Thủ tướng dự lễ khai giảng của Học viện Quốc phòng
Học viện Quốc phòng cần tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đồng thời chủ động cung cấp các luận cứ khoa học cho chiến lược quốc phòng, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về các chủ chương, biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát biểu trước cán bộ, sỹ quan, học viên, chiến sỹ Học viện Quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, đất nước và nền kinh tế Việt Nam đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn. Đó là những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam; những thiệt hại to lớn về người và của do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; là sự chống phá của các thế lực thù địch, hành động xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân, đất nước đã vượt lên những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh, tăng cường đối ngoại.
Nhấn mạnh dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là quy luật có ý nghĩa sống còn của dân tộc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong tình hình mới, chúng ta phải thực hiện tốt mục tiêu cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước; xây dựng Đảng, Nhà nước vững mạnh; xác định nội lực là quyết định trong việc tăng cường sức mạnh quốc gia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; làm tốt công tác dự báo chiến lược; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, chủ động đối phó với các nguy cơ, thách thức về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
“Là một đất nước phải chịu đựng quá nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược; hơn ai hết Việt Nam luôn khát khao hòa bình - một nền hòa bình phải trên cơ sở độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ để xây dựng đất nước, cải thiện đời sống và chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Song hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có. Việt Nam phải mạnh lên về mọi mặt, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại - với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, keo sơn; có môi trường chính trị-xã hội ổn định; bảo đảm dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Học viện tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương mà đặc biệt là Nghị quyết của Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của học viện, đồng thời chủ động cung cấp các luận cứ khoa học cho chiến lược quốc phòng, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về các chủ chương, biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, đào tạo theo tinh thần nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục đổi mới về nội dung chương trình sát với đối tượng học viên và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đào tạo đội ngũ cán bộ cao cấp không những giỏi về quân sự mà còn là những nhà chiến lược trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh.
Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học. Tập trung đi sâu nghiên cứu, dự báo âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các hành động xâm phạm độc lập chủ quyền quốc gia, các âm mưu, diễn biến hòa bình, tác động chuyển hóa, bạo loạn lật đổ để đề xuất chủ trương, biện pháp phù hợp, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.