Thư ngỏ gửi Bộ trưởng GD-ĐT về sách tiếng Anh: Phản hồi của lãnh đạo Bộ

(Dân trí)-Từ một bức thư chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trên trang Facebook của một cựu sinh viên đi du lịch ở Nepal nói về việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam và đã có hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Vậy các chuyên gia về lĩnh vực này nói gì?

Theo lời tâm sự của cựu sinh viên tên Linh thì ở Nepal, để học sinh tiểu học hiểu English, nhớ English, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.

Trong khi đó, để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách Việt Nam soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt.

Bức thư của cựu sinh viên tên Linh gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trên trang Facebook cá nhân.

Bức thư của cựu sinh viên tên Linh gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trên trang Facebook cá nhân.

“Người Nepal soạn sách giáo khoa để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hóa hàng ngày của họ. Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda... Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn English vì nó gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào về đất nước họ.

Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về Việt Nam. Nhưng có bao giờ bác nhìn SGK English của người Việt để xem sách viết gì không? Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry...những cái tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown nhưng cái Hometown ấy là London. Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza…” - trích lời tâm sự của Linh trong bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Minh chứng cho những lời mình nói, Linh đã đăng tải hình ảnh sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh tiểu học của Việt Nam và Nepal lên trang Facebook cá nhân của mình.

Trao đổi với PV Dân trí xung quanh những chia sẻ trong bức thư này, nhiều giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học tâm sự: “Thật ra những hình ảnh mà em Linh đưa lên mạng là sách của năm học trước. Ở năm học này sách đã có những thay đổi và được điều chỉnh theo hướng tăng cường khả năng giao tiếp, độ khó cũng được tăng lên”.

Giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường tiểu học Tiền Phong (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết thêm: “Chương trình thí điểm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học từ lớp 3 được triển khai năm 2011, từ đó đến nay Bộ GD-ĐT đã 3 lần điều chỉnh sách dựa trên ý kiến đóng góp của giáo viên, phụ huynh, các chuyên gia. Sách năm 2014 đã được điều chỉnh tương đối là tốt, đảm bảo học sinh rèn được cả 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết”.

Đồng quan điểm này, cô Trần Thị Thúy - giáo viên dạy tiếng Anh lớp 3 Trường tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nộii) tâm sự: “Sách tiếng Anh năm học 2014-2015 đã có những cải tiến và thay đổi so với năm học trước. Hình ảnh minh họa cũng như kiến thức phong phú hơn”.

Nội dung sách tiếng Anh đã phong phú và đáp ứng được 
Nội dung sách tiếng Anh đã phong phú và đáp ứng được 4 kỹ năng cần thiết: Nghe, Nói, Đọc, Viết.

Cũng theo quan điểm của cô Thúy, nếu sách tiếng Anh có những cuộc đối thoại ngắn về con người, lịch sử của Việt Nam thì sẽ tốt hơn. Hiện tại sách vẫn theo khuôn mẫu của nước ngoài nên chưa có những nội dung này.

Không có bộ SGK nào là hoàn hảo!

Khi tiếp nhận phản ánh của PV Dân trí về sự xuất hiện bức thư tâm sự của Linh với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT qua mạng Facebook, lãnh đạo Bộ đã chuyển nội dung đến Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Sau khi xem xét, Ban đề án đã thẳng thắn cho biết: Không có bộ SGK nào là hoàn hảo vì cuộc sống và thực tiễn luôn luôn thay đổi mà một bộ SGK thì không thể thay đổi nhanh như cuộc sống. Những bộ SGK dạy tiếng do các NXB nổi tiếng biên soạn nếu không được biên soạn riêng hoặc điều chỉnh lại cho một nhóm người học, một nước học cụ thể thì cũng không tính hết được những yếu tố văn hoá, đất nước, con người, mục tiêu giáo dục…Cần phải khẳng định vai trò của người dạy là quyết định đến hiệu quả thành công của một bộ SGK nhất định. Sử dụng SGK hay tài liệu giảng dạy dù lệ thuộc hay dùng một cách sáng tạo đều phải đặt trên cơ sở năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm của giáo viên

Không có bộ SGK nào hoàn hảo!
Không có bộ SGK nào hoàn hảo!

Hiện nay, ở nước ta, bên cạnh bộ SGK tiếng Anh do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản và đang được sử dụng thí điểm theo kế hoạch của Đề án dạy và học ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, ở một số địa phương, trường học từ trước đây đã và đang sử dụng một số bộ SGK ngoại ngữ do các nhóm tác giả khác trong nước biên soạn và một số bộ SGK ngoại ngữ/tiếng Anh do các NXB nước ngoài biên soạn, xuất bản đã được chỉnh lý, biên tập để dùng cho Việt Nam.

Đây là kết quả của việc quán triệt thực hiện những chủ trương quan trọng của Chính phủ là: “Hoàn thành việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK ở phổ thông theo chương trình 10 năm và chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học cho các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học và giáo dục thường xuyên. Đồng thời triển khai việc lựa chọn, sử dụng một số chương trình, SGK, tài liệu dạy học ngoại ngữ của nuớc ngoài phù hợp với mục tiêu, yêu cầu dạy học ngoại ngữ ở Việt Nam”.

Chủ trương nêu trên của Chính phủ đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi đề các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực tham gia sâu rộng hơn nữa vào quá trình biên soạn SGK, đồng thời cũng tạo cơ hội cho nhà trường và đội ngũ giáo viên lựa chọn một bộ sách có chất lượng tốt nhất trong số các bộ sách đang đươc phép lưu hành trên thị trường SGK ở nước ta.
 
ảnh
Theo bà Vũ Thị Tú Anh (ảnh) - Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), Phó Trưởng ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, việc biên soạn mới SGK ngoại ngữ hoặc lựa chọn SGK ngoại ngữ của nước ngoài để chỉnh lý, biên tập dùng cho trường phổ thông Việt Nam đều theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương, đồng thời chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tăng cường giáo dục thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Đồng thời, cũng tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của việc biên soạn SGK ngoại ngữ, đảm bảo tiếp cận theo đường hướng giao tiếp hay dạy ngôn ngữ giao tiếp (Communicative Language Teaching) nhấn mạnh đến chức năng ngôn ngữ (language functions) chứ không tập trung vào việc dạy hệ thống kiến thức ngôn ngữ.
 
Bà Tú Anh cho biết, nội dung SGK ngoại ngữ hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 THPT, bao gồm hệ thống chủ điểm, chủ đề, không chỉ phản ánh đất nước, con người và văn hóa của các nước bản ngữ mà còn phản ánh đất nước, con người và văn hóa của cả Việt Nam nữa. Học sinh sau khi học xong chương trình ngoại ngữ có khả năng tiếp thu được tri thức, văn hóa của nước ngoài, đồng thời cũng có khả năng làm cho người nước ngoài hiểu được đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thông qua ngoại ngữ các em được học. Đây là yếu tố quan trọng và luôn luôn được đội ngũ tác giả Việt Nam quan tâm trong quá trình thiết kế các bài trong SGK tiếng Anh mới, hệ 10 năm.

“Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo triển khai thí điểm chương trình và SGK ngoại ngữ mới, trước mắt là tiếng Anh, nhằm xem xét tính khả thi của chúng. Trong quá trình triển khai thí điểm, Tập thể các tác giả SGK đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu xuất phát từ các góc độ, quan điểm đánh giá khác nhau của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp đó và khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện bộ SGK ngoại ngữ dùng cho học sinh Việt Nam” - bà Tú Anh nói.

Nguyễn Hùng