Bạn đọc viết:
Buông tay để con đến trường, em nhé…
(Dân trí) - Sáng qua em gái tôi đưa con đến lớp mầm non buổi đầu tiên trong năm học này. Dẫu ngày khai trường đã qua được hai tuần nhưng em chần chừ mãi mới quyết định cho con đến lớp.
Từ sáng sớm, em đã chộn rộn chuyện con đi học mẫu giáo, lo lắng bất an việc ăn, việc ngủ, việc chơi của cháu. Tôi đã cố khuyên nhủ và trấn an em rất nhiều nhưng dường như nỗi lo của một người mẹ trong em quá lớn đến mức em quên mất rằng con mình đã 4 tuổi và đây không phải là ngày đầu tiên đi học của cháu.
Mới 9h sáng, chuông điện thoại tôi lại reo. Đầu dây bên kia, em hối hả xin tôi số điện thoại của cô Loan, cô giáo phụ trách lớp của cháu vì sáng nay vội vã quá quên lưu số của cô. Tôi lục tìm trong danh bạ, hình như tôi đã xóa số của cô khi con tôi rời trường mầm non ấy mất rồi.
Em cuống quýt trong điện thoại không biết làm thế nào liên lạc với cô giáo. Chỉ đơn giản là hỏi thăm cô xem con trai mình có ổn không. Bởi sáng nay nghe tin đi học, cháu có “dọa nôn trớ” - như lời em kể. Lại một lần nữa tôi phải trấn an em, động viên em bỏ mặc việc con đi học cho cô giáo.
“Bỏ mặc” ở đây không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến việc ăn, ngủ, nghỉ, học của con. Nhưng sự quan tâm của chúng ta nên dừng ở một giới hạn nhất định, không làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ của cô giáo. Suốt một ngày xoay như chong chóng với mấy chục đứa trẻ, cô giáo đã mệt lử lắm rồi. Cô không có đủ thời gian để mỗi ngày nhận vài cuộc điện thoại của phụ huynh này phụ huynh kia chỉ để hỏi thăm xem cháu có nôn trớ hay không, cháu có ngủ trưa hay không…
“Bỏ mặc” con càng không phải là chúng ta không yêu thương con! Chỉ có điều là chúng ta đang thay đổi cách thức thương yêu con trẻ mà thôi. Ôm ấp, bao bọc, chở che cho con là bản năng của mỗi bố mẹ, đặc biệt lòng mẹ dạt dào yêu thương lại càng có xu hướng muốn bảo bọc con trong vòng tay mình mãi mãi.
Nhưng chúng ta không thể ôm con suốt đời, không thể làm thay con tất thảy mọi việc và lại càng không thể sống cuộc đời thay con. Con trẻ cần tự bước trên đôi chân mình, tự phục vụ những nhu cầu tối thiểu của bản thân như đói biết cầm thìa xúc cơm, khát biết lấy ly uống nước…
Con trẻ cần đến lớp đến trường để hòa vào môi trường sống của tập thể. Vẫn biết rằng không ai bằng mẹ chăm từng miếng ăn, ngụm nước, giấc ngủ cho con nhưng có những điều mẹ sẽ không dạy con được.
Đó là sự kết nối với bạn bè đồng trang lứa, là sự nhường nhịn và ứng xử cần thiết khi tranh giành đồ chơi, là tập làm quên với nề nếp xếp hàng, giữ trật tự, giữ vệ sinh, tính ngăn nắp, lễ phép…
Em còn nhớ không, năm ngoái, con trai em đi học lớp mẫu giáo nhỏ, em đã khóc um xùm lên vì nhớ, vì lo cho con. Tuần đầu tiên cháu đi học về, cháu lễ phép thưa gửi mọi người và ngạc nhiên nhất đối với em là cháu tự chạy đi tiểu rồi xối nước gọn gàng. Em xem đó là một bước ngoặc thay đổi lớn của con.
Vậy mà, học được dăm ba bữa em lại cho cháu ở nhà vì những lý do đầy huyễn hoặc của mình: con đi học bị ốm, sút cân, cộc tính, bị bạn ức hiếp… “Quả ngọt” từ lớp mẫu giáo chưa gặt được bao nhiêu thì đã bị dập tắt bởi tình yêu thương con quá giới hạn của em.
Năm nay, sau rất nhiều lời phân tích thiệt hơn của mọi người và cả sự đe nẹt của ông bà ngoại, em mới quyết định cho con đến lớp lại. Và buổi học đầu tiên đã um xùm lên thế đó. Nó sẽ còn rối tinh một thời gian ngắn nữa thôi và mọi chuyện sẽ đi vào quỹ đạo vốn có của nó.
Không đứa trẻ nào không thể đi học. Không đứa trẻ nào không thể rời vòng tay bố mẹ để đến trường. Hãy đặt niềm tin vào những cô giáo mầm non, tin rằng con sẽ ổn và tin vào sự kiên định, cứng rắn của một người mẹ!
Buông tay để con đến trường, em nhé…
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!