Quảng Bình:

Thiếu phòng học, cô trò phải “tá túc” ở nhà văn hóa thôn

(Dân trí) - Đã nhiều năm nay, bậc học mầm non tại địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) luôn rơi vào tình trạng thiếu phòng học nghiêm trọng. Điều này đã khiến cho học sinh và giáo viên phải mượn các nhà văn hóa trên địa bàn để dạy và học.

Gian nan vì cơ sở vật chất

Từ điểm trường chính tại trung tâm xã Phúc Trạch, vượt hơn 7km trên những con đường đất đỏ nham nhở, cô Nguyễn Thị Khuyên, cán bộ Y tế trường Mầm non Phúc Trạch dẫn chúng tôi đến với điểm trường thôn 3 Phúc Khê, một trong những điểm trường khó khăn nhất của toàn xã.

Toàn cảnh các điểm trường Mầm non Phúc Trạch mượn nhà văn hoá thôn để dạy và học

Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà văn hóa cũ kỹ, xuống cấp. Bên trong nhà văn hóa rộng chừng 80 m2, được ngăn đôi bởi những vách ngăn bằng giấy đơn giản, đó là 2 phòng học dành cho các cháu mầm non của điểm trường mầm non thôn 3 Phúc Khê.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hương, một giáo viên phụ trách giảng dạy tại đây cho biết: “Điểm trường này có tất cả 63 em học sinh, chia thành 2 lớp mẫu giáo lớn và bé, lại thêm các chồng bàn ghế, mũ nón, giày dép của các em học sinh trong lớp khiến cho phòng học thêm chật chội, bí bách hơn. Thiếu không gian học tập, những ngày nắng nóng như thế này rất nóng bức, vách ngăn giữa hai lớp lại tạm bợ, nên nhiều lúc bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn lớp bên cạnh”.

Thiếu phòng học nên các em học sinh mầm non tại xã Phúc Trạch phải học nhờ ở nhà văn hoá thôn
Thiếu phòng học nên các em học sinh mầm non tại xã Phúc Trạch phải học nhờ ở nhà văn hoá thôn

Vì phải học tại nhà văn hóa thôn, thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất nên môi trường cho trẻ hoạt động vui chơi dường như không có. Sát bên nhà văn hóa lại là nhà để xe phục vụ tang lễ của thôn, nơi để phương tiện là chiếc xe tang cùng các đồ dùng phục vụ tang lễ, chỗ này cũng là nơi vui chơi của các cháu mỗi lúc được nghỉ giải lao. Vì xung quanh khuôn viên trường, không có gì “đặc biệt” hơn.

Từ đây, đi thêm 3km, chúng tôi đến với điểm trường thôn 2 Phúc Khê, tại đây cũng không có gì khá hơn điểm trường trước, trụ sở thôn, nơi dành cho những cuộc họp làng trở thành những trường mầm non “bất đắc dĩ”.

“Khổ lắm các chú à, mỗi khi người dân tổ chức họp làng là các em học sinh buộc phải nghỉ học chứ không còn chỗ nào khác để dạy học được. Họp làng xong, thì các cô giáo phải mất vài tiếng đồng hồ dọn dẹp lại phòng, sắp xếp lại dụng cụ học tập, nước sạch cũng không có nên đành phải xách nhờ ở các nhà dân”, cô Hoàng Thị Hiền, giáo viên phụ trách điểm trường này than thở.

Cách đó không xa là điểm trường Mầm non thôn 1 Phúc Khê, tại điểm trường này có một phòng học chừng 30 mét vuông đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên cũng rơi vào thảm cảnh xuống cấp trầm trọng. Hàng ngày, 31 cháu mầm non lớp lớn học tập trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt. Sát bên phòng học này là nhà văn hóa thôn, cũng đã được ban giám hiệu nhà trường “mượn vô thời hạn” để đào tạo 33 cháu lớp mẫu giáo nhỡ.

Và cũng theo quan sát của phóng viên, tại các điểm trường học đang nhờ tại nhà văn hóa thôn hầu hết đều không có nhà vệ sinh, có chăng nữa thì cũng chỉ là nhà vệ sinh “kiểu mẫu” tại các vùng quê nghèo, một hố sâu cùng tấm bạt được giăng kín 4 phía.

Cần lắm những phòng học kiên cố

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch cho biết thực trạng trên đã có từ nhiều năm nay. “Việc để các cháu mầm non phải học tập tại các nhà văn hóa thôn là do cơ sở vật chất thiếu thốn. Biết là khó khăn như vậy nhưng thực tế xã không còn nguồn ngân sách nào khác để đầu tư xây mới các điểm trường mầm non phục vụ cho chất lượng giáo dục tại địa phương”, ông Lương phân trần.

Việc thiếu thốn phòng học cũng như điều kiện cơ sở vật chất đang phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cấp học mầm non tại địa bàn xã Phúc Trạch. Học tại các nhà văn hóa thôn không thể đảm bảo về diện tích, ánh sáng, cũng như không có cả không gian sinh hoạt ngoài trời cho các cháu.

Phải học trong nhà văn hoá thôn với sự thiếu thốn trăm bề đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của bậc Mầm non tại xã nghèo Phúc Trạch
Phải học trong nhà văn hoá thôn với sự thiếu thốn trăm bề đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của bậc Mầm non tại xã nghèo Phúc Trạch

Bên cạnh đó, học tại các nhà văn hóa thôn sẽ không có bếp ăn, nên các cháu không được ở bán trú, thậm chí không có nhà vệ sinh, điều này hết sức thiệt thòi cho các cháu cũng như chưa tạo được môi trường tốt để cho trẻ vui chơi, hoạt động.

Cô Phan Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phúc Trạch cho biết, vì không thể đáp ứng được nhu cầu về phòng học để học tập trung nên trường buộc phải chia làm 6 điểm để phục vụ công tác giảng dạy. “Toàn trường hiện có tất cả 30 giáo viên và hơn 640 học sinh. Nhưng trong số đó có có đến 30% đang phải học nhờ tại các nhà văn hoá trên địa bàn, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, các điểm trường lại nằm xa nhau nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy”, cô Hạnh trăn trở.

Khó khăn chồng chất khó khăn, cấp học mầm non tại xã Phúc Trạch đang rất cần sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, đảm bảo chất lượng giảng dạy, để các cháu học sinh trên đại bàn xã nghèo này được học tập trong một môi trường đảm bảo, đúng chuẩn hơn.

Tiến Thành - Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm