Tìm giải pháp "cởi trói" cho các trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ

(Dân trí) - Sáng nay 20/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự hội nghị.

Hội nghị tổng kết Nghị quyết 77 NQ/CP về thí điểm tự chủ ở các cơ sở GD ĐH nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ ĐH.

Đồng thời xác định phương hướng, đề xuất với Chính phủ để xây dựng các chính sách, hành lang pháp lý để gỡ các nút thắt đang cản trở quá trình tự chủ ĐH tại Việt Nam.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự hội thảo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự hội thảo

Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực cho các trường

Nghị quyết số 77/NQ-CP (NQ77) của Chính phủ ban hành ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.

Theo nội dung NQ77, Chính phủ cho phép 12 cơ sở GDĐH thí điểm thực hiện tự chủ trong các lĩnh vực: Tự chủ về đào tạo và NCKH (còn gọi là tự chủ về học thuật); Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự;Tự chủ về tài chính.

Tính đến tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ (TTCP) đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo NQ77 cho 23 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc các Bộ, ngành trung ương, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm (trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017).

Đến thời điểm này, thời hạn thực hiện NQ77 về thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ ĐH chuẩn bị kết thúc, thời gian được giao thí điểm tự chủ đối với một số cơ sở GD ĐH cũng sắp kết thúc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tuy thời gian thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 chưa dài nhưng các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp.

Các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả (hiện vẫn còn 4 trường thí điểm tự chủ nhưng chưa thành lập Hội đồng trường)...

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, những bất cập này đã hạn chế hiệu quả của việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc phát sinh và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai thời gian qua để từ đó thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề ra kế hoạch, lộ trình triển khai đảm bảo hiệu quả cao nhất.

6 nguyên nhân dẫn tới khó khăn khi các trường thực hiện tự chủ

Theo nhóm nghiên cứu toàn diện về Tự chủ đại học của trường ĐH Kinh tế quốc dân, nguyên nhân là do hoạt động tự chủ đại học của các trường ĐH CL đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật GDĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chứcvà các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, dù đã có một số văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi Luật, đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học, Luật Đầu tư Công, Luật Khoa học Công nghệ… nên thực tế, các trường ĐH tự chủ vẫn cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ; một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai, cụ thể:

Thứ nhất, là thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường. Bất cập lớn nhất trong các văn bản pháp luật hiện nay là không cụ thể hoá được nội dung tự chủ đại học là gì? Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hầu như không có các điều khoản quy định về vấn đề này.

Các qui định về căn cứ, nguyên tắc chung, điều kiện để giao quyền tự chủ, cũng như cụ thể hoá về quyền tự chủ đại học về đào tạo, học thuật, bộ máy quản lý và nhân sự, tài chính, mua sắm và đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng… còn chưa rõ ràng. Chưa xác định được tự chủ tới đâu? Làm sao để tự chủ mà không vướng luật?

Thứ hai, hiện nay nhiều qui định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ. NQ77 chỉ mới là thí điểm nên các các văn bản pháp luật chủa thay đổi theo. Nghịch lý là trong khi các cơ sở GDĐH thí điểm tự chủ cần triển khai thực hiện nghị quyết mới (NQ77) nhưng được hướng dẫn làm “theo quy định hiện hành”.

Đơn cử sau thời điểm NQ77 ra đời, chỉ có tất cả 3 văn bản mới liên quan tới cơ chế tự chủ được ban hành. Trong khi đó, thực tế hoạt động tự chủ đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Chưa có cơ chế chính sách riêng về đầu tư, mua sắm cho các cơ sở giáo dục tự chủ mà các trường tự chủ hiện tại vẫn phải tuân thủ theo quy định đầu tư, mua sắm theo đúng quy định.

Thứ ba, khi được giao thí điểm tự chủ đại học, các trường đại học không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Các trường chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của mình. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong nhận thức, cách tiếp cận và tư duy về bản chất, mức độ và các điều kiện thực hiện tự chủ đại học giữa các trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện...

