Thi THPT quốc gia 2017: Nỗi lo thí sinh "ảo"

75% trong số gần 860.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017 đã đăng ký xét tuyển đại học. Con số này tăng mạnh so với năm 2016 trong khi chỉ tiêu đại học năm nay lại giảm gần 20%.

Các chuyên gia đều khẳng định, việc trúng tuyển đại học hay không phụ thuộc chính vào sự lựa chọn của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường phù hợp năng lực của mình chứ không phải phụ thuộc vào số nguyện vọng đăng ký. Với việc không hạn chế nguyện vọng đăng ký, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu giảm sẽ là bài toán thí sinh cần cân nhắc khi còn một cơ hội nữa để thay đổi nguyện vọng.

Nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học 2017 tăng vọt trong khi chỉ tiêu giảm mạnh.
Nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học 2017 tăng vọt trong khi chỉ tiêu giảm mạnh.

Lượng đăng ký xét tuyển: Lớn nhưng không thực chất

Ngày 20-4-2017, cả nước có 859.835 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó thí sinh đăng ký xét tuyển là 643.151, chiếm khoảng 75%. So sánh với năm 2016, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng mạnh hơn 40.000 thí sinh trong khi chỉ tiêu lại giảm 20%, vào khoảng 30.000 chỉ tiêu. Xét trên tổng thể, điều này sẽ tạo mức cạnh tranh cao hơn đối với các thí sinh dự tuyển vào đại học.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều trường đại học tại thời điểm này cho thấy, tổng số nguyện vọng được thống kê đến thời điểm hiện tại là con số rất ảo do không giới hạn nguyện vọng đăng ký. Một thí sinh đồng thời có thể đăng ký vào nhiều trường khác nhau.

Do vậy, số lượng nguyện vọng được thí sinh đăng ký vào các trường dù rất lớn nhưng không thực chất. Phân tích của một số trường tốp giữa cho thấy, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này có nghĩa là thí sinh đăng ký nếu đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp và đạt đủ điểm chuẩn của trường thì mới có khả năng trúng tuyển. 80% thí sinh với số nguyện vọng còn lại chỉ trúng tuyển vào trường sau khi rớt nguyện vọng 1 vào các trường đã đăng ký nên độ ảo rất lớn.

Tính đến ngày 20-4, sau khi hết hạn đăng ký xét tuyển, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ có 13% thí sinh đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng. Đây là những thí sinh rất có bản lĩnh, xác định được ngành, nghề mình yêu thích và quyết tâm theo đuổi ngành, nghề mình đã chọn. Tuy nhiên, số lượng lớn thí sinh còn lại đều đăng ký 4 đến 5 nguyện vọng. Cá biệt, thí sinh đăng ký nhiều nhất là 21 nguyện vọng xét tuyển đại học. Điều này càng khẳng định khả năng “ảo” trong khâu xét tuyển đại học năm nay sẽ rất lớn.

Phần mềm lọc “ảo”: Xử lý được trường hợp 21 nguyện vọng?

Trước câu hỏi, làm thế nào giúp các trường đại học lọc “ảo”, vừa giảm thiểu phức tạp, kém hiệu quả trong công tác tuyển sinh của trường, vừa không ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh? - Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đã lường trước vấn đề này”.

Với ví dụ có thí sinh đăng ký tới 21 nguyện vọng, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng thi, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đang rà soát lần cuối phần mềm lọc “ảo”, sau đó, sẽ tập huấn cho các trường tham gia vào phần mềm này. “Hiện những yêu cầu về lọc thí sinh “ảo”, phần mềm của Bộ GD-ĐT đều đáp ứng được. Tôi có thể khẳng định, đối với thí sinh đăng ký 21 nguyện vọng để đăng ký xét tuyển vào các trường, phần mềm lọc “ảo” vẫn thực hiện được” - ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.

Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất.

Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn khuyến cáo các trường, để xử lý vấn đề thí sinh “ảo” hiệu quả, các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển như nhóm GX năm ngoái do trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ còn lọc những thí sinh trúng tuyển ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp. Khi không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.

Điều chỉnh nguyện vọng: Còn cơ hội

Theo quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD-ĐT, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định. Thí sinh chỉ được sử dụng một trong 2 phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện. Lưu ý, phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự tuyển.

Nếu điều chỉnh bằng phiếu, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự tuyển và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Thí sinh cần lưu ý ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, theo quy định của Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

1/3 nguyện vọng đăng ký xét tuyển tập trung vào khối A

Số liệu của Bộ GD-ĐT đến thời điểm này cho thấy, các tổ hợp xét tuyển truyền thống (khối A, A1, B, C, D1 cũ) vẫn chiếm tỷ lệ đăng ký xét tuyển cao nhất, trên 80% tổng số nguyện vọng xét tuyển đại học cả nước. Trong đó, các môn thuộc khối A (Toán, Lý, Hóa) đạt tỷ lệ cao nhất, chiếm 1/3 tổng số nguyện vọng đăng ký vào các trường. Sau đó là khối D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), khối C (Văn, Sử, Địa), khối A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh), khối B (Toán, Hóa, Sinh). Do đa số thí sinh chọn xét tuyển khối A và D1 nên xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh tập trung nhiều ở khối ngành Kỹ thuật, trong đó nhiều nhất là ngành Công nghệ thông tin; tiếp đến là ngành Luật, Tài chính ngân hàng, Kinh tế và Quản trị kinh doanh.

Ông Bùi Văn Ga, (Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Sẽ có chuyển biến sau khi có kết quả thi THPT

Việc ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào tốp 10 trường đại học được thí sinh đăng ký nhiều nhất chưa nói lên điều gì vì đây mới chỉ phản ánh về mức độ yêu thích của thí sinh đối với các trường đại học nói chung. Còn việc thí sinh có đủ năng lực để đăng ký xét tuyển vào các trường này hay không lại là vấn đề khác nhau. Việc không hạn chế nguyện vọng và không phân biệt nguyện vọng khi xét tuyển đại học khiến thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký thoải mái mà không cần cân nhắc kỹ năng lực mình có phù hợp hay không. Tôi cho rằng để có cái nhìn chính xác thì còn phải đợi sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh có căn cứ để điều chỉnh lại nguyện vọng. Bên cạnh đó, những biến động về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và số lượng thí sinh thực sự có nhu cầu vào học khiến các trường lo ngại sẽ không thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 xét tuyển.

Ông Nguyễn Phong Điền, (Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội)

Theo Vinh Hương

An Ninh Thủ Đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm