Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Huế giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus

Lệ Thu

(Dân trí) - Tốt nghiệp Thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh, Nguyễn Châu Bảo Nhi mạnh dạn nghỉ việc, xuất sắc chinh phục thành công suất học bổng toàn phần hơn 1,3 tỷ đồng để du học thạc sĩ ở 3 nước Anh, Malta và Estonia…

Bảo Nhi sinh năm 1997, em là Thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế với điểm tổng kết 3.88/4.

Cô gái tài năng từng giành Học bổng toàn phần SHARE cho một kỳ trao đổi tại Đại học Groningen, Hà Lan; Học bổng toàn phần cho khóa học ngắn hạn Development Studies được tài trợ bởi tổ chức Na Uy Kultustudier và Đại học Oslo Metropolitan cùng các danh hiệu và giải thưởng dành cho thành tích học tập xuất sắc bậc Đại học.

Tốt nghiệp thủ khoa, Bảo Nhi được giữ làm giảng viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), nhưng em quyết định từ bỏ vị trí này để chuyển hướng theo đuổi ngành giáo dục bền vững nhằm giúp người yếu thế - một lĩnh vực chưa có nhiều chuyên môn.

Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Huế giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus - 1

Bẳo Nhi (giữa) - Thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế với điểm tổng kết 3.88/4

Cô gái Huế vừa xuất sắc nhận học bổng toàn phần bậc thạc sĩ Erasmus Mundus trị giá hơn 1.3 tỷ đồng cho 2 năm học ở 3 nước: Anh, Malta và Estonia; theo học chương trình Giáo dục cho người lớn để thay đổi xã hội (Adult Education for Social change).

Cùng PV Dân trí tìm hiểu về hành chinh chinh phục học bổng mơ ước của Bảo Nhi:

Giáo dục cho người lớn để thay đổi xã hội

PV: Tại sao em quyết định du học thạc sĩ ở châu Âu và tại sao lại là học bổng Emus Mundus?

Nguyễn Châu Bảo Nhi: Học thạc sĩ ở Châu Âu đã trở thành mục tiêu của em từ năm 2018, sau khi em kết thúc chương trình trao đổi ở Hà Lan và quay về Việt Nam.

May mắn được trải nghiệm cả đại học Việt Nam và Châu Âu khi còn đang là sinh viên năm 3, em bắt đầu chú ý về những điểm khác biệt trong cách giáo dục của hai nền văn hóa.

Do đó, em đã lên kế hoạch tìm kiếm một cơ hội nữa để tiếp xúc lâu và sâu hơn với môi trường học thuật ở châu Âu, đồng thời khám phá, phát triển bản thân ở vùng đất đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít thử thách này. Bên cạnh đó, em có những người bạn tốt ở Châu Âu và họ cũng là một lý do nữa khiến em muốn quay lại.

Về học bổng Erasmus Mundus (EM), em nhận thấy đây là học bổng phù hợp với năng lực, nhu cầu và định hướng tương lai của bản thân: Học bổng không yêu cầu kinh nghiệm làm việc nên phù hợp với sinh viên mới ra trường như em; học bổng này không có các ràng buộc dành cho sinh viên sau khi tốt nghiêp; và đây cũng là học bổng rất hào phóng, giúp em có thể học tập và khám phá châu Âu mà không phải thấy áp lực về mặt kinh tế.

- Cảm hứng, động lực nào khiến Nhi rẽ hướng từ ngôn ngữ sang một chuyên ngành về lĩnh vực Phát triển?

Chuyên môn và tất cả các thành tích trước đây của em thuộc về ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng những trải nghiệm ở châu Âu làm em quan tâm hơn về lĩnh vực Phát triển.

Vì sao Việt Nam được xếp là nước “đang phát triển” còn những nước Châu Âu em đi qua là nước “phát triển”? Nếu “phát triển” thì cần phải làm gì để “phát triển bền vững”? Những câu hỏi đó vừa khơi gợi sự tò mò thích thú, vừa trở thành động lực để em theo đuổi ngành học mới, cộng với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng mà em đang sống.

Tất nhiên, đạt học bổng toàn phần thạc sĩ đã không dễ dàng, đạt học bổng khi apply một ngành học mới toanh lại càng khó khăn cho em hơn.

Nhưng việc xác định mục tiêu săn học bổng thạc sĩ từ khá sớm giúp em có thời gian để xây dựng hồ sơ, cũng như củng cố kiến thức và tư tưởng của mình.

Em đăng ký các khóa học online, tham gia các khóa học ngắn hạn để lấy tín chỉ ngành Phát triển, cố gắng mở rộng mạng lưới quan hệ với các học giả trong lĩnh vực...

Đó là cách em chứng minh cho ban xét duyệt học bổng thấy rằng em đã có sự chuẩn bị nghiêm túc và sẵn sàng theo đuổi ngành học mới. Bởi, đam mê thôi là chưa đủ, mà mình phải thực sự hành động và nỗ lực không ngừng.

Tháng 11/2019, em may mắn được nhận vào làm Giảng viên tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Trở thành một giảng viên, em nhận thức rõ hơn vai trò của giáo dục trong việc đào tạo con người, không chỉ về kiến thức mà còn về tư tưởng, tư duy.

Và em tin rằng, giáo dục là cốt lõi của phát triển xã hội. Từ đó, gắn liền giáo dục với các mục tiêu của phát triển xã hội trở thành định hướng học tập và nghiên cứu của em.

Đó là lý do vì sao em chọn chương trình Giáo dục cho người lớn để thay đổi xã hội là chuyên ngành bậc thạc sĩ của em.

- Từ bỏ công việc giảng viên ổn định hiện tại để theo đuổi niềm đam mê em có được gia đình ủng hộ không?

Có một thời gian, chính bản thân em cũng thấy chênh vênh và không chắc chắn khi lựa chọn theo đuổi một lĩnh vực mới, tạm gác lại công việc ở trường Đại học.

May mắn là bố mẹ em luôn tin tưởng em đủ vững vàng và trách nhiệm khi đưa ra các quyết định cho bản thân, nên bố mẹ đã ủng hộ và động viên em trong suốt quá trình em nộp hồ sơ và đợi kết quả học bổng.

Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Huế giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus - 2

Cô gái Việt ghé đến Porto, Bồ Đào Nha.

Nữ Thủ khoa hiếm khi "cày bừa"  học hành

- Em có thể chia sẻ việc học tập của mình những năm tháng đại học? Bí quyết và phương pháp học tập để đạt Thủ khoa đại học của em?

Thật ra em nghĩ nhiều người không biết nhiều về em sẽ thấy ngạc nhiên khi em đạt Thủ khoa tốt nghiệp (cười). Nhiều người, kể cả bố mẹ em nữa, hiếm khi thấy em “cày bừa” học hành, chỉ biết em thích đàn hát và đi du lịch thường xuyên.

Với em, dành bao nhiêu thời gian để học không quan trọng, quan trọng là lựa chọn chiến lược học phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Ở trên lớp, em chú ý nghe giảng để ghi lại các từ khóa, ý chính của bài.

Khi xem lại các bài học, những từ khóa, ý chính đó giúp em xác định được các nội dung quan trọng cần phải lưu ý, sau đó, liên kết các nội dung đó với nhau sẽ giúp em hiểu được cả bài học một cách rõ ràng, logic và không lan man, vừa không mất nhiều thời gian lại tránh được tình trạng học vẹt chứ không thật sự hiểu.

Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Huế giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus - 3

Bảo Nhi (áo vest hồng) tại sự kiện EM Sharing của nhóm học giả Erasmus Mundus tại Đà Nẵng.

- Ngoài giờ học, em tham gia các hoạt động nghiên cứu/ ngoại khoá nào khác?

Trong thời gian tham gia một khóa học ngắn hạn về ngành Phát triển, em có cơ hội thực hiện một dự án nghiên cứu cộng đồng cùng một số bạn nước ngoài, đề tài liên quan đến Bình đẳng giới trong gia đình tại một bản làng của người Cơ Tu.

Sau khi phỏng vấn nhiều hộ dân, kết quả nhóm em tổng hợp được khá thú vị: đa số người được phỏng vấn đều khẳng định rằng trong gia đình họ, đàn ông và phụ nữ bình đẳng với nhau, vai trò và vị trí của vợ và chồng là ngang nhau, chồng san sẻ công việc nhà với vợ.

Nhưng khi nhóm em đặt câu hỏi là hàng ngày chồng làm gì và vợ làm gì, thì một số người lại trả lời rằng chồng ban ngày đi làm, tối về tụ tập với bạn; còn vợ thì ở nhà dệt vải, chăm con và làm việc nhà. Các câu trả lời khá mâu thuẫn khiến nhóm em phải suy nghĩ và bàn luận nhiều.

Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Huế giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus - 4

Nhi trong chuyến đi đến thành phố Nice, Pháp.

Tư duy phản biện để có cái nhìn đa chiều

- Em có thể chia sẻ nội dung bài luận chính của mình?

Bố cục bài luận của em khá cơ bản, gồm 3 phần chính: Động lực đi học - Chứng minh năng lực bản thân - Định hướng nghiên cứu và nghề nghiệp.

Theo em, đa số các bài luận trong hồ sơ xin học bổng thường tập trung giải quyết hai câu hỏi chính: vì sao mình chọn ngành/học bổng này và vì sao ngành/ học bổng này nên chọn mình.

Ngoài ra, em chỉ ra mối liên kết giữa ngành học trước đây về Ngôn ngữ và ngành học mới về Giáo dục và Phát triển xã hội: Con người cần được trau dồi tư duy phản biện để có thể có cái nhìn đa chiều, nhận thức được cái tốt cần phát huy và cái không tốt để khắc phục, từ đó có ý thức đấu tranh bảo vệ cho lẽ phải, công bằng xã hội.

Trong quá trình học Ngôn ngữ, em nhận thấy tư duy phản biện có thể được cải thiện thông qua việc rèn luyện khả năng tranh luận - hùng biện và viết văn nghị luận. Từ đó, em nêu ra đề tài nghiên cứu mà em quan tâm là giáo dục tư duy phản biện cho người lớn thông qua chương trình dạy các kỹ năng ngôn ngữ.

- Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trẻ cũng muốn giành học bổng du học thạc sĩ châu Âu, em sẽ nói gì từ kinh nghiệm của bản thân?

Theo em, điểm mấu chốt là phải cân nhắc các điểm mạnh yếu của bản thân, hiểu rõ bản thân mình muốn gì, cần gì, sau đó lựa chọn loại học bổng, phương án, chiến lược chuẩn bị hồ sơ phù hợp. Bước này nên bắt đầu từ sớm để mình có thời gian xây dựng hồ sơ, củng cố kiến thức và các kỹ năng.

Bên cạnh đó, tận dụng các tài liệu có sẵn trên mạng, tham khảo kinh nghiệm của các anh chị đã thành công trước đấy cũng sẽ rất có ích khi bắt tay làm hồ sơ.

Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Huế giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus - 5

- Ước mơ lớn nhất và dự định sắp tới của em là gì?

Mục tiêu lâu dài của em là làm việc trong lĩnh vực Giáo dục và Phát triển. Hiện nay em đã có tìm hiểu và nhắm đến một số vị trí công việc trong lĩnh vực này cả ở trong và ngoài nước.

Em không đặt nặng việc ở lại châu Âu hay về Việt Nam làm việc, vì dù có ở đâu, em vẫn sẽ theo đuổi giá trị cốt lõi: giáo dục con người để phát triển xã hội.

Thời gian tới học ở châu Âu, ngoài việc học trên trường, em sẽ cố gắng tìm các cơ hội thực tập, tham gia một số dự án nghiên cứu và mở rộng thêm các mối quan hệ. Hiện tại, em rất hào hứng và đã sẵn sàng để bắt đầu hành trình mới ở châu Âu.

Cảm ơn Bảo Nhi, chúc em thành công với đam mê!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm