Thủ khoa từng nhận điểm 1 môn Toán và bí quyết vượt qua khi "mất gốc"

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Vũ Gia Khoa trở thành thủ khoa khối A1, trường THPT Thăng Long và thủ khoa khối ngành Sư phạm Toán và Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN.

Khoa giành được 28,25 điểm với lần lượt các môn: Toán 9, Lý 9,25 và Anh 10. Nhìn thành tích đáng nể này, ít ai biết chàng trai thủ khoa sinh năm 2003 từng có thời gian không thể giải các bài tập Toán đơn giản, kiểm tra Toán trên lớp chỉ được 1 điểm.

Nhận ra cần thay đổi sau điểm 1 môn toán

Khoa nhớ như in, đó là giai đoạn đầu khi em mới bước vào lớp 10. Trước đây, những ngày học THCS, em đều đặn duy trì thành tích khá với môn Toán. Tuy nhiên, sau kỳ thi lên lớp 10, Khoa có tâm lý "nghỉ xả hơi" nên mải chơi, chểnh mảng học hành. Tới giờ kiểm tra 45', em không thể làm ngay cả các câu đơn giản và nhận điểm 1. "Em thấy sốc khi biết điểm. Ngay lúc đó, em nghĩ mình phải tìm cách thay đổi", Khoa nói.

Cậu học sinh sau đó chăm học hơn, tự mình học lại các kiến thức còn chưa nắm vững. Những bài kiểm tra tiếp theo của Khoa bởi thế đã ổn hơn. Nhưng, do suy nghĩ "cố gắng một chút như vậy đã được rồi", Khoa lại tiếp tục chủ quan, lười học. Hệ quả là thành tích đi xuống, khiến em từ việc chắc chắn xuống suýt mất danh hiệu Học sinh giỏi năm lớp 10.

Khoa nhận ra, bản thân không thể tiếp tục chểnh mảng, vì năng lực của em có thể khá hơn. Do vậy, từ khi lên lớp 11, em quyết tâm "chăm học thực sự" và tới lớp 12 là "rất chăm học".

Thủ khoa từng nhận điểm 1 môn Toán và bí quyết vượt qua khi mất gốc - 1
Em Vũ Gia Khoa, thủ khoa khối A1, trường THPT Thăng Long; thủ khoa khối ngành Sư phạm Toán và Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021 (Ảnh: N.Liên).

Theo Khoa, khi đã bị mất gốc kiến thức mà muốn vượt lên, cách tốt nhất là có ý thức tự học, chịu khó học lại từ đầu, học dần dần để lấy cái gốc. Không nên học kiểu bộp chộp, chỉ học "trên ngọn", tức là chỉ cố thuộc cách giải các dạng bài nâng cao. Cần chấp nhận bản thân có thể bị chậm một chút so với bạn bè, nhưng nhất định phải có được kiến thức nền tảng.

"Quan trọng nhất không phải là làm được bài khó, mà là nghĩ được những câu cơ bản, làm thẳng được câu cơ bản một cách chắc nhất. Câu khó sẽ từ những câu cơ bản mà tìm ra được hướng xử lý. Ngày xưa, em nghĩ không phải ai cũng làm được câu khó, nhưng thật ra là ai cũng làm được, nếu như bạn nắm chắc kiến thức nền tảng", Khoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, điều không thể thiếu là sự chăm chỉ, tập trung. Khi chăm chỉ ôn luyện, bạn có thể dần dần "quen tay" trong việc xử lý cả câu dễ và câu khó; bất cứ dạng bài mới nào cũng có thể tìm cách tư duy, giải quyết.

Khoa tâm sự, động lực để em có thể bắt đầu lại và nhanh chóng lấy lại cái gốc của môn Toán chính là suy nghĩ "bản thân phải thay đổi". Đặc biệt, em có sự đốc thúc, đồng hành từ nhóm bạn của mình, đều là những bạn rất chăm học.

Bí quyết ôn thi giai đoạn nước rút

2 tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT là giai đoạn ôn thi "nước rút" của Khoa. Em dành toàn bộ thời gian này để tập trung tối đa cho việc ôn luyện.

Khoa kể, những ngày ấy, em cứ mở mắt dậy là học, tới cuối ngày khi đóng sách lại sẽ ngủ. Việc luyện đề Toán, Lý, Anh đã trở thành thói quen mỗi ngày. Tuy nhiên, Khoa không học theo kiểu "quên ăn, quên ngủ" mà sắp xếp thời gian, chia khung giờ học một cách hợp lý. Em thường dậy lúc 6h sáng, tới 23h sẽ đi ngủ. Khoa chưa từng thức đêm trong suốt giai đoạn ôn thi mà tự đặt ra nguyên tắc: đúng 23h sẽ dừng hẳn mọi việc để ngủ.

"Nếu học thêm một vài tiếng nữa mà vẫn giữ được sức khỏe thì cũng có thể thức thêm. Nhưng thực tế, em thấy thức khuya liên tục không tốt cho sức khỏe, não bộ và ngày hôm sau sẽ rất uể oải, mệt mỏi. Em nghĩ thà cố gắng tập trung trong khoảng thời gian mình có, còn hơn xao nhãng, làm dàn trải suốt cả một ngày rồi không thực sự làm được gì cả", Khoa nói.

Do ngày thi sẽ chia các khung giờ thi trong buổi sáng và chiều nên khi học tại nhà, Khoa thường ôn luyện theo đúng khung giờ thi thực. "Ví dụ, sáng thi toán thì em sẽ ôn tập vào đúng giờ ấy. Em cũng giải đề theo thời gian thi, như thi toán chỉ trong 1,5 tiếng thì sẽ luyện đề trong khung giờ như vậy. Với các môn Lý, Anh, em cũng ôn luyện và giải đề theo cách tương tự. Một ngày, em thường làm khoảng 3 đề Lý, 2 đề Anh và 1-2 đề Toán", Khoa chia sẻ.

Không khác nhiều với việc ôn luyện Toán, bí quyết ôn Lý của Khoa cũng là bắt đầu ôn từ kiến thức cơ bản, học vững từ "gốc". Với môn Anh, trước tiên, em tập trung học lại toàn bộ lý thuyết phổ thông để không bị nhầm ngữ pháp. Sau đó, mỗi ngày đều đọc một bài đọc bất kỳ, nghe các đoạn hội thoại, xem phim tiếng Anh để luyện từ vựng, dần dần sẽ quen các cú pháp và không bị sai khi làm đề.

Theo chàng thủ khoa, việc sắp xếp thời gian, cân đối giữa 3 môn học khá quan trọng. Đặc biệt, với môn bản thân học yếu hơn, cần dành thời gian ôn tập nhiều hơn để cân bằng. Đó là lý do em luôn giải đề Lý nhiều hơn các đề khác.

Thủ khoa từng nhận điểm 1 môn Toán và bí quyết vượt qua khi mất gốc - 2
Vũ Gia Khoa cùng các thầy giáo và các bạn thủ khoa khác trong buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm ôn tập cho học sinh khóa dưới (Ảnh: N.Liên)

Một số học sinh trong giai đoạn ôn thi thường rơi vào tình trạng mất tập trung, học cả ngày nhưng không hiệu quả, Khoa cho rằng cách tốt nhất để có sự tập trung là cố gắng xây dựng từ từ. Theo đó, trước khi bắt đầu bước vào luyện đề, cần xây dựng ý thức tự học, ôn tập theo từng chuyên đề ngắn trước, tập trung trong khoảng thời gian ngắn trước, ví dụ chỉ khoảng 20 phút, rồi mới tăng dần. Sau đó, cố gắng xây dựng sự tập trung trong cả thời gian làm đề.

Bên cạnh đó, nên tìm không gian mà bản thân có thể tập trung nhất. Ví dụ với Khoa, không gian lý tưởng là trong phòng riêng, đóng kín cửa phòng, không có tiếng ồn. Đặc biệt, nên để điện thoại ra xa khi học để tránh tin nhắn, cuộc gọi, thông báo từ điện thoại làm mất tập trung.

Về việc sinh hoạt trong giai đoạn "nước rút", ngoài việc ngủ đủ giấc, Khoa cho biết em luôn chú ý không bỏ bữa, nhưng cũng không ăn quá no bởi sẽ dễ buồn ngủ. Giữa thời gian học các môn, em đều ra dành thời gian ngắn để nghỉ ngơi.

Giữ tâm lý bình tĩnh khi vào phòng thi

Dù đã chuẩn bị thật kỹ các kiến thức trong suốt giai đoạn ôn tập tại nhà, nhưng khi chính thức bước vào kỳ thi, Khoa vẫn có thời điểm gặp vấn đề tâm lý, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước khi làm bài.

Môn Toán thi đầu tiên, do lo lắng, Khoa đã bị rối dẫn đến làm sai một số câu đơn giản, trong khi về nhà, nhìn lại đề có thể nghĩ ngay được đáp án. Điều này khiến em rất tiếc. "Với 2 môn thi sau, tinh thần em đã thoải mái hơn nên kết quả rất tốt. Em rút ra bài học là phải giữ tâm lý bình tĩnh, không thể vội vàng", Khoa nói. Em cũng chia sẻ, chính việc làm đề ở nhà theo khung giờ thi thực đã giúp em dễ dàng bắt nhịp trong kỳ thi chính thức.

Nhìn lại quãng hành trình từ "mất gốc", không thể làm được những câu đơn giản trong giờ kiểm tra toán trên lớp, tới trở thành thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT, Khoa tâm sự, em cảm thấy rất kỳ diệu. Điều này ngoài nhờ may mắn, cũng do chính sự quyết tâm, nỗ lực trong thời gian dài.

Lời khuyên của Khoa cho các bạn học sinh khóa dưới là cố gắng học và ôn tập càng sớm càng tốt, học thật chăm, không cần "ôn ngày đêm" nhưng nên tập trung, học hết mình. Lúc đó, việc học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhiều cơ hội sẽ đến. Với cách luyện thi cấp tốc, chỉ học dồn trong giai đoạn ngắn trước kỳ thi, Khoa cho rằng đây là phương pháp không hiệu quả.

"Em nghĩ học "xổi" như vậy sẽ khó đạt kết quả cao. Thứ hai, việc học không chỉ là để có điểm, mà còn giúp tư duy tốt, phát triển kỹ năng và cách nghĩ. Ôn thi kiểu "ăn xổi" không để lại gì cả, khi thi xong sẽ quên luôn. Nhưng nếu ôn luyện theo cách từ từ, hiểu sâu, thậm chí thi xong em vẫn nhớ những cách tư duy, cách giải quyết vấn đề và vẫn sử dụng được ngay cả khi lên đại học", Khoa nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm