Tích hợp môn Lịch sử: Cần làm thận trọng!
(Dân trí) - Bên cạnh ý kiến phản đối việc tích hợp môn Lịch sử thì vẫn có những luồng dư luận cho rằng, việc tích hợp cần được làm một cách thận trọng, khoa học.
Trao đổi với báo chí, cô Nguyễn Thị Hoài – giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho hay: “Riêng đối với môn Lịch sử ở nước ta, nhiều người phản đối việc tích hợp là vì chưa hiểu cặn kẽ tính chất của khái niệm này và chưa tin vào chương trình đổi mới. Vì thế, để thuyết phục dư luận, bên cạnh việc chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận và thực hiện đúng lộ trình, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần có thông tin đầy đủ hơn. Thậm chí phải triển khai một vài bài học tích hợp ở một vài nơi thí điểm để mọi người cảm nhận rõ những tác động của quá trình tích hợp”.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam cho rằng, dạy tích hợp nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, đây là sẽ quá trình “mềm hóa” kiến thức một môn học đang được cho là quá khô khan. Tuy nhiên, tích hợp những môn nào, tích hợp ra sao, mọi thứ cần được nghiên cứu kỹ càng trước khi triển khai.
Theo bà Phương Anh, tích hợp là một cải tiến về phương pháp được áp dụng hiệu quả trong nền giáo dục của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Nếu thực hiện thành công, tích hợp sẽ làm cho môn học sinh động hơn và giúp học sinh nhớ bài lâu hơn. Cụ thể, khi xem qua các chương trình dạy lịch sử ở các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta dễ dàng nhận ra những nước như Anh, Pháp, Mỹ và Australia đã tích hợp môn Lịch sử với các môn như: Địa lý, Kinh tế hay Giáo dục công dân. Đặc biệt ở nước Nhật Bản là nước tích hợp Lịch sử vào môn Tìm hiểu xã hội từ rất sớm.
Lý giải cụ thể hơn về việc vì sao phải tích hợp môn Lịch sử, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: “Tích hợp môn Lịch sử không phải là “xóa sổ” môn học này, cũng không có chuyện học sinh nào muốn học thì học, không học thì thôi, mà môn học Công dân với Tổ quốc là bắt buộc. Theo đó, chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cũng dần được thay đổi.
Theo ông Hiển, trước hết, khi thiết kế một chương trình mới, phải dựa vào năng lực thực tế của đội ngũ hiện nay. Đội ngũ giáo viên hiện chưa thực sự quen với năng lực dạy học tích hợp thì thiết kế chương trình ở mức độ vừa phải. Và chương trình đã thiết kế như vậy, như tôi nói là đã làm thử và giáo viên làm rất tốt, có giáo viên còn đi xa hơn yêu cầu của Bộ.
Còn các trường sư phạm sắp tới phải đào tạo ra đội ngũ giáo viên mới đáp ứng chương trình mới này, bằng cách thay đổi cơ cấu tổ chức, đổi mới chương trình đào tạo của trường sư phạm.
Hoàng Yến