Tiếng "thở dài" của trẻ mùa tựu trường

(Dân trí) - Trong suy nghĩ của mọi người, năm học mới đối với trẻ đầy rộn ràng và phấn khởi. Thế nhưng vào mùa tựu trường, không thiếu những tiếng “thở dài” rất thật của học trò nhỏ đáng để người lớn phải suy ngẫm.

“Dì ơi, về đi bắt ve với cháu đi! Lại đi học nữa rồi, cháu không thích đâu! Thà cháu ở nhà đi hái dâu, cho tằm ăn với mẹ còn vui hơn”. Đó là chia sẻ của cháu Phạm Thị Ngân, 8 tuổi ở Lâm Đồng với người dì Phạm Thị Anh (ngụ ở Q,3, TPHCM) trước ngày đến trường.

Ngày hè của bé Ngân.
Ngày hè của bé Ngân.

Không chất vấn vì sao cháu không muốn đến trường, chị Anh chỉ tự thốt lên với mình “Nghe mà thấy thương cháu mình quá!”. Hơn hai tháng hè, Ngân thường theo mẹ lên rẫy để đi hái dâu cho tằm, hái dưa, làm cỏ trong vườn giữa thời tiết nắng nóng. Với em công việc đó vui hơn là đến trường.

Không phải học hè là niềm vui lớn với bé Nguyễn Đan Lê, học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở Nghệ An. Ngày hè, hàng ngày, khi mẹ bận, thỉnh thoảng Lê giúp mẹ trông cửa hàng tạp hóa ở chợ. Việc này giúp cháu học được các kỹ năng như giao tiếp với khánh, chia sẻ công việc với cha mẹ.

Vào năm học mới, Lê ngưng việc bán hàng. Những ngày đầu, học sinh nơi đây được tham gia lao động, làm vệ sinh trường lớp. Cũng như nhiều bạn bè, Lê thích thú công việc này nhưng rồi em sớm lo xa như bà cụ non: “Chúng em chỉ đến trường làm vệ sinh một, hai ngày thôi. Rồi cả lớp lại lao vào học và học để đạt điểm 10, để cuối năm phải đạt học sinh giỏi”.
 
Có lẽ không chỉ cô học trò này mà với nhiều đứa trẻ khác việc học chỉ là điểm 10 và những tấm giấy khen!

Trẻ không hẳn không thích việc học nếu như bên cạnh những kiến thức sách vở mang tính "đánh đố", trường học tăng cường thêm nhiều hoạt động vui chơi, lao động…

Học trò ở các vùng quê vốn ít áp lực về việc học hành đã vậy. Còn với học trò ở các thành phố lớn, mùa tựu trường chẳng khác nào một kỳ học thêm nối tiếp khi trong kỳ nghỉ hè với các em lâu nay được mặc định là học kỳ 3.

Học trò tiểu học tại TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2012.
Học sinh tiểu học tại TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2012.

Các trường học khắp nơi rầm rộ cờ trống đón học trò tới trường. Nhưng ai trả lời được câu hỏi: mùa tựu trường giờ đây có ý nghĩa như thế nào với trẻ? Nó có thật sự tạo nên cảm giác phấn chấn, rộn ràng và động lực để trẻ bước vào một năm học mới?

Ngày khai giảng trở thành dấu ấn đặc biệt với bao thế hệ học trò, giờ đây các em lại như bị tước đi. Bởi khai giảng năm học mới là gì khi các em triền miên trong việc học thêm. Bởi trước ngày khai giảng, các em đã tựu trường và chính thức vào việc học trước đó vài ba tuần lễ. Liệu việc học trước đó có quan trọng, gấp gáp đến mức chúng ta bắt trẻ thơ phải đánh đổi những giá trị tinh thần?

Một năm học mới lại đến. Những đứa trẻ tiếp tục bước vào cuộc chạy đua với những điểm số, những kỳ thi. Đây có lẽ không phải là điều mà các trẻ em mong muốn trong khi đó, việc thay đổi của hệ thống giáo dục có thể đến từ các nhà quản lý, các giáo viên và ngay cả các bậc làm cha làm mẹ.

Xin đừng trì hoãn việc lắng nghe trẻ em. Đừng để các em phải buông tiếng thở dài vì không được sống đúng với những gì thuộc về tuổi thơ của mình...

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm