Bạn đọc viết:
Thương con như thế bằng mười hại con
(Dân trí) - Có những bà mẹ mới cho con đi học mầm non được vài ba buổi đầu, sau đó cho con ở nhà hẳn, mẹ sẵn sàng nghỉ việc để trông con vì thấy con đi học đáng thương quá nghĩ rằng “không ai chăm con bằng mẹ”...
Đọc bài viết “Buông tay để con đến trường, em nhé…” của tác giả Nguyễn Thùy trên báo Dân trí, tôi thấy thấp thoáng thấy bóng mình ở trong đó. Tôi cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh những ông bố, bà mẹ bịn rịn, níu kéo trong khoảnh khắc buổi đầu tiên của con trẻ đến trường.
Dù con gái tôi đã đi học mầm non được gần hai năm, nhưng mỗi khi nhìn những người mẹ lưu luyến con khi con bước vào cổng trường, trong lòng tôi lại nhớ về buổi đầu tiên đến trường của con gái nhỏ.
Mười tám tháng tuổi, con gái tôi phải rời vòng tay mẹ, phải tạm xa hơi ấm của mẹ để đến với người mẹ thứ hai là những cô giáo ở trường Mầm non. Con gái ngây thơ nhỏ bé chẳng biết gì vì mọi thứ ở trường Mầm non làm con hoa mắt. Con như lạc vào thế giới thần tiên, rồi con gái sà vào lòng cô như lăn vào lòng mẹ. Trong phút chốc mẹ rất ngỡ ngàng và cảm động trước vòng tay của cô giáo đón con trong buổi đầu đến lớp.
Quay lưng bước đi cùng bố con nhưng sống mũi mẹ cay sè vì mẹ biết từ giây phút này, con sẽ bước vào một thế giới khác. Thế giới không có mẹ nhưng con gái lại có nhiều thứ để con trân trọng, nâng niu và sẽ theo con gái mẹ suốt cuộc đời, thế giới của thầy cô, bạn bè, của đồ chơi…
Tôi đã cho con đến lớp trong buổi đầu tiên như thế. Nhẹ nhàng và thanh thản!
Được mẹ cho đi học sớm nên bây giờ con bé trở thành “lão làng” trong lớp. Bây giờ ngày ngày, con bé trở thành “trợ lí” của cô giáo. Trong lòng con gái nhỏ thật sự là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Vào đầu năm học này, tôi lại được chứng kiến không ít chuyện xoay quanh việc ngày đầu tiên đưa bé đến trường.
Bước ra khỏi cửa lớp, tôi nghe tiếng thút thít của một số người mẹ. Đến chân cầu thang, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì tiếng khóc của các chị mỗi lúc mỗi to hơn bất chấp những người xung quanh. Tưởng có chuyện gì xảy ra với con em chị, mọi người xúm lại hỏi thăm. Ai cũng bàng hoàng và tò mò muốn biết vì sao chị phụ huynh này lại khóc sướt mướt ở ngôi trường Mầm non của con như vậy.
Thấy mọi người vây quanh mình nhiều quá, chị này tạm dừng tiếng khóc nhưng ánh mắt của chị đỏ hoe, nước mắt giàn giụa cứ dõi theo cậu con trai trước cửa lớp Bé. Mọi người hiểu chuyện và liền tản đi.
Hình như cậu con trai nhận ra tiếng khóc của mẹ trong buổi đầu đưa mình đến lớp nên cũng “ăn vạ” và “làm mình làm mẩy” với cô giáo nơi một góc lớp. Ngày đầu đi học và tiếp theo những ngày sau đó, hình ảnh con khóc, mẹ khóc, con không chịu vào lớp vì bố mẹ cứ bịn rịn, lưu luyến mãi không dứt đã làm cho không khí lớp học trở nên nặng nề, cô giáo mệt mỏi, các bạn khác trong lớp khóc theo.
Một câu chuyện đáng bàn khác, có những người ông người bà, những ông bố bà mẹ vì quá yêu thương, cưng chiều cháu con mình mà mãi không cho đến trường đến lớp. Họ cho rằng ở trường đông đúc, một cô chăm bao nhiêu cháu sợ con em mình thiệt thòi nên họ đành để cháu, để con mình ở nhà ông bà, cha mẹ chăm ẵm, mặc dù những đứa con đứa cháu này đã đủ tuổi đến trường, thậm chí quá tuổi lên ba.
Hậu quả đáng lo nhất là những đứa bé này rất mè nheo, thiếu tính tự lập ngay từ nhỏ, thậm chí trở nên hư hỏng!
Còn có những bà mẹ mới cho con đi học được vài ba buổi đầu, sau đó cho con ở nhà hẳn, mẹ sẵn sàng nghỉ việc để trông con vì thấy con đi học đáng thương quá nghĩ rằng “không ai chăm con bằng mẹ”.
Con là do cha mẹ sinh ra, việc chăm sóc con là tình thương và trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ. Dân gian đã nói rằng: “Không ai yêu mẹ bằng con, không ai yêu con bằng mẹ”. Nhưng yêu thương con không đồng nghĩa với nuông chiều và bao bọc con thái quá. Có những lúc các bậc phụ huynh cần phải buông con ra, buông con đúng thời điểm lại càng tốt để con tự đứng trên đôi chân của mình càng sớm càng hay.
Cuộc sống ngoài kia muôn hình vạn trạng, muôn màu muôn sắc. Những bậc làm cha làm mẹ hãy trang bị cho con nhiều điều bổ ích hơn đúng như câu “dạy con từ thuở lên ba”.
Thanh Thanh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!