); quang học - quang điện tử và quang tử (chế tạo và thiết kế hệ thống chiếu sáng, kiểm tra và đo các thông số nguồn sáng, sử dụng các hệ laser, nghiên cứu và phát triển hệ thống thông tin quang, thiết bị dùng đèn LED...);

Vật lý tin học và lập trình ứng dụng (các phần mềm và máy tính chuyên dụng, xử lý số liệu thực nghiệm, mô phỏng các quá trình vật lý, tin học hoá các dụng cụ đo đạc các đại lượng vật lý trên cơ sở ứng dụng các bộ chuyển đổi, các chip vi điều khiển).

Với kiến thức, kỹ năng học tập tại trường, sinh viên ngành VLKT thường nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp, trở thành nhà nghiên cứu, kỹ sư tại các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo; chuyên gia viết dự án, chính sách khoa học công nghệ tại các cơ quản quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành VLKT có thể tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau (khoa học vật liệu điện tử, bán dẫn, công nghệ nano, công nghệ hạt nhân, quang học điện tử...) hoặc có thể khởi nghiệp trong chính lĩnh vực được đào tạo như: thiết kế máy nông nghiệp, thiết bị khoa học kỹ thuật, sản phẩm phục vụ cuộc sống…

Tìm giải pháp tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp - 2

Đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ Viện VLKT, ông Vũ Đức Thịnh - Công ty TNHH Thiết bị 2H cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp ngành VLKT tại ĐHBK Hà Nội có kiến thức cơ bản vững vàng, tư duy tốt, chăm chỉ và cầu tiến nên công việc được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.

Không chỉ đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng đáp ứng nhu cầu thực tế, Viện VLKT luôn chú trọng tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Điển hình là sự hợp tác với Công ty TNHH Haesung Vina (chi nhánh của Công ty Haesung Optics Hàn Quốc) – một trong những doanh nghiệp với thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo các thiết bị quang học và quang điện tử.

Với mục tiêu tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng cao, một phòng thí nghiệm chung giữa ĐHBK Hà Nội – Haesung Vina đã được thành lập. Hai bên cùng tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm và triển khai công nghệ mới phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực của ĐHBK Hà Nội và yêu cầu phát triển sản xuất của Công ty Haesung Vina.

Ngoài ra, Công ty đã kết hợp với Viện VLKT xây dựng các học phần định hướng ứng dụng, cùng các chuyên gia của Hàn Quốc giảng dạy, gắn kết lý thuyết và thực hành ngay tại phòng thí nghiệm chung.

Nhờ đó, sinh viên VLKT được các chuyên gia đào tạo, sử dụng các thiết bị công nghiệp của Công ty; được làm việc tại Phòng thí nghiệm chung với các đề tài gắn liền giữa nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực chế tạo thiết bị máy ảnh, camera cho thiết bị di động.

Trong năm học 2016-2017, Công ty Haesung Vina đã tài trợ gần 100 triệu đồng cho quỹ học bổng và quỹ nghiên cứu khoa học sinh viên. Đánh giá về sự hợp tác này, ông Lee Eul Sung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Haesung Optics Hàn Quốc khẳng định: “Việc liên kết hợp tác giữa Viện VLKT – Trường ĐHBK Hà Nội và Haesung Vina là cơ hội để hai bên thúc đẩy chuyên sâu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ trường đại học; nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực quang học, quang điện tử, tạo nên bước đột phá cho Việt Nam trong sản xuất các sản phẩm công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”.

Bên cạnh đó, việc phát triển mạng lưới cựu sinh viên tạo diễn đàn giao lưu trao đổi trong lĩnh vực chuyên môn cũng như giới thiệu, tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; dành nhiều suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phong trào, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc… cũng là những giải pháp được Viện triển khai rất tích cực trong thời gian qua.

Đặc biệt, nhằm khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo, Viện và các doanh nghiệp có nhiều hỗ trợ đối với các đề tài, sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Sinh viên có cơ hội được giới thiệu đi thực tập, làm việc, học tập ngắn hạn hay trao đổi nghiên cứu với các cơ sở sản xuất, các trung tâm nghiên cứu ở trong và ngoài nước.

Ngành VLKT đã và đang góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Với xu thế phát triển ngày càng cao của khoa học công nghệ thì triển vọng của ngành là rất lớn. Do đó, tương lai của sinh viên tốt nghiệp ngành VLKT có niềm đam mê, yêu thích với nghề không chỉ có nhiều cơ hội việc làm mà còn nhiều cơ hội phát triển rất tiềm năng.

Vũ Thơm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm