Tiêm vaccine cho học sinh khi trở lại trường, nhiều phụ huynh băn khoăn
(Dân trí) - Bộ Y tế đã thông báo về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, nhiều phụ huynh mong con được tiêm chủng để sớm quay lại trường, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều phụ huynh băn khoăn.
Theo lộ trình mà Bộ Y tế xây dựng, các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi từ tháng 10-2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện từ lứa tuổi cao đến thấp; ưu tiên lứa từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh cho biết rất mong chờ con em được tiêm đủ 2 mũi trước khi quay trở lại trường học vào thời gian tới.
Mong ngóng kế hoạch tiêm chủng từng ngày
Sống tại quận Tân Bình, TP.HCM, phụ huynh Nguyễn Thị Phúc chia sẻ, đợt dịch Covid-19 vừa qua, chứng kiến hình ảnh nhiều người quen mắc bệnh, chị không khỏi xót xa và lo lắng cho sức khỏe của gia đình, đặc biệt là hai cậu con trai (15 và 17 tuổi); bởi trong khi cả hai vợ chồng đều đã có thẻ xanh (tiêm đầy đủ 2 mũi) thì hai đứa trẻ đều chưa được tiêm chủng.
"Những ngày gần đây, mặc dù đã được ra ngoài nhưng tôi vẫn yêu cầu các con ở nhà, bởi chưa được tiêm chủng, chẳng có một "lá chắn" nào bảo vệ con. Hai đứa lúc nào cũng hỏi, khi nào con được tiêm vaccine, vì ở nhà oải quá, con muốn được đến trường học trực tiếp, giao lưu với bạn bè.
Do đó, khi nghe tin thành phố dự kiến tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, tôi mừng lắm vì phần nào bớt đi nỗi lo bấy lâu nay. Nếu tiêm chủng, con sẽ được tới trường, ra ngoài vận động, vui chơi mà vẫn đảm bảo an toàn.
Tôi và con chẳng khắt khe việc tiêm vaccine gì, bởi tôi tin vào sự thẩm định, lựa chọn của Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng", chị Phúc bày tỏ.
Có con gái đang học lớp 9, anh Trần Xuân Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, việc học online kéo dài từ đầu tháng 9 khiến anh vô cùng sốt ruột và lo lắng. Niềm mong mỏi lớn nhất của anh ở thời điểm hiện tại là dịch bệnh ổn định, các con được tạo lá chắn miễn dịch để có thể quay lại trường học một cách an toàn.
"Nói gì thì nói, học trực tuyến dù tốt đến mấy cũng không thể chất lượng bằng học trực tiếp tại trường. Chưa kể, việc ở nhà quá lâu cũng khiến trẻ nảy sinh cảm giác bí bách, tiêu cực.
Vì vậy, tôi rất trông đợi việc tiêm ngừa được thực hiện cho trẻ, để các con được trở lại trường lớp, trở lại với cuộc sống bình thường".
Tuy nhiên, theo anh Phương, ngay cả khi học sinh trung học được phủ vaccine toàn diện, việc quay lại trường cũng không nên đại trà, ồ ạt. Bởi trên thực tế, vaccine không phải là thần dược giúp an toàn tuyệt đối trước đại dịch. Do đó, nhà trường nên đảm bảo giãn cách bằng việc chia ca, chia cấp học, hoặc có thể kết hợp dạy trực tiếp với online.
Không chỉ các bậc phụ huynh, nhiều học sinh cũng bày tỏ sự mong chờ và về việc tiêm phòng vaccine Covid-19.
"Lúc đầu, thấy bố mẹ bị sốt và chịu một vài tác dụng phụ sau tiêm, em có một chút lo lắng. Tuy nhiên, sau khi xem ti vi và được người lớn phân tích, em hiểu rằng vaccine chính là biện pháp hữu hiệu nhất giúp "đánh bay" Covid-19.
Nếu việc tiêm chủng cho học sinh được thực hiện, em sẽ sẵn sàng đăng ký, tất nhiên vẫn phải dựa trên ý kiến và sự đồng thuận của bố mẹ", Đỗ Phương Linh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều âu lo...
Trái ngược với sự háo hức, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra băn khoăn, đắn đo trước việc có nên cho con đi tiêm hay không.
"Nếu việc tiêm vaccine cho trẻ không bắt buộc, thì tôi sẽ chờ một thời gian nữa, khi các kết quả nghiên cứu thực tế về vaccine dành cho trẻ được công bố một cách rõ ràng, thay vì đưa ra quyết định đăng ký cho con tiêm ngay từ đợt đầu", phụ huynh Trần Mạnh Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Lý giải cho quan điểm này, anh Tiến cho hay, điều khiến anh lo lắng nhất chính là việc tiêm vaccine chưa được thử nghiệm đầy đủ theo quy trình truyền thống sẽ dễ xảy ra phản ứng phụ, có ảnh hưởng lâu dài tới học sinh - đối tượng đang trong giai đoạn dậy thì. "Trong thời gian chờ đợi kết quả nghiên cứu chính xác về mức độ phù hợp của vaccine đối với đối tượng trẻ em, tôi sẽ bảo vệ con bằng cách yêu cầu con tuân thủ nguyên tắc 5K, hạn chế tụ tập nơi đông người, cũng như chăm chỉ tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn".
Trong khi đó, chị Hoàng Thu H., giáo viên một trường THPT tại Hà Nội, cũng là phụ huynh có con trong độ tuổi được tiêm chủng bày tỏ, kế hoạch tiêm cho lứa tuổi từ 12 - 17 được chị chờ đợi bấy lâu nay; bởi chị hiểu rõ, vaccine chính là biện pháp giúp hạn chế lây lan tại trường học - nơi tập trung đông học sinh, mật độ giãn cách khó đảm bảo.
Nếu kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ được triển khai, chị H. sẽ cho con tiêm. Tuy nhiên, câu hỏi mà chị đặt ra là các con sẽ được tiêm loại vaccine nào?
"Tôi mong rằng ngành y tế sẽ có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định sử dụng loại vaccine nào cho trẻ. Nên ưu tiên lựa chọn loại vắc xin uy tín, đã được thử nghiệm ở nhiều nước trên thế giới.
Quan trọng hơn, cơ quan y tế cần thực hiện nghiêm chỉnh, cẩn trọng quy trình đánh giá, kiểm tra độ an toàn của vaccine và khám sàng lọc, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra" - chị H. đề xuất.
Ngoài thương hiệu và chất lượng vaccine, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ mong muốn công tác tiêm chủng được tổ chức một cách quy củ, an toàn.
Phụ huynh Minh Nguyệt (Hà Nội) hy vọng việc tiêm chủng sẽ được tổ chức theo đơn vị trường học. Bởi nếu tiêm theo đơn vị phường, quận thì nhà trường sẽ khó kiểm soát học sinh của mình tiêm hay chưa, vì thực tế nhiều em cư trú tại địa bàn này nhưng lại học tại học tại phường hoặc quận khác.
Tuy nhiên, dù tiêm theo đơn vị, yếu tố cần đặt lên hàng đầu chính là đảm bảo các tiêu chuẩn giãn cách, tránh lây nhiễm chéo tại địa điểm tiêm.
"Việc tiêm vaccine cho học sinh theo tôi là cần thiết và phụ huynh cũng rất mong chờ. Tuy nhiên, trước khi tính tới lợi ích lâu dài, việc mà chúng ta cần làm là giữ gìn sức khỏe cho các con, bằng cách đảm bảo an toàn trong việc thực hiện tổ chức tiêm chủng.
Tôi đặt niềm tin vào kế hoạch tiêm chủng của Bộ Y tế. Hy vọng việc tiêm vaccine sẽ giúp mở rộng cánh cửa, chào đón tất cả học sinh quay lại trường".