Thiếu hơn 27.500 giáo viên mầm non
(Dân trí) - Cả nước thiếu 27.554 giáo viên mầm non đứng lớp. Tình trạng này kéo dài, một số tỉnh thành thiếu hàng ngàn giáo viên, nhiều nơi mỗi lớp chỉ có một giáo viên phụ trách lớp.
Thông tin được cập nhật tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013 - 2114 do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh thành diễn ra sáng 22/8.
Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non
Một số tỉnh thành thiếu nhiều giáo viên (GV) mầm non như Nghệ An thiếu 1.953 GV, Thái Bình thiếu hơn 1.909, Thanh Hóa thiếu 1.541, Bắc Giang thiếu 1.212 GV…
Hay như tỉnh Lào Cai phải huy động sinh viên các trường CĐ Sư phạm đến các trường mầm non dạy học để hỗ trợ cho việc phổ cập trẻ 5 tuổi.
Đại diện tỉnh An Giang - tỉnh có tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi thấp nhất nước - cho hay với tình trạng thiếu GV như hiện nay, An Giang không thể thực hiện 2GV/lớp mà chỉ có thể áp dụng 1GV/lớp, bố trí dạy 6 tiếng mỗi ngày.
Ngoài ra, theo báo cáo của Vụ giáo dục mầm non, tính đến tháng 3/2013 có 9.670 người chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo. Một bộ phận GV hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp, bất cập trong việc thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thiếu phòng, trẻ nhiều độ tuổi phải học ghép
Bên cạnh việc thiếu GV, thiếu phòng học cũng là một vấn đề nan giải đối với bậc học mầm non.
Mạng lưới, trường lớp được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu huy động số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Mạng lưới trường lớp còn nhiều hạn chế bất cập; các khu đô thị, khu công nghiệp chưa quan tâm xây dựng cơ sở giáo dục mầm non buộc người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát (không phép), không đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cả nước hiện còn còn 365/11.124 xã, phường, thị trấn chưa có trường mầm non; 2.879 thôn, bản chưa có nhóm, lớp mầm non. Tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An, Hòa Bình…
Hiện, vẫn còn 12.530 phòng học nhờ, mượn (chiếm 8,4%), tỷ lệ phòng kiên cố mới đạt chưa đến 60%. Tỷ lệ nhóm/lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ở mức 61,2%.
Đặc biệt, số nhóm/lớp ghép 2 và 3 độ tuổi còn nhiều, chiếm gần 17%. Đặc biệt ở một số điểm lẻ, trẻ 5 tuổi vẫn học chung với các lửa tuổi khác, chưa được tách riêng để chuẩn bị vào lớp 1. Nhiều địa phương phải bố trí số trẻ/lớp vượt quy định.
Thiếu trường, thiếu giáo viên, việcphổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổicòn chậm không đạt được tiến độ như kế hoạch đã đề ra. Một số số địa phương có tỷ lệ số xã đạt phổ cập rất thấp như Kiên Giang chỉ 4,8%, Sóc Trăng 6,4% và An Giang chỉ 9% số xã đạt phổ cập.
Có đến có 35% số tỉnh, thành phố chưa công nhận được huyện nào đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
Do thiếu trường lớp, trẻ học 2 buổi/ngày trên toàn tỉnh An Giang chỉ đạt khoảng 10%. Để dành phòng học cho trẻ 5 tuổi, các địa phương của tỉnh này phải “bóp” lại quy mô đến trường của trẻ 3 - 4 tuổi. “Phương án này là không hay nhưng trong nhiều thứ cần ưu tiên chúng tôi buộc phải chọn cái ưu tiên nhất. Bởi nhiều nơi, riêng lo phòng học cho trẻ 5 tuổi đã không lo nổi thì không thể cáng đáng trẻ dưới 5 tuổi. Và trong 10 năm tới cũng khó để đảm bảo được cho trẻ dưới 5 tuổi đến trường”, đại diện tỉnh này cho hay. |
Hoài Nam