Cần Thơ:
Thiếu kinh phí: Trở ngại lớn để các TTHTCĐ hoạt động
(Dân trí) - TP Cần Thơ hiện có 100% đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số Trung tâm hoạt động chưa có hiệu quả do còn gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ nhận định, với tư cách là “nhà trường nhân dân”, rất nhiều TTHTCĐ đã tích cực thúc đẩy các cuộc vận động trong nhân dân như xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết làm kinh tế giỏi, xây dựng xã hội học tập… đã tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người. Nhiều Trung tâm đã giúp cho người lao động được học nghề, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.
Đánh giá chung về hoạt động của các TTHTCĐ trong năm 2012, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết, có 46/85 Trung tâm hoạt động tốt và ổn định (tỷ lệ 54,11%, tăng 32 trung tâm so với năm 2011), 33/85 Trung tâm hoạt động khá và 5/85 Trung tâm hoạt động trung bình.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cũng nhìn nhận, trong quá trình hoạt động, một số TTHTCĐ hoạt động chưa có hiệu quả, nội dung và hình thức tổ chức cho người lao động học tập còn nghèo nàn. Việc phối hợp giữa ban, ngành đoàn thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Trung tâm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số ít địa phương nhận thức của các cấp quản lý, nhận thức của một bộ phận nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế. Việc cử giáo viên Tiểu học, THCS làm việc ở các Trung tâm chưa đều khắp, còn 16/85 Trung tâm chưa có giáo viên. Nhiều Trung tâm được thành lập nhưng chưa có cơ sở vật chất riêng và kinh phí hoạt động còn thiếu, đây là một trong những trở ngại lớn trong quá trình hoạt động.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, nguyên nhân còn những khó khăn, trở ngại nêu trên là do nguồn lực để tổ chức và duy trì hoạt động của các Trung tâm còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào ngành giáo dục, Hội Khuyến học, chính quyền địa phương và “sự nhiệt tình của Ban lãnh đạo Trung tâm”. Ngoài ra, do chưa có cơ chế phối hợp, phân rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên nhiều ngành, nhiều tổ chức xã hội chưa có trách nhiệm hỗ trợ cho các Trung tâm hoạt động.
Trong công tác hoạt động năm 2013, Sở GD-ĐT TP cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các các TTHTCĐ hoạt động theo hướng bền vững, linh hoạt và hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân “cần gì học nấy”, học thường xuyên, học suốt đời.
Để các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả hơn, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để mọi người dân hiểu rõ sự cần thiết tham gia học tập tại TTHTCĐ. Trong đó, các ban ngành đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ, tranh thủ được các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách địa phương để các Trung tâm có thêm kinh phí hoạt động.
Đại diện lãnh đạo TTHTCĐ phường Phước Thới (quận Ô Môn) cho rằng, cần phải xác định khâu điều tra khảo sát nhu cầu học tập trong cộng đồng dân cư là rất cần thiết vì từ đây có thể tìm ra hướng phát triển kinh tế đời sống của người dân. Bên cạnh đó, nên đa dạng hóa hình thức học tập, tạo môi trường gần gũi, thân thiện với đời thường của người dân mới có thể thu hút họ đến tham gia học tập.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho hay, Sở sẽ có kiến nghị cơ quan cấp trên tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trụ sở hoạt động và kinh phí hoạt động. Trước mắt ưu tiên đầu tư các Trung tâm hoạt động tốt, mô hình hoạt động hiệu quả, các Trung tâm khu vực nông thôn, gắn hoạt động TTHTCĐ với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sở cũng đề nghị Bộ GD-ĐT có công văn liên bộ thực hiện Thông tư 40/2010/TT-BGDĐT để tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc bố trí giáo viên Tiểu học hoặc THCS sang làm việc tại các Trung tâm.
Huỳnh Hải