Thi trắc nghiệm: Dò dẫm và lo lắng

(Dân trí) - “Em thực sự lo lắng vì chưa được tập dượt thi trắc nghiệm các môn Toán, Hoá, Sinh. Hết học kỳ I Bộ mới thông báo, em sợ năm nay thi ĐH không đỗ vì chưa ôn được nhiều mà đề trắc nghiệm lại đòi hỏi kiến thức tổng hợp” - em Nguyễn Văn Tuấn, trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội nói.

Cũng như Tuấn, học sinh lớp 12 trên cả nước đang rất lo lắng về phương thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh sắp tới. Các thầy cô cũng đang “dò dẫm” tập làm từng đề thi, lập phương án để tổ chức thi thử trắc nghiệm. 

 

Học sinh lo lắng và lúng túng

 

Em Đinh Văn Thắng, trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ, thị xã Ninh Bình cho biết: “Với thi trắc nghiệm môn tiếng Anh, em đã lo lắm rồi, bây giờ lại thêm 3 môn khối tự nhiên nữa… Em đang tìm lớp học thêm về phương pháp thi trắc nghiệm đây”.

 

Còn Trần Văn Công (HS lớp 12 trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội) ngay khi biết tin năm nay có thêm 3 môn thi bằng hình thức trắc nghiệm, “em đã đi học thêm trước chương trình ở ngoài để có thời gian ôn tổng hợp lại kiến thức cho phù hợp, chứ không dám học tủ như các anh chị khoá trước. Bộ GD-ĐT thông báo thi đột ngột quá!”.

 

Không chỉ các học sinh đang học lớp 12 lo lắng mà đối tượng lo nhất là các học sinh “lớp 13”. Em Vũ Thanh Hằng, quê ở Lý Nhân, Hà Nam cho biết: “Sau khi trượt đại học, em đã lên Hà Nội để ôn thi cho yên tâm. Đến nay em thấy ổn về kiến thức nhưng lại lo về phương pháp làm bài thi vì em chưa lần nào “đụng” đến dạng bài trắc nghiệm. Thực sự em rất lúng túng, không biết năm nay có thể đỗ ĐH không nữa, nhưng đành phải cố thôi”.

 

Các trường “tập làm” đề thi

 

Ở Việt Nam, phương pháp thi trắc nghiệm khách quan còn khá lạ lẫm. Hiện mới chỉ một số chuyên gia được tập huấn và đặc biệt chưa có một trường THPT nào soạn thảo được ngân hàng đề thi.

 

Tại Hà Nội, các trường THPT trong thành phố đang ráo riết chuẩn bị cho học sinh làm quen với các phương pháp này, bắt đầu từ các bài kiểm tra 15 phút.

 

Hiện Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng đã phối hợp với các Sở GD-ĐT xây dựng hoàn thành một ngân hàng đề thi khá phong phú và sẵn sàng đưa vào áp dụng trong năm tới.

Không chỉ học sinh lo lắng mà đến các thầy cô cũng đang “vắt chân lên cổ”, dò dẫm tập làm các đề thi trắc nghiệm và tổ chức thi thử cho học sinh trước khi Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) có văn bản hướng dẫn.

 

Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đã tổ chức thi trắc nghiệm trên toàn trường để học sinh và giáo viên cùng tập dượt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Một câu hỏi trắc nghiệm đơn lẻ thì dễ nhưng tập hợp các câu hỏi lại thành một đề thi bao quát cả chương trình đánh giá năng lực, khả năng tư duy của học sinh thì không đơn giản chút nào.

 

Ngay sau khi sơ kết học kỳ I, nhà trường phải tập huấn cho giáo viên về yêu cầu của thi trắc nghiệm, các loại đề và cách ra đề. Nhưng nhà trường và tập thể giáo viên cũng chỉ mày mò làm đề, hiểu đến đâu thì làm đến đó chứ làm sao mà toàn diện được”.

 

Được biết, sau khi trường Đinh Tiên Hoàng tổ chức thi thử trắc nghiệm do giáo viên trong trường tự ra đề thì kết quả điểm thi lại cao hơn rất nhiều so với thi tự luận. Ban giám hiệu nhà trường rất bất ngờ và đang băn khoăn là không biết có phải giáo viên ra đề thi chưa đúng kỹ thuật, câu hỏi ít hay việc trộn mã đề khác nhau... chưa đáp ứng được yêu cầu nên tình trạng quay cóp vẫn xảy ra (?).

 

Ngược lại với kết quả trên, trường THPT Văn Hiến cho học sinh kiểm tra học kỳ I bằng đề mua của Sở GD-ĐT Hà Nội thì kết quả chỉ có 40 - 50% học sinh làm bài thi đạt yêu cầu.

 

Bà Trần Thị Kim Dung, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những học sinh có học lực loại khá của trường, khi làm bài kiểu tự luận thường được điểm 9, 10 nhưng làm bài thi trắc nghiệm lại có điểm dưới trung bình”.

 

Trường THPT DL Lương Thế Vinh cũng đang chuẩn bị tổ chức thi thử trắc nghiệm 4 môn, đề do giáo viên trong trường tự làm. Theo GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng nhà trường thì “đây là đợt tập dượt cho cả giáo viên và học sinh để rút kinh nghiệm cho các lần thi sau. Nhưng mong rằng Bộ và Sở sớm đưa ra đề mẫu về các trường để còn kịp xoay xở”. 

 

Hồng Hạnh