Tiểu sử tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
(Dân trí) - Từ ngày 9/4, ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trước khi đắc cử Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngày 9/4, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Theo đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ được đề cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Tiểu sử tóm tắt tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sinh ngày 03/6/1963 tại Phù Cừ, Hưng Yên. Vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1997. Tiến sĩ Kinh tế, thành thạo tiếng Anh.
Khen thưởng: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba; Danh hiệu Nhà giáo ưu tú; Danh hiệu Tiến sĩ Danh dự của các Trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (LB Nga) và Trường Đại học Kinki (Nhật Bản).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế Chính trị năm 1985 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Tốt nghiệp Chương trình đào tạo sau đại học ngành Kinh tế Phát triển tại Đại học Tổng hợp Manchester, Vương quốc Anh năm 1994.
Bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế tại Viện Kinh tế thế giới, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia năm 1999 nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Nghiên cứu sau tiến sĩ (Chương trình Fulbright) tại Trường Đại học Tổng hợp Georgetown, Hoa Kỳ (2001-2002); Được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư năm 2005.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có gần 30 năm kinh nghiệm quản lý, giảng dạy trong nước và ngoài nước các môn học về: kinh nghiệm quản kinh tế quốc tế, đầu tư nước ngoài và công ty xuyên quốc gia.
Đến nay, đã hướng dẫn được 9 nghiên cứu sinh, trong đó có 6 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và 16 thạc sỹ; chủ trì thực hiện thành công 02 Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 03 Đề tài cấp Bộ, 03 Đề tài trọng điểm và đặc biệt cấp ĐHQGHN; công bố được 34 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước; xuất bản 12 cuốn sách, gồm 02 giáo trình, 05 sách chuyên khảo, 05 sách tham khảo trong đó có 03 cuốn là tác giả độc lập, 02 cuốn được xuất bản bằng tiếng Anh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hiện đang Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.
Một số chức vụ lãnh đạo, quản lý đã qua của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
– Tháng 9/1995 đến 1/1997: Phó Trưởng phòng Hành chính – Đối ngoại (phụ trách đối ngoại), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQGHN;
– Tháng 2/1997 đến 12/2007: Phó Giám đốc Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển của khoa Kinh tế từ 9/2003 và đảm nhận chức vụ Phó chủ nhiệm khoa Khoa Kinh Tế từ 5/2005;
– Tháng 5/2007 đến 9/2010: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; Trường Đại học Kinh tế tiền thân là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (thành lập năm 1974), Khoa Kinh tế trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQGHN (năm 1995), Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN (năm 1999).
– Tháng 9/2010 được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHQGHN;
– Tháng 02/2013 được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc ĐHQGHN;
– Tháng 11/2014 được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng ĐHQGHN (theo Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội Khóa XII)
– Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội khóa XI (2010-2015);
– Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI (tháng 01/2011), đồng chí Phùng Xuân Nhạ được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII (tháng 01/2016) đồng chí Phùng Xuân Nhạ được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII (ngày 09/4/2016), Quốc hội đã phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hồng Hạnh