Thứ tư, tính thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học dẫn đến sự lúng túng của các trường ĐH thí điểm tự chủ. Chẳng hạn, NQ77 cho phép các trường được quyền quyết định việc đầu tư các dự án bằng nguồn thu hợp pháp tuy nhiên theo Luật đầu tư công thì các trường vẫn phải xin chủ trương đầu tư từ các cấp có thẩm quyền đúng quy trình và thủ tục đã quy định.

Thứ năm, việc giao quyền tự chủ đối với GDĐH mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính; chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo.

Thứ sáu, tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học trong cơ sở GDĐH: các trường đã thực hiện tự chủ nhưng cơ chế quản trị chưa hoàn thiện do chưa có chế tài cho việc thành lập HĐT (có 5/19 trường khảo sát chưa thành lập Hội đồng trường) nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Điều này khiến cho việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và chất lượng đào tạo chưa được nâng cao.

Làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng trường và cơ quan chủ quản

Nhóm nghiên cứu kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Tự chủ đại học thay thế cho NQ77, chính thức hóa tự chủ đại học là con đường tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam. Đối với các trường chưa tự chủ, Chính phủ cần yêu cầu các trường này phải thực hiện tự chủ kể từ năm 2020 đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để đóng cửa các trường đại học không thể tự chủ từ thời điểm này.

Xây dựng cơ chế chính sách và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ …) rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách về tự chủ đại học đặc biệt là chính sách tài chính, đầu tư và nhân sự.

Với các cơ sở GDĐH đang thí điểm tự chủ, nên kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi các cơ sở này có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên tính từ khi áp dụng thí điểm tự chủ để có thể đánh giá đầy đủ hơn về giai đoạn thí điểm tự chủ; sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn chính thức tự chủđồng loạt từ 2020.

Xây dựng lộ trình và điều kiện để xoá bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản” và cơ chế xin cấp phép về công tác chuyên môn, nhân sự, tài chính với trường đại học tự chủ. Các trường tự chủ cần được coi là một tư cách pháp nhân độc lập.

Làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng trường (HĐT) và cơ quan chủ quản trong giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn xoá bỏ cơ chế cơ quan chủ quản. Nên thí điểm xoá bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với một số trường đang thí điểm tự chủ thành công từ nay đến 2020 dựa trên việc đăng kí và xây dựng đề án cũng như các điều kiện về kiểm định chất lượng, về trách nhiệm giải trình; công khai thông tin một cách minh bạch của các trường này.

Với Bộ GD&ĐT, nhóm nghiên cứu kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần rà soát các văn bản can thiệp hoạt động của các cơ sở GDĐH, từ đó xác định các thông tư, văn bản còn chưa thực sự phù hợp với điều kiện tự chủ mới để cùng với các bộ ngành nhanh chóng điều chỉnh nhằm đảm bảo sự thống nhất trong chính sách, tránh trường hợp hiểu theo nhiều nghĩa và đúng sai trong từng trường hợp.

Quy định cụ thể về trách nhiệm vai trò HĐT cũng như khẳng định vai trò của HĐT trong quản trị trường đại học trong xu hướng tự chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Trong đó, HĐT cần thể hiện vai trò đại diện sở hữu, có chức năng xây dựng chiến lược định hướng phát triển trường; bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng để tổ chức thực hiện chiến lược; giám sát việc tổ chức thực hiện chiến lược.

Cần có chế tài liên quan tới việc thành lập HĐT, ví dụ quy định những trường đại học tự chủ sau 1 năm kể từ ngày có quyết định tự chủ nếu không thành lập được HĐT thì bị “thu lại” quyết định giao tự chủ. Cần bổ sung các văn bản của Nhà nước để làm rõ mối quan hệ, chức năng, nhiệm vụ của HĐT với Đảng ủy và BGH để không bị trùng lặp gây khó khăn và vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Hồng Hạnh