Thi trượt lớp 10: Cha mẹ thở dài cũng sẽ gây "sát thương" tới trẻ

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Chuyên gia tâm lý lưu ý, khi trẻ gặp những bất ổn tâm lý sau thi trượt, những lời nói, cử chỉ, hành vi của cha mẹ với trẻ cần rất cẩn trọng.

Thời điểm này, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã công bố điểm thi vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và điểm chuẩn vào các trường THPT công lập, THPT chuyên.

Trên các diễn đàn, một số học sinh tâm sự đã không thể ăn, không thể ngủ kể từ khi biết bản thân thi trượt. Các em cho rằng mình là người thất bại, vô định khi nghĩ đến tương lai, sợ hãi và buồn bã khi thấy cha mẹ, ông bà thở dài,…

Thi trượt lớp 10: Cha mẹ thở dài cũng sẽ gây sát thương tới trẻ - 1

Trường hợp thi trượt, trẻ dễ rơi vào trạng thái chán nản, buồn rầu, cảm thấy khó chịu vì không đạt được kỳ vọng như mình mong muốn (Ảnh: minh họa).

Trẻ gặp bất ổn về tâm lý vì không đạt được kỳ vọng

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trẻ có thể gặp rất nhiều khó khăn về mặt tâm lý trong toàn bộ quá trình từ khi đợi điểm thi, biết điểm tới vài tuần sau khi biết kết quả thi.

Trường hợp thi trượt, trẻ dễ rơi vào trạng thái chán nản, buồn rầu, cảm thấy khó chịu vì không đạt được kỳ vọng như mình mong muốn. Bên cạnh đó là tâm trạng lo lắng, căng thẳng, mức độ căng thẳng có thể rất lớn. Một số học sinh thậm chí rơi vào trầm cảm, có suy nghĩ mang tính nguy cơ, hành vi mang tính nguy cơ như toan tự sát.

PGS Hương phân tích, những bất ổn về tâm lý trên thường xuất hiện khi trẻ gặp căng thẳng, áp lực quá lớn; trẻ đặt kỳ vọng quá nhiều vào bản thân hoặc được người khác đặt kỳ vọng cao nhưng không đạt được mục tiêu. Khi đó, trẻ dễ có tâm trạng hụt hẫng, suy giảm cảm xúc rất nhanh chóng.

Ngoài ra, sự căng thẳng cũng khiến cho trẻ mất ăn, mất ngủ, ăn không ngon miệng,… Điều này làm quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể thay đổi, giảm đi những chất kích hoạt sự hưng phấn, từ đó cũng làm giảm cảm xúc.

"Vì trước nay các con chưa từng gặp phải những vấn đề đó nên khả năng ứng phó chưa được trang bị. Do vậy, các con dễ bối rối và gặp phải những khó khăn về mặt cảm xúc, hành vi, khó kiểm soát được cảm xúc của mình", PGS Hương nói.

Theo chuyên gia này, trong trường hợp nhận thấy con có những vấn đề về tâm lý khi thi trượt, cha mẹ cần nỗ lực quan tâm đến các con hàng ngày hàng giờ, gần như không rời con. "Không rời ở đây không có nghĩa ngày nào chúng ta cũng phải giám sát, trông nom trẻ, mà là sự đi cùng với các con về mặt tinh thần để hỗ trợ cho con; ở bên cạnh động viên con", PGS Hương nhấn mạnh.

Cha mẹ cần cẩn trọng lời nói, hành vi trong thời điểm trẻ nhạy cảm

PGS.TS Trần Thu Hương cũng lưu ý phụ huynh, những lời nói với trẻ ở thời điểm này cần rất cẩn trọng vì trẻ đang rất nhạy cảm. Với bất cứ lời nói nào, các con cũng có thể suy luận khác đi. Thậm chí, trường hợp cha mẹ không trách mắng nhưng lại có những biểu hiện như thở dài, tỏ ra buồn rầu,…  trẻ cũng sẽ rơi vào trạng thái trầm buồn, khó có thể cứu vãn đươc nếu gia đình không để mắt đến hoặc không kịp quan tâm.

"Phụ huynh không nói gì nhưng lại thở dài, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình bị chỉ trích. Hoặc cha mẹ nói về bạn khác, khen bạn khác điểm cao thì con sẽ cảm thấy bị so sánh. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ thất vọng về con vì con đã không làm tốt. Hệ lụy là cảm xúc của trẻ sẽ đi xuống rất nhiều", PGS Hương chia sẻ.

Theo bà, những thái độ, hành vi, cử chỉ kể trên của cha mẹ sẽ có tác động rất lớn, mức sát thương với trẻ thậm chí nặng hơn cả lời trách mắng. Khi lặp lại hàng ngày, chúng sẽ liên tục đánh vào tâm trí của đứa trẻ, khiến các tác động, hệ lụy lớn hơn.

Nếu trẻ không thể thoát khỏi những bất ổn về tâm lý, ở mức độ nhẹ, trẻ sẽ có nguy cơ rơi vào trầm cảm. Nặng hơn, con có thể toan tự sát, có hành vi tự sát hoặc có những hành vi khác như tự làm cho mình đau, tự gây thương tích,…

Một số phụ huynh băn khoăn về vấn đề không biết cách giao tiếp, nói chuyện để con có thể thoải mái tâm sự, PGS Hương chia sẻ, phụ huynh có thể không cần nói gì, chỉ cần ở bên cạnh trẻ, khiến con cảm thấy được yêu thương.

"Mọi người đừng nghĩ cứ phải nói gì mới là động viên. Đôi khi chỉ cần im lặng ở bên cạnh trẻ và có cử chỉ thể hiện tình yêu thương, sự cảm thông sẽ giúp đỡ cho đứa trẻ rất nhiều. Việc nói nhiều quá ở thời điểm này có thể lại không tốt vì trẻ dễ suy luận sang hướng khác, nhưng khi không nói thì cha mẹ phải có những cử chỉ phù hợp để không thể hiện sự phê phán. Ngoài ra, có thể tổ chức cho các con một vài buổi đi chơi đâu đó, để con được nghỉ ngơi thư giãn, giải phóng đầu óc", PGS Hương cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm