Thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Do chỉ tiêu giao đào tạo quá ít

(Dân trí) - Là thông tin được PGS.TS Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam” do trường đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp cùng tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức ngày 20/9.

90% sinh viên chưa tốt nghiệp đã có việc làm

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hải cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ hiện nay ngành giáo dục có khoảng trên 1,3 triệu học sinh khuyết tật đang theo học các trung tâm và chương trình giáo dục hòa nhập (GDHN).

Thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Do chỉ tiêu giao đào tạo quá ít - 1
PGS.TS Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo.

Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo giáo viên dạy hòa nhập hiện nay còn quá ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội cần. Đơn cử như Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao chỉ tiêu đào tạo 35 sinh viên/năm học. Trong khi, thực tiễn ở bậc tiểu học quy định 1 cô giáo phụ trách 2 trẻ khuyết tật.

Có thể làm phép tính đơn giản từ con số 1,3 triệu trẻ khuyết tật cần bao nhiêu giáo viên dạy hòa nhập, chưa kể đến lượng nhân lực các trung tâm bảo trợ xã hội công lập và dân lập đang cần, PGS Hải trăn trở.

Cho dù, mỗi năm học các địa phương đều tổ chức các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ dạy hòa nhập cộng đồng cho giáo viên tiểu học. Tuy vậy, mới chỉ dừng lại ở trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất giúp trẻ hòa nhập ở góc độ nhỏ nào đó chưa phải chuyên sâu để dạy kỹ năng lâu dài giúp trẻ không bị hoảng loạn và thiệt thòi trong việc tiếp cận kiến thức từ sách vở.

PGS Hải cũng cho biết thêm, hiện nay trong các văn bản danh mục vị trí việc làm vẫn chưa có vị trí của giáo viên Giáo dục đặc biệt trong hệ thống các trường công lập.

Dẫn tới tình trạng nhiều trường công lập ở địa phương không thể tuyển dụng được vì không có chỉ tiêu trong danh mục công chức hàng năm, thành ra trường nào có trẻ khuyết tật lại loay hoay không có phương án giáo dục cụ thể khiến không ít trẻ không được dạy hòa nhập xã hội.

Thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Do chỉ tiêu giao đào tạo quá ít - 2
Hội thảo với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trong nước và quốc tế.

PGS Hải cho rằng, thực tế đến gần 90% sinh viên chưa tốt nghiệp đã được các trung tâm, trường ngoài công lập đặt hàng tuyển dụng. Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách hỗ trợ thêm trong việc đào tạo ngành học đặc thù này, đáp ứng đủ nhu cầu các đơn vị địa phương.

Trẻ khuyết tật giao tiếp đơn giản nhờ công nghệ số

Th.S Nguyễn Minh Phương, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, hiện nay đa số trẻ khuyết tật (TKT) vẫn bị coi là đối tượng cần được bảo trợ và ít được tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ khác. Do đó, việc đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi chính sách và cải thiện khả năng giáo dục hội nhập còn thấp, gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù hằng năm Bộ GD&ĐT đều có văn bản xác định nhiệm vụ các trường, trong đó có giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là một trong những nội dung quan trọng. Tuy nhiên do điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất các địa phương khác nhau nên còn nhiều hạn chế và chênh lệch hiệu quả giữa các đơn vị.

Thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Do chỉ tiêu giao đào tạo quá ít - 3
Được biết, sau Hội thảo trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tập hợp các ý kiến và mong muốn về sự phát triển bền vững giáo dục hòa nhập gửi Bộ GD&ĐT xem xét, đưa ra định hướng mới trong thời gian tới đây.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hải chỉ ra 4 điểm khó khăn nhất gây cản trở phát triển bền vững môi trường giáo dục hòa nhập cho TKT.

Thứ nhất, nhận thức của xã hội và chính các gia đình có NKT vẫn còn nhiều hạn chế, tự coi và cho các em ở thế yếu cần được bảo trợ nên đã vô tình tạo ra một lối mòn trong suy nghĩ của TKT. Điều này khiến các em chậm tiếp xúc với xã hội xung quanh.

Thứ hai, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực giáo viên dạy hòa nhập chưa đủ đáp ứng được thực tế cuộc sống, mới chỉ dừng lại ở bồi dưỡng bổ sung giáo viên cũ hàng năm nên khó đảm bảo chất lượng cho vấn đề này.

Thứ ba, nhiều địa phương hiện nay chưa thực hiện tốt và triệt để các vấn đề giáo dục cho TKT.

Thứ tư, Cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ TKT còn quá nghèo nàn.

Thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Do chỉ tiêu giao đào tạo quá ít - 4
GS Yusuke ADA, Đại học Sư phạm Wakayama Nhật Bản chia sẻ một số phương pháp giúp TKT dễ dàng giao tiếp và hòa nhập cộng đồng.

GS Yusuke ADA, Đại học Sư phạm Wakayama Nhật Bản đưa ra một số phương pháp và thiết bị hỗ trợ xử lý thông tin tin giúp cho trẻ khiếm thị, khiến thính giao tiếp tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ như máy chuyển đổi chữ viết, văn bản thông thường sang chữ nổi và tiếng nói để người bị khiếm thị, khiếm thính dễ dàng tiếp cận với bất kỳ nguồn tài liệu sách báo thông tin nào.

Đồng thời, bàn phím chữ nổi của chiếc máy cũng cho phép nhập thông tin nhanh chóng giúp trẻ khiếm thị thể hiện được thông tin muốn trình bày với người đối diện. Kích cỡ của máy rất nhỏ, có khoảng trên dưới 10 phím với 6 chấm cơ bản người dùng không cần đánh chữ trực tiếp nên sẽ dễ dàng sử dụng.

Theo sự đánh giá của thế giới, đây là một trong những máy chuyển đổi thông tin nhanh, gọn nhẹ và tiện nhất cho trẻ khiếm thị, có thể coi đây là máy tính chuyển đổi chữ nổi tốt nhất ở Nhật Bản hiện nay. Chúng ta nên nhân rộng ra ở Việt Nam nhiều hơn hoặc có các bước chuyển giao công nghệ sản xuất thiết bị trong thời gian tới, GS Yusuke EDA cho hay.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng trườngĐại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, các nhà khoa học đã chỉ ra những giải pháp phát triển giáo dục hòa nhập cho TKT ngày càng hiệu quả hơn và mang tính chiến lược lâu dài. Điều này có ý nghĩa to lớn trong công tác đào tạo giáo viên dạy giáo dục hòa nhập của Nhà trường.

Đồng thời, từ những bài học kinh nghiệm của các nước và thực tiễn đặt ra sẽ là những khuyến nghị tốt nhất đề Bộ GD&ĐT xem xét đưa ra định hướng xây dựng chính sách và giải pháp thúc đẩy bền vững giáo dục hòa nhập cho TKT trong giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn 2045 tới đây.

Hà Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm