Tiến sĩ ngành Lâm nghiệp “gieo mầm” đam mê học tiếng Anh ở Đắk Lắk
(Dân trí) - Ít ai ngờ rằng, một tiến sĩ khoa học ngành Lâm Nghiệp lại có lúc trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh với mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trau dồi tiếng Anh để có thể tự mình “bơi ra biển lớn”.
Từ câu “tiên tri” của cô giáo trường làng...
Sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nghèo của một huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An, cậu bé Vượng ngay từ khi còn nhỏ đã nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới bởi khả năng nhớ “siêu đẳng” của mình.
Cậu có thể đọc vanh vách không sai một chi tiết nào với những bài tập đọc được học trong sách giáo khoa mà không cần nhìn vào trang sách.
Có lần lúc lên năm tuổi, cậu đã khiến bố mình phải ngạc nhiên khi kể lại cho cả nhà nghe về một bộ phim mà cậu xem ở sân bóng của thôn tối hôm trước. Từng lời thoại được cậu nhắc lại chính xác cứ như đang cầm trên tay kịch bản phim vậy.
Đầu những năm 1980 khi đất nước còn nhiều khó khăn, việc học hành ở vùng nông thôn nơi Vượng sinh sống cũng không được mọi người chú trọng cho lắm.
Trẻ con trong làng chủ yếu là ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, hoặc chơi trò bắn bi trốn tìm quanh cây rơm khóm tre trong làng. Nhưng cậu bé Vượng thì ngược lại. Cậu đã khóc như mưa khi bị cô giáo từ chối không tiếp nhận vào lớp tiểu học đầu cấp do quá nhỏ con và cô cho là chưa đủ tuổi.
Chỉ khi anh trai cậu, vốn là bạn của cô giáo, đưa cậu đến nói khó với cô giáo thì cô mới đồng ý cho phép cậu vào học cùng các anh lớn tuổi hơn mình với điều kiện “Nếu học được thì cho theo, còn không thì phải nghỉ nhé”. Và cậu đã không làm phụ lòng cô giáo mình.
Vượng chăm học, luôn đứng top đầu trong lớp về thành tích học tập nên được cô giáo và các bạn đã tín nhiệm bầu cậu làm lớp trưởng suốt nhiều năm liền.
Năm 1988, cậu bé Liên đội trưởng trường cấp 1 - cấp 2 Thành Sơn (Nghệ An) đã vinh dự được bầu chọn là đại biểu chính thức đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc tổ chức ở Hà Nội.
Rất tiếc là cậu đã phải bỏ lỡ cơ hội quý để lần đầu tiên được bước chân ra khỏi lũy tre làng thân quen đến với thủ đô chỉ vì một cơn sốt rét không mời mà đến.
Thế nhưng, ước mơ được đi đây đi đó để học hỏi và mở mang tầm mắt vẫn không ngừng thôi thúc cậu quyết tâm trong học tập.
Hồi ấy cũng chưa ai có khái niệm ra nước ngoài du học là gì, thế nhưng một lần trên đường đưa đoàn học sinh khối lớp 3 của trường đi thi học sinh giỏi cấp huyện và nghỉ mệt ở một quán nước ven đường, cô giáo buột miệng “Trong đoàn này thế nào sau này cũng có đứa đi học nước ngoài”.
Cô giáo không thể ngờ rằng, đúng 20 năm sau, lời “tiên tri” của mình đã trở thành sự thật. Cậu học trò nhỏ tên Vượng ngày nào đã nhận được học bổng du học ở xứ sở của món kim chi truyền thống - Hàn Quốc. Cậu cũng chính là học sinh duy nhất trong đoàn học sinh giỏi ngày xưa được đi học ở nước ngoài.
… Đến hành trình bơi ra biển lớn
Nếu như ngày nay các bạn trẻ được định hướng, vạch kế hoạch chi tiết, thậm chí có cả chiến lược bài bản, dài hơi cho việc đi du học thì những lứa học sinh thời của tiến sĩ Vượng thậm chí còn không có khái niệm học lên đại học.
Cũng như các bạn cùng trang lứa, cậu bé Vượng chỉ biết học là học. Mãi đến cuối năm lớp 11, cậu mới vô tình có được quyển sách luyện thi đại học và bắt đầu thực hiện mục tiêu phải tốt nghiệp cấp 3.
Trong khi bạn bè đồng trang lứa yên phận với việc lập gia đình và theo nghề nông thì Vượng đã đặt được chân vào cổng trường đại học và trở thành sinh viên ngành Nông nghiệp của trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái (tiền thân của trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên bây giờ).
Kể lại hành trình chinh phục các học bổng quốc tế để du học, tiến sĩ Vượng cho biết rằng, khó khăn trở ngại lớn nhất cho bất cứ ai muốn đi du học thời điểm đó là tiếng Anh.
Không như bây giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để học tiếng Anh, ngày ấy và kể cả khi vào đại học, Vượng chỉ học tiếng Anh “chay” bằng vài quyển giáo trình tiếng Anh cũ mèm mà cậu mượn được từ thầy cô trong trường.
Chăm chỉ, cần mẫn, và đầy đam mê với thứ ngôn ngữ lạ lẫm này, Vượng đã tận dụng mọi cơ hội để được học và thực hành.
Cậu bạn ở cùng phòng ký túc xá kể lại rằng, có lần đang say ngủ lúc nửa đêm chợt nghe tiếng xì xồ lạ tai của ai đó, một lúc sau thì phát hiện ra Vượng đang nói tiếng Anh trong khi đang mơ ngủ.
Câu chuyện có vẻ hài hước này đã được tiến sĩ Vượng nhắc lại nhiều lần với các bạn sinh viên về một phương pháp học tiếng Anh hiệu quả được gọi là “tắm trong ngôn ngữ”.
Là một sinh viên ở miền quê nghèo thiếu thốn điều kiện học hành nên khi làm hồ sơ xin học bổng du học Hàn Quốc, bài luận bằng tiếng Anh là “cơn ác mộng” đối với tiến sĩ Vượng.
“Ức chế nhất là khi trong đầu mình tràn ngập ý tưởng nhưng lại không thể diễn đạt được một cách mạch lạc bằng tiếng Anh”, tiến sĩ Vượng nhớ lại.
May mắn cho cậu là cô giáo dạy tiếng Anh, vì quý tinh thần ham học của cậu, đã cho cậu mượn quyển sách “How to Write Academic English?” (Phương pháp viết tiếng Anh học thuật) đồng thời giúp cậu chỉnh sửa để có được các bài luận hoàn chỉnh nộp cho trường đại học ở Hàn Quốc.
Không chỉ dừng lại với tấm bằng thạc sĩ tại Hàn Quốc, năm 2013, anh Vượng đã tiếp tục chinh phục suất học bổng toàn phần danh giá cho bậc tiến sĩ từ Chính phủ Australia để theo đuổi ước mơ được nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực địa y tại trường đại học Flinders, Australia.
Đã có cơ hội đi du học nước ngoài ở các nước phát triển, thường xuyên phải sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu, và cả trong đời sống thường nhật ở xứ người, tiến sĩ Vượng khẳng định rằng, tiếng Anh là điều kiện tiên quyết, là công cụ quan trọng không thể thiếu cho bất cứ thành công nào.
Anh từng chứng kiến những bạn trẻ sang nước ngoài du học nhưng yếu tiếng Anh dẫn đến việc phải đối mặt với quá nhiều rắc rối trong học hành, thậm chí đã phải bỏ học vì không thể theo kịp chương trình.
Chính bản thân anh cũng nhiều lần rơi vào tình huống “tôi nói là việc của tôi, còn hiểu hay không là… việc của bạn” khi sử dụng tiếng Anh để trao đổi với các giáo sư người nước ngoài... Bởi vậy, lời khuyên của tiến sĩ Vượng là “Hãy trang bị cho mình một nền tảng tiếng Anh thật tốt. Và hãy bắt đầu ngay trước khi quá muộn”.
Khát khao gieo "mầm" tiếng Anh cho thế hệ trẻ
Là một người đã có đôi chút thành công nhất định trong lĩnh vực học thuật lẫn trong công việc, tiến sĩ Vượng vẫn không quên những khó khăn mà mình đã gặp phải trong việc học tiếng Anh khi còn thơ bé, và hơn ai hết, anh hiểu rõ những khó khăn mà các bạn trẻ thường gặp phải trong quá trình học tiếng Anh.
“Tôi gặp gỡ, tiếp xúc với các em học sinh sinh viên ở vùng quê, tỉnh lẻ và biết rằng, nhiều em rất giỏi, có chí hướng. Nhưng các em lại gặp thách thức trong việc học tiếng Anh. Phần lớn nguyên nhân là do thiếu phương pháp học, và đôi khi thiếu cả đam mê”, tiến sĩ Vượng chia sẻ.
Nhận thấy rõ tầm quan trọng của tiếng Anh không chỉ để phục vụ học hành mà còn cho cả cuộc sống, tiến sĩ Vượng đã quyết định trở thành “ông đồ dạy tiếng Anh” thời 4.0 với mong muốn góp phần khơi gợi niềm đam mê học tiếng Anh cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh công việc chuyên môn bận rộn của một nhà khoa học, anh dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình đi đến các trường phổ thông, đại học để nói chuyện chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh cho các bạn học sinh, sinh viên.
Anh còn mở thường xuyên tổ chức các buổi livestream dạy tiếng Anh qua mạng vào cuối tuần để những bạn trẻ ở xa không có điều kiện theo học tiếng Anh tại các trung tâm có thể tiếp cận được các bài giảng của mình.
Bên cạnh đó, anh cũng dành thời gian vào Chủ nhật để dạy cho các học viên tài năng nơi anh sinh sống với mong muốn là các em này sau khi lớn lên, du học và trở về xây dựng quê hương.
“Tôi không phải là một chuyên gia ngôn ngữ nên những bài giảng của tôi không đi sâu vào khía cạnh học thuật của ngành ngôn ngữ học.
Thay vào đó, tôi chia sẻ những câu chuyện có thật, những kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua suốt một hành trình dài theo đuổi tiếng Anh”, tiến sĩ Vượng cho biết.
Mới đây, anh cũng vừa cho ra mắt quyển sách tập hợp những bài hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng dành cho những người mới bắt đầu học tiếng Anh.
Ít ai nghĩ rằng, một tiến sĩ khoa học của một ngành “khô như ngói” thuộc lĩnh vực Lâm nghiệp lại có lúc đi “gieo mầm” đam mê học tiếng Anh như anh đang miệt mài thực hiện.
Còn ở Đắk Lắk nơi anh đang sinh sống, nhiều phụ huynh học sinh đều gọi anh với một cái tên trìu mến “Tiến sĩ dạy tiếng Anh”...
Nguyễn Thuận