“Thủ lĩnh” 9X kể chuyện hội thảo “vấn đề nóng châu Á” ở ĐH Harvard
(Dân trí) - Đinh Nho Minh có mặt trong hội thảo quy tụ những học giả nổi tiếng, chính trị gia và sinh viên quốc tế ưu tú từ các trường ĐH top đầu thế giới để bàn về các chủ đề nóng bỏng của châu Á cũng như toàn cầu.
HPAIR - cơ hội quý cho người trẻ học hỏi
Harvard Project for Asia and International Relations (HPAIR - Dự án của Harvard về châu Á và Quan hệ quốc tế là một hội thảo được tổ chức bởi sinh viên của Khoa Arts and Science của Đại học Harvard, được tổ chức lần đầu năm 1991.
Hằng năm HPAIR tổ chức hội thảo hai lần tại Đại học Harvard và một nước ở Châu Á. Trong vòng 5 năm ngày, hội thảo cung cấp các buổi gặp mặt, tranh luận, nghiên cứu tình huống, giúp người tham gia có được những góc nhìn và bài học bổ ích nhất về tình hình thế giới hiện nay.
Đinh Nho Minh, hiện là sinh viên Đại học Tuft là một trong 4 người trẻ Viểt vinh dự có mặt trong HPAIR 2016. Chàng trai năng động này từng giữ các vị trí thủ lĩnh như: Phó Tổng Thư kí Chương trình Mô phỏng Liên Hợp Quốc dành cho học sinh Trung học Phổ thông (Little MUN 2015), Chủ tọa Hội đồng Khủng hoảng Lịch sử Chương trình Mô phỏng Liên Hợp Quốc (VYMUN 2014) và đại biểu của các chương trình "Oxford International Model United Nations 2014", "Yale - NUS Model ASEAN 2014", "Hanoi Model United Nations 2013"…
Minh cho biết, mặc dù mang tên là hội thảo Quan hệ Quốc tế, HPAIR thực ra bao gồm rất nhiều chủ đề. Năm nay HPAIR 2016 tại Harvard bao gồm Khởi nghiệp, Năng lượng và Phát triển bền vững, Quyền con người, Sức khỏe và Chính sách Công. Chàng trai Việt này nằm trong danh sách thảo luận về chủ đề An ninh và Ngoại giao (Security and Diplomacy).
Các diễn giả thú vị truyền cảm hứng
Cũng như mọi năm, hội thảo năm nay quy tụ rất nhiều diễn giả và khách mời nổi tiếng và có ảnh hưởng trên thế giới, như Phó Chủ tịch Quốc và Cựu Thủ tướng Jordan Samir Al-Rifa'i hoặc sáng lập Zipcar Robin Chase…
Họ đều cho những bài phát biểu rất có giá trị và truyền cảm hứng cho những người có mặt tại hội thảo từ giải quyết xung đột quốc tế, hợp tác phát triển bền vững đến khởi nghiệp và kinh doanh.
Đinh Nho Minh phát biểu tại HPAIR 2016.
“Bản thân trong nhóm chủ đề của mình, mình cũng được nghe nhiều câu chuyện thú vị của các diễn giả. Đầu tiên có cựu Đại sứ Mỹ tại Iran John Limbert. Mặc dù từng bị Iran giữ con tin hơn một năm trong vụ khủng hoảng con tin Iran, ông vẫn thuyết trình một cách rất thuyết phục tại sao Mỹ và Iran không nên đối đầu với nhau. Mình cũng càng ngạc nhiên khi đọc được tiểu sử của ông ấy và biết ông ấy đang có vợ là một người Iran.
Một diễn giả thú vị nữa là Mustafa Serkan Uygun, Đại úy của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù không thể có mặt tại hội thảo do căng thẳng gia tăng tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khiến ông phải trực tiếp ra khu vực để thị sát và chỉ huy, Đại úy Uygun vẫn gọi điện Skype về hội thảo để trực tiếp nói chuyện và trao đổi với các sinh viên về vấn đề nóng hổi trên thế giới hiện nay”, Minh kể.
Giải quyết tình huống một vụ bắn chìm tàu ở biển Đông thế nào?
9X Việt cho biết, vì ước mơ trở thành một nhà ngoại giao giỏi nên những phần tình huống về đối ngoại chủ quyền trong hội thảo khiến cậu thực sự ấn tượng. Cụ thể, tại HPAIR những người tham gia sẽ được chia ra thành các phái đoàn của các nước để giải quyết một vụ bắn chìm tàu ở biển Đông.
“Để có thể đạt được thỏa thuận về phương hướng giải quyết, các phái đoàn cần phải tìm hiểu kĩ những tài liệu đã có để hiểu được về quan điểm của nước mình cũng như nước đội bạn, đàm phán song phương với từng nước một rồi cuối cùng đàm phán đa phương với nhau.
Đây có lẽ là một hoạt động rất bổ ích nhằm giúp người tham gia hiểu thêm về quá trình, công tác đối ngoại, ngoại giao, học được và hiểu hơn về suy nghĩ và quan điểm của các nước khác, cũng như học được cách thuyết trình và tư duy phản biện”, Minh chia sẻ.
Bài học tạo dựng mối quan hệ
Một điểm thú vị và hết sức bổ ích khác của HPAIR là việc kết bạn, làm quen tạo quan hệ (networking). Đinh Nho Minh hào hứng: “Không chỉ có thể network với những bạn cùng ngành khác, người tham gia còn có thể network cả với diễn giả và khách mời.
Tuy nhiên để có thể gây ấn tượng với khách mời và xin được liên lạc thì bạn cần phải có khả năng giới thiệu bản thân tốt, cũng như có thể đưa ra được những luận điểm xuất sắc trong phiên họp.
Ở đây mình cũng may mắn làm quen được với một khách mời hiện đang làm Cao học về Quan hệ Quốc tế của trường mình (Fletcher Tufts School of Law and Diplomacy).
Càng thú vị hơn nữa khi sau khi được vị khách này trả lời mail của mình, anh ấy lại gặp mình và nhận ra mình ngay ở gym. Việc tạo dựng quan hệ có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng để giúp bạn có thể tìm kiếm những cơ hội tốt sau này, học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích cũng như được truyền cảm hứng”.
Bật mí về cơ hội để các bạn trẻ có thể đến HPAIR, Minh khẳng định: “Để đăng kí tham gia chương trình, học sinh sinh viên cần chú ý thường xuyên cập nhật Facebook của HPAIR để chờ đơn, viết các bài luận trả lời nguyện vọng cũng như góc nhìn của mình về các vấn đề trên thế giới, và cuối cùng là phỏng vấn online với ban tổ chức.
Mình nghĩ đây là một cơ hội rất thiết thực và có giá trị dành cho những ai muốn mở rộng tầm mắt, học hỏi được thêm nhiều điều mới cũng tạo dựng mối quan hệ cho sau này”.
Lệ Thu (ghi